Năm đơn vị ở năm điểm cầu, được kết nối qua sóng livetream trên nền tảng mạng xã hội. Trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Xuân Bắc đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình. Anh giao lưu với các nghệ sĩ và giới thiệu tiết mục biểu diễn.
Đầu cầu Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ An ngồi bên cây đàn piano, xung quanh vắng lặng. Những ngày qua, anh tới nhà hát một mình, cặm cụi tập luyện cho tiết mục. Đỗ An sau đó tự đàn, hát ca khúc Chiến binh nhỏ do anh vừa sáng tác. Tác phẩm lấy cảm hứng từ hình ảnh các em nhỏ mặc đồ bảo hộ đi cách ly. Những ca từ: "Những chiến binh nhỏ bé/ Đang vững bước đi lên/ Trong trang phục thùng thình/ Mẹ cha không mong muốn..." vang lên qua giọng hát đậm chất tự sự của Đỗ An khiến nhiều khán giả xem online xúc động.
Ở phần bình luận, nhiều người nói khóc khi nghe ca khúc kèm hình ảnh các em nhỏ đi cách ly. "Trong cuộc chiến Covid-19, các em nhỏ chịu nhiều tổn thương và khiến chúng ta đau lòng nhất. Cảm ơn nghệ sĩ với những giai điệu ấm áp. Mong dịch bệnh sớm kết thúc để chúng ta trở về với cuộc sống bình thường", tài khoản Hà Lê bình luận. Xuân Bắc liên tục kêu gọi khán giả bấm yêu thích, biểu tượng trái tim thay tiếng vỗ tay cổ vũ cho nghệ sĩ. Đỗ An nói: "Đã lâu rồi chúng tôi không được đứng trên sân khấu, gặp gỡ khán giả. Tôi hy vọng sẽ có nhiều chương trình online để được làm nghề và cổ vũ tinh thần mọi người trong thời gian dịch bệnh".
Mỗi nhà hát mang đến một tiết mục đại diện cho loại hình nghệ thuật đặc trưng. Tại mỗi điểm cầu, chỉ có một đến hai nghệ sĩ tham gia, đảm bảo quy định không tập trung đông người. Trong không gian với sức chứa hơn 2.000 ghế của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhưng nay vắng bóng người, Việt Cường trình diễn xiếc Thăng bằng trên thang. Anh được một người hỗ trợ dụng cụ phục vụ cho tiết mục. Khoảnh khắc anh nghiêng ngả, rung rung trên bậc thang cao nhất khiến hàng nghìn khán giả "thót tim", bấm vào các biểu tượng cổ vũ.
Kết thúc tiết mục, khi được Xuân Bắc đọc những bình luận khen ngợi của người xem, Việt Cường cười rạng rỡ. Anh nói dù hơi mệt nhưng vui, phấn khởi vì được biểu diễn. Tiết mục thăng bằng được anh học ba năm trong trường, rèn luyện 5 năm ở nhà hát, đánh đổi nhiều mồ hôi, nước mắt.
Trên chiếu chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sĩ Lệ Thu, Trang Nhung biểu diễn tiết mục kinh điển Thị Mầu lên chùa. Ở Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, ca sĩ Phương Mai một mình thể hiện ca khúc Đồng lòng Việt Nam (Tuấn Hồ) động viên tuyến đầu chống dịch mà không có nhóm múa phụ họa như bình thường.
Lần đầu thực hiện chương trình trực tuyến ở năm điểm cầu, êkíp gặp nhiều vấn đề kỹ thuật như: hiển thị sai tên nghệ sĩ, âm thanh không rõ... nhưng nhanh chóng khắc phục. Xuân Bắc xin lỗi và mong khán giả thông cảm. Anh cho biết Cháy lên là đêm nghệ thuật đầu tiên được thực hiện, thời gian chuẩn bị không nhiều. Anh cùng các thành viên trong êkíp vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện từ nội dung đến hình ảnh cho các đêm tiếp theo.
San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch là chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online dự kiến tổ chức vào chủ nhật hàng tuần với sự tham gia của các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Dự án nhằm tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch, là món ăn tinh thần cho khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết chương trình là dịp để giới thiệu những tác phẩm mới đề tài phòng, chống Covid trên nhiều chất liệu, thể loại nghệ thuật. "Chúng tôi vừa đảm bảo an toàn, vừa muốn các nghệ sĩ có hoạt động làm nghề trong bối cảnh dịch bệnh. Không chỉ tại Việt Nam, sẽ có những nghệ sĩ đang sống, làm việc ở nước ngoài với nhiều dòng bác học, cổ điển, truyền thống và cả đương đại... tham dự. Chúng tôi mong muốn tạo nên xúc cảm đẹp đẽ và lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc", ông nói.
Hiểu Nhân