Theo cây bút Nicholas Kristof từ New York Times, tới Triều Tiên giống như đặt chân vào thế giới khác. Đó là nơi trong mắt người dân, nhà lãnh đạo tối cao giống như anh hùng, đã đưa đất nước thoát khỏi tay đế chế Mỹ, nơi những đứa trẻ sinh ba được chính phủ nuôi dưỡng nhưng không thể sống bên cha mẹ từ bé. Đây là nơi bóng ma chiến tranh hạt nhân luôn cận kề trước cửa và nơi không có bất kỳ thương cảm nào dành cho những tù nhân Mỹ như Otto Warmbier.
Warmbier là sinh viên Đại học Virginia, bị Triều Tiên bắt giữ hồi đầu năm 2016 và kết án 15 năm lao động khổ sai với cáo buộc ăn cắp một tấm biểu ngữ trong khách sạn tại Bình Nhưỡng. Sau 17 tháng, Triều Tiên đồng ý trao trả Warmbier nhưng cậu sinh viên 22 tuổi được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê và đã qua đời vào ngày 19/6.
"Cậu ta vi phạm luật pháp đất nước chúng tôi", Ri Yong-pil, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, quả quyết và thêm rằng việc trao trả Warmbier là một "hành động nhân đạo".
Ông Choe Kang-il, quan chức cấp cao khác thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, khẳng định Bình Nhưỡng đã cung cấp những điều kiện chăm sóc tuyệt vời và "dành nhiều tiền bạc" chăm sóc Warmbier.
Viết trên New York Times, Kristof cho biết ông cảm thấy bất ngờ trước câu trả lời của quan chức Triều Tiên. Phóng viên Mỹ hỏi tại sao người Triều Tiên có thể khoe về việc họ chi tiền chăm sóc một chàng trai trẻ vì chính họ nên mới rơi vào trạng thái hôn mê.
Choe đáp lại đầy quyết liệt rằng Warmbier không bị ngược đãi và cậu hoàn toàn bình thường khi được đưa về Mỹ. "Chính quyền Mỹ, hay người nào đó có âm mưu, đã để cậu ta chết", ông nói.
Theo lời Kristof, các quan chức Triều Tiên không xin lỗi cũng như liên tục đưa ra những thông tin thiếu cơ sở. Họ thể hiện tinh thần chống Mỹ mạnh mẽ. Ông Choe thậm chí còn gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là "gã khùng", "tên côn đồ" hay "kẻ đáng thương to mồm".
Bóng ma chiến tranh
Kristof chia sẻ ông đã đưa tin về Triều Tiên từ những năm 1980 nhưng chuyến đi 5 ngày lần này khiến ông cảm thấy lo lắng hơn cả về nguy cơ xung đột quân sự giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tất cả bởi những dấu hiệu mà ông gọi là "tiếng trống chiến tranh".
"Triều Tiên đang kích động người dân về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Những sinh viên cấp ba mặc quân phục mỗi ngày đều diễu hành trên đường phố để phản đối Mỹ. Các tấm áp phích, biển quảng cáo đặt dọc những tuyến đường công cộng cho thấy hình ảnh tên lửa phá hủy Điện Capitol và xé toạc cờ Mỹ", Kristof miêu tả. "Thực tế, hình ảnh tên lửa xuất hiện mọi nơi, trong sân chơi cho trẻ em mẫu giáo, tại chương trình biểu diễn cá heo hay trên truyền hình".
"Nếu chiến tranh, chúng tôi sẽ không do dự hủy diệt Mỹ", ông Mun Hyok-myong, giáo viên, 38 tuổi, nói khi tới thăm một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng.
Ryang Song-chol, công nhân nhà máy, 41 tuổi, tỏ ra bất ngờ khi Kristof hỏi ông rằng liệu Triều Tiên có thể trụ vững không nếu chiến tranh với Mỹ. "Chúng tôi chắc chắn sẽ chiến thắng", ông khẳng định.
Các cuộc phỏng vấn trên được thực hiện dưới sự giám sát của hai quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Nếu họ không có mặt, những người dân bình thường không thể nói chuyện thoải mái với phóng viên nước ngoài.
Trong chuyến thăm Triều Tiên hồi năm 2005, Kristof kể ông cùng các phóng viên khác được sắp xếp lưu trú tại các khách sạn ở Bình Nhưỡng và có thể tự do đi lại một mình. Nhưng lần này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên bố trí họ lưu lại Nhà khách Kobangsan, phía đông thủ đô Bình Nhưỡng. Ban đầu, Kristof nghĩ đây đơn giản là cách để chính quyền Triều Tiên kiểm soát họ dễ dàng hơn. Song thực tế, Bộ Ngoại giao đang cố bảo vệ họ.
"Nếu ai đó biết các bạn đến từ Mỹ, các bạn sẽ gặp rắc rối", một quan chức Triều Tiên giải thích.
Tâm lý chống Mỹ năm nay trào dâng mạnh mẽ ở Triều Tiên, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bình Nhưỡng. Kristof nghe kể rằng một số quan chức quân sự Triều Triên thỉnh thoảng còn chế nhạo các nhà ngoại giao vì quà nhút nhát trước "những người bạn thân Mỹ".
"Các quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên hộ tống đoàn phóng viên mọi lúc, có lẽ nhằm ngăn chúng tôi tò mò cũng như bảo vệ chúng tôi khỏi những cơ quan an ninh", Kristof cho hay.
Trước đây, Kristof có thể gặp các tướng lĩnh quân đội cấp cao Triều Tiên, song lần này, họ thẳng thừng từ chối lời mời phỏng vấn từ ông. Lực lượng an ninh cũng khước từ yêu cầu của Kristof gặp ba người Mỹ hiện vẫn bị Triều Tiên bắt giữ.
Tại Bình Nhưỡng, các quan chức thể hiện rõ ràng họ không quan tâm tới việc thỏa hiệp với Mỹ nhằm tháo gỡ căng thẳng.
"Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân", ông Choe, quan chức đến từ Bộ Ngoại giao, nói với Kristof. "Chúng tôi có thể sống sót" trước một cuộc chiến như thế, ông cho biết, đồng thời thêm rằng hiện tại không phải thời điểm đối thoại với Mỹ.
Người Triều Tiên khăng khăng cho rằng Washington là bên gây hấn trước khi mang "thái độ thù địch" và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng. Theo họ, Mỹ hoàn toàn không thực tế khi nghĩ Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân.
Kristof nói với Choe rằng chuyến thăm Triều Tiên khiến ông liên tưởng tới lần ông đến Iraq trước thời điểm Mỹ can thiệp quân sự vào quốc gia này. Khác biệt ở chỗ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là thảm họa khu vực mà còn mang đến một thảm họa hạt nhân toàn cầu.
Choe bàng quan trước lời cảnh báo từ Kristof. Ông cho rằng chính Iraq đã phạm sai lầm khi từ bỏ chương trình hạt nhân. Bài học đã rõ và Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán về các đầu đạn nguyên tử của mình.
Thay đổi
Ngoài việc bóng đen chiến tranh đang bao phủ, Triều Tiên cũng có một số tiến bộ nhất định, Kristof cho hay. Kinh tế nơi đây đã phát triển và các quan chức chính quyền ngày càng cởi mở cũng như hiểu biết hơn so với những thế hệ trước.
Các quan chức trước đây thường phủ nhận về những hành vi phạm tội xảy ra tại Triều Tiên. Nay, họ thừa nhận Triều Tiên cũng có kẻ cắp, thậm chí cả tham nhũng.
Triều Tiên giờ đây không còn là "vương quốc khép kín". Họ có Intranet, giống Internet nhưng bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Học sinh làm quen với tiếng Anh từ lớp ba. Tại những ngôi trường hàng đầu, như Trường Trung học Số 1 Bình Nhưỡng, học sinh rất hoạt bát và các em còn giao tiếp với những phóng viên nước ngoài bằng tiếng Anh rất trôi chảy.
Triều Tiên đôi khi khá kỳ lạ. Những đứa trẻ sinh ba được chính phủ nuôi dưỡng từ nhỏ vì họ cho rằng chúng mang đến điềm lành. Người dân luôn dành sự kính trọng tuyệt đối cho các thế hệ lãnh đạo, từ người lập quốc Kim Nhật Thành, tới cố lãnh đạo Kim Jong-il hay nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Chân dung họ hiện hữu trong mọi ngôi nhà, lớp học, công xưởng.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ca ngợi lãnh đạo Kim Jong-un là một người có "trí tuệ đỉnh cao, tính nhạy bén quân sự, lòng dũng cảm vô song và khả năng lãnh đạo xuất chúng".
Nhưng người dân Triều Tiên có thực sự tin vào những điều đó? Kristof đã phỏng vấn vô số người bỏ trốn khỏi Triều Tiên suốt nhiều năm qua. Họ nói rằng giới trẻ Triều Tiên ngày nay và những người sống gần khu vực biên giới với Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn. Nhưng vẫn còn không ít người dân, đặc biệt là người già hay những người sống cách xa biên giới Trung Quốc, thực sự tin tưởng chính quyền cũng như tôn thờ gia tộc họ Kim.
Tâm lý chống Mỹ
Theo Kristof, điều khiến cuộc đối đầu hiện nay giữa Washington và Bình Nhưỡng trở nên nguy hiểm nằm ở việc người dân Triều Tiên đang chìm đắm trong suy tưởng rằng họ từng liên tiếp đánh bại Mỹ, thế nên thừa khả năng làm lại một lần nữa.
Tất cả những người dân mà Kristof có cơ hội nói chuyện trong chuyến thăm, từ quan chức cấp cao đến học sinh, sinh viên, đều chắc chắn rằng nếu chiến tranh bùng phát, Mỹ sẽ kết thúc trong tro tàn và Triều Tiên sẽ là bên chiến thắng cuối cùng.
"Niềm tự hào của người Mỹ sẽ bị xóa sổ", Jo Yong-myong, 20 tuổi, sinh viên đại học, quả quyết. "Cái mũi to của người Mỹ sẽ bị cắt đứt".
Nhằm tìm hiểu về chiến lược tuyên truyền chống Mỹ mà Triều Tiên áp dụng, Kristof tới thăm một bảo tàng lớn mới khánh thành ở thủ đô Bình Nhưỡng mà ông Kim Jong-un cho xây dựng để gợi nhớ về cuộc chiến tranh liên Triều.
Những gì xuất hiện tại bảo tàng một lần nữa làm bật lên những nhận thức lâu nay dường như đã trở thành tiêu chuẩn ở quốc gia này, rằng Mỹ khơi mào cuộc chiến năm 1950 bằng cách xâm lược Triều Tiên và hành vi tàn bạo của Mỹ ở Triều Tiên còn khủng khiếp hơn cả Hitler.
Tuy nhiên, các nhà sử gia lại nói Triều Tiên mới là bên khơi mào khi triển khai binh sĩ tràn sang Hàn Quốc.
"Họ giết hại người dân Triều Tiên như một thú vui", nữ trung úy Jang Un-hye, 24 tuổi, người hướng dẫn các phóng viên Mỹ tham quan bảo tàng, nói với Kristof trong lúc dẫn ông đi qua khu triển lãm cho thấy việc Mỹ năm xưa đã sử dụng vũ khí sinh học như thế nào. Nhưng theo giới sử gia, tất cả chúng đều là giả.
Một sảnh lớn trong bảo tàng chiến tranh, mang tên "Đánh bại Mỹ", lại trưng bày bức tranh khổng lồ vẽ cảnh xác một binh sĩ Mỹ bị quạ rỉa. Tiếng quạ kêu vang vọng khắp phòng.
Bên cạnh bảo tàng là một chiến tích khác minh chứng cho thắng lợi của quân đội Triều Tiên trước Mỹ: con tàu Pueblo thuộc biên chế hải quân Mỹ bị Triều Tiên tấn công và thu giữ năm 1968.
Dù tư tưởng chống Mỹ được chính quyền Triều Tiên tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, bằng cách nào đó, một số người dân nước này vẫn có xu hướng thân thiện với những người Mỹ bình thường, theo Kristof.
Tại một tháp khoa học và công nghệ mới ở Bình Nhưỡng, Kristof gặp cậu bé 13 tuổi Paek Sin-hyok. Paek hàng ngày vẫn tham gia các cuộc diễu hành quân sự ở trường học để vận động cho chiến tranh. Paek cho biết đây là lần đầu tiên em gặp người Mỹ và nó khiến tim em đập nhanh.
Kristof hỏi Paek về một câu nói khá phổ biến ở Triều Tiên, đại ý rằng "một con sói không thể trở thành cừu và người Mỹ cũng không thể thay đổi bản chất hiếu chiến của họ".
"Chúng tôi thì sao", Kristof hỏi. "Chúng tôi là sói? Hay cừu?".
Paek cố tìm cách trả lời sao cho lịch sự nhất: "Nửa nọ nửa kia", cậu bé đáp.
Vũ Hoàng