Tại Bình Nhưỡng, một mô hình nguyên tử lớn nằm trên một tòa tháp căn hộ mới được xây dựng cho các nhà khoa học hạt nhân. Các thiết kế mang hình dạng nguyên tử cũng xuất hiện trên các cầu vượt, đèn đường và các mặt tiền tòa nhà.
Tại một trại trẻ mồ côi, các em chơi với đồ chơi bệ phóng tên lửa bằng nhựa. Các cửa hàng bán những con tem in hình tên lửa đạn đạo liên lục địa, một tiệm bánh mì bán bánh quy hình tên lửa.
Phóng viên WSJ đã đến Bình Nhưỡng từ ngày 14 đến 19/9, khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang gia tăng. Triều Tiên ngày 15/9 phóng tên lửa qua Nhật Bản. Chỉ vài giờ sau khi nhóm phóng viên rời đi, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo có thể hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu cần thiết.
Trong các cuộc đối thoại với các nhân viên cửa hàng do chính quyền Triều Tiên sắp xếp hay những người dân phóng viên bắt gặp trên đường, tất cả đều cho biết họ ủng hộ chương trình tên lửa và sẵn sàng hy sinh nếu các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế.
Một nhân viên pha chế tại nhà hàng bày tỏ niềm tự hào về khả năng tên lửa của đất nước sau khi xem tin tức về vụ phóng ngày 15/9. "Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là chiến thắng Mỹ", nhân viên này nói. "Ước gì chúng tôi phóng 20 hoặc 30 tên lửa mỗi ngày".
Một số người, bao gồm cả quan chức chính phủ, tỏ thái độ phiền muộn về Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã ủng hộ những lệnh trừng phạt gần đây với Triều Tiên. Một số người dân cho biết họ nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn của thực phẩm Trung Quốc và các sản phẩm khác.
Nhóm phóng viên WSJ được ở trong một biệt thự bằng đá cẩm thạch trắng ở vùng ngoại ô Bình Nhưỡng. Họ thấy các khẩu hiệu tuyên truyền chống Mỹ ở khắp mọi nơi trên đường phố. Các bài hát yêu nước được phát liên tục qua loa phát thanh.
Giới thượng lưu Triều Tiên dường như vẫn sống tốt. Một nhà hàng sushi do cựu đầu bếp của cố lãnh đạo Kim Jong-il mở phục vụ phần ăn giá 100 USD. Một siêu thị ở đường Kwangbok bán các mặt hàng khá phong phú, từ trà địa phương cho đến rượu whisky Nhật Bản 70 USD.
Người dân chơi điện tử trên những chiếc điện thoại thông minh sản xuất nội địa nhưng vẫn không được kết nối Internet. Các tấm pin năng lượng mặt trời xuất hiện ở nhiều nơi tại Bình Nhưỡng, cung cấp nguồn năng lượng thay thế giúp họ không phải chịu cảnh mất điện và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn điện do nhà nước cung cấp.
Mặc dù nhóm phóng viên của WSJ không rời Bình Nhưỡng nhưng các tình nguyện viên nước ngoài đã đến các vùng khác của nước này mô tả khác biệt đáng kinh ngạc ở các tỉnh khác. Ngay cả ở ngoại ô Bình Nhưỡng cũng có khác biệt lớn về tiêu chuẩn sống. Phóng viên nhìn thấy nông dân cùng những chiếc xe bò trên cánh đồng chỉ cách một cơ sở biểu diễn cá heo mới và khu nhà hiện đại cho nhà khoa học một quãng ngắn.
Theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9% trong năm ngoái, lên tới khoảng 32 tỷ USD. Theo Hàn Quốc, đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1999.
Chiến lược của Mỹ là bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt, bao gồm giới hạn về mua bán dầu mỏ.
Ri Gi Song, một nhà kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng có thể chống chịu tốt trước các lệnh trừng phạt. Ông cho biết Triều Tiên có thể dựa vào các đồng minh để luồn lách qua lệnh trừng phạt nhưng không nói cụ thể nước nào.
Ding Jiansheng, một thương gia bán than Trung Quốc sống ở Bình Nhưỡng nói rằng: "Bạn không thể làm tổn thương nền kinh tế này bằng các lệnh trừng phạt". Ding cho biết việc kinh doanh than của ông vẫn phát triển mạnh bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhưng ông từ chối cho biết bằng cách nào.
Ri Song Ho là người điều hành nhà máy Golden Cup Trading Co., sản xuất khoảng 700 loại món ăn vặt, soda, bánh mì và bánh kẹo, trong đó có loại bánh hình tên lửa. Ông nói rằng trải nghiệm trong những năm khó khăn 1990 thôi thúc ông sản xuất nhiều lương thực hơn để bù đắp cho các biện pháp trừng phạt.
"Kể từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã biết tìm cách xoay xở", ông bình luận.
Giống như tất cả công ty ở Triều Tiên, Golden Cup là doanh nghiệp nhà nước. Chính sách kinh tế được đưa ra năm 2013 cho các nhà quản lý như ông Ri có nhiều quyền quyết định hơn. Họ được tự do bán sản phẩm thừa trực tiếp cho khách hàng để có thêm lợi nhuận.
Cuộc trò chuyện của ông nhanh chóng chuyển từ sản xuất đồ ăn vặt sang răn đe hạt nhân. Ông tin rằng mối đe dọa chiến tranh sẽ giảm đi nếu Mỹ chấp nhận sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên.
"Giờ đây tất cả chúng ta đều có vũ khí hạt nhân để bảo vệ mình. Tôi tin rằng trong vài ngày tới sẽ có tin tức rằng Mỹ sẽ không tấn công chúng tôi", Ri nói.
Phương Vũ