Nhiều người cảm thấy tiết kiệm khó hơn tiêu tiền. Các nhà lập kế hoạch tài chính thường khuyên nên tuân theo một mô hình ngân sách nhất định, chẳng hạn quy tắc 50-30-20, lần lượt cho nhu cầu cần thiết, mua sắm - giải trí và tiết kiệm - đầu tư. Nhưng việc lập ngân sách, sau đó tuân theo đòi hỏi phải có tính kỷ luật cao. Dưới đây là năm mẹo mà các nhà hoạch định tài chính khuyên để quá trình tiết kiệm diễn ra dễ dàng hơn.
Tự động hóa khoản tiết kiệm
Đây là một ví dụ tốt cho câu "xa tầm mắt, khỏi suy nghĩ". Vào ngày bạn được trả lương, một số tiền được cài đặt từ trước sẽ được chuyển trực tiếp từ tài khoản thường vào tài khoản tiết kiệm. Hầu hết ngân hàng cho phép bạn làm điều này thông qua trang web hoặc ứng dụng của họ. Do đã được lên lịch tự động, bạn không cần phải suy nghĩ, đắn đo về việc tháng này nên tiết kiệm bao nhiêu, hoặc trì hoãn việc trích tiền cho tiết kiệm.
Bằng cách tự động trích tiền hàng tháng, bạn đang ưu tiên cho mục tiêu tiết kiệm trước tiên. Sau đó, bạn sẽ không có cảm giác "tội lỗi" nếu sử dụng hết số tiền lương còn lại.
Quy đổi tiền mua sắm ra số giờ làm việc
Một thủ thuật được xem có tác động lớn đến tâm lý là quy đổi số tiền mua hàng theo số giờ làm việc. Bằng cách đó, mỗi khoản chi phí đều được đo bằng nỗ lực và thời gian, mà đối với một số người, có vẻ thực tế và hữu hình hơn.
Để làm điều này, bạn cần biết mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giờ. Giả sử bạn thường kiếm được 50.000 đồng mỗi giờ và muốn mua một chiếc áo 300.000 đồng. Lúc bấy giờ, bạn phải đặt câu hỏi liệu chiếc áo trên có xứng đáng với 6 giờ làm việc không. Hoặc bạn có thể tư duy theo kiểu, bản thân có sẵn sàng làm thêm 6 tiếng để đổi lấy chiếc áo đó không.
Bạn vẫn có thể muốn mua sắm. Nhưng suy nghĩ về nó dưới đơn vị tính là sự nỗ lực, có thể giúp bạn quyết định xem món hàng đó thực sự xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không.
Chi tiêu bằng tiền mặt
Mạng xã hội gần đây phổ biến phương pháp lập ngân sách bằng cách "rút phong bì". Bạn cần rút tất cả số tiền chi tiêu hàng tháng ra tiền mặt và chia thành các phong bì dành riêng cho các khoản phí khác nhau như ăn uống, điện nước, tiền thuê nhà... Vì không thể tiêu nhiều hơn số tiền đang có, sử dụng tiền mặt là một lựa chọn hấp dẫn cho những người mắc chứng "nghiện" mua sắm bằng thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, cách chỉ dùng tiền mặt có thể không thực tế đối với các giao dịch như thanh toán tiền thuê nhà hoặc hóa đơn tiện ích, do hiện tại rất phổ biến phương thức thanh toán online. Vì thế, hãy xem xét phương pháp chỉ dùng tiền mặt cho các chi phí mang tính tùy ý như đi ăn ngoài, mua sắm quần áo hoặc giải trí.
Sau mỗi tháng, bạn sẽ biết chính xác số tiền mình còn và có thể phân phối lại tổng số tiền nếu cần. Bất kỳ khoản dư nào vào cuối tháng cũng có thể chuyển thêm vào khoản tiết kiệm hoặc dành cho tháng tiếp theo.
"Thanh lọc" chi tiêu
Các chuyên gia khuyên nên "thanh lọc" chi tiêu bằng cách không tốn tiền vào bất kỳ thứ gì khác ngoài những nhu cầu thiết yếu. Không nhất thiết phải "thanh lọc" hàng ngày, đôi khi bạn chỉ cần một ngày cuối tuần cũng mang lại tác động tích cực.
Cách này phù hợp nhất với những người chi tiêu quá tay hoặc gặp khó khăn với việc mua sắm bốc đồng. Nó kém hiệu quả hơn đối với những người vốn đã có thói quen tiết kiệm.
Lợi ích trước mắt là bạn sẽ để dành được tiền. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, việc "thanh lọc" chi tiêu sẽ buộc bạn phải chống lại sự cám dỗ dùng tiền hàng ngày, dần dần có ý thức hơn trong quản lý tài chính cá nhân. Một cách gián tiếp, "thanh lọc" chi tiêu cũng khuyến khích những thói quen không tốn kém mới như sử dụng thư viện thay vì mua sách hoặc đi bộ ngoài trời thay vì đi xem phim hoặc đi bar.
Đợi 24 giờ trước các giao dịch lớn
Để hạn chế mua sắm bốc đồng, các nhà lập kế hoạch tài chính thường khuyên nên đợi ít nhất 24 hoặc 48 giờ trước khi thực hiện các giao dịch mua sắm lớn. Việc trì hoãn trên sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ liệu món đồ đó có thực sự đáng giá hay không.
Vậy đâu là một "giao dịch mua sắm lớn"? Nhìn chung, một khoản chi tiêu chiếm 1% thu nhập hàng năm có thể xem là giao dịch lớn. Ví dụ, nếu kiếm được 180 triệu đồng mỗi năm, bạn cần chờ 24-48 giờ trước khi mua thứ gì đó có giá 1,8 triệu đồng trở lên.
Thủ thuật này rất hiệu quả với mua hàng trực tuyến. Nhiều trường hợp, "chốt đơn" lúc nửa đêm để rồi sáng hôm sau phải hối hận vì bản thân đã tiêu xài hoang phí.
Tiểu Gu (theo CNBC)