Bác sĩ Trần Châu Quyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhìn nhận ngày Tết khiến mọi người bị xáo trộn nếp sinh hoạt hằng ngày, song người già cần phải duy trì bữa ăn, giấc ngủ đúng giờ, để giữ gìn sức khoẻ. Ông đưa ra một số lưu ý mà người cao tuổi cần áp dụng vào dịp Tết:
Đảm bảo giờ nghỉ đầy đủ
Người cao tuổi cần nhiều thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức hơn người khác, trong đó có nghỉ trưa đầy đủ, đúng giờ. Xáo trộn đồng hồ sinh học sẽ khiến cho họ dễ gặp phải tình trạng như mệt mỏi, chậm chạp, dễ cáu gắt... Mọi người đi chúc Tết đầu năm, cần tránh đến vào giờ nghỉ ngơi của các cụ.
Gia đình có người cao tuổi nên chủ động về giờ giấc sinh hoạt chung cả nhà, tránh tụ tập ăn uống ồn ào khi đến giờ ông bà, cha mẹ cần nghỉ ngơi. Trước giờ nghỉ, người già không ăn quá no bởi sẽ hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải gây nên chứng khó ngủ.
Uống thuốc đúng giờ
Có loại thuốc yêu cầu phải uống đúng giờ, có loại cần uống trước khi ăn hoặc sau khi ăn... Vậy nên, con cháu phải hết sức lưu ý về vấn đề giờ giấc uống thuốc của ông bà, cha mẹ để thuốc có thể phát huy hiệu quả tối đa.
Cân đối giờ giấc, sinh hoạt điều độ đúng giờ để người già uống thuốc đúng bữa, đúng giờ. Một mẹo nhỏ để tránh những lúc Tết nhất bận rộn mà vô tình quên là nên đặt chuông báo thức để nhắc nhở.
Giờ giấc dùng bữa
Khi về già, sức chịu đựng và thích nghi của con người trở nên kém hơn so với thời trẻ. Nếp sinh hoạt ăn uống của ông bà, cha mẹ không được đảm bảo theo đúng giờ sinh hoạt, họ sẽ có nguy cơ cao mệt mỏi, đói, tay chân run rẩy... Vậy nên, việc đảm bảo đúng giờ giấc cho bữa ăn của ông bà, cha mẹ là điều cần phải lưu tâm để đảm bảo sức khỏe.
Nếu cả nhà đi chúc Tết hay du xuân, phải đảm bảo người già ở nhà có đồ ăn sẵn sàng. Chỉ cần một chiếc cặp lồng cơm ấm nóng tới giờ bỏ ra ăn, hay một mâm cơm nhỏ được đính kèm tờ giấy hướng dẫn cụ thể cách hâm nóng khi tới bữa sẽ giúp các cụ ở nhà có thể tự chuẩn bị bữa ăn cho mình, không lo ăn uống trái giờ.
Hỗ trợ đi lại, lấy đồ trên cao
Tết đến là dịp dọn dẹp, cất bớt vật dụng ít dùng, dành chỗ để trang trí cho ngôi nhà. Người cao tuổi sẽ gặp khó khăn khi lấy đồ trên cao. Khi về già, người già sẽ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề về xương khớp như loãng xương, còng lưng, thoái hóa xương cốt, thoát vị đĩa đệm... khiến cho việc đứng thẳng hay rướn với đồ trở nên khó khăn hơn.
Do đó, ưu tiên đặt những vật dụng mà ông bà, cha mẹ thường sử dụng ở nơi có thể dễ dàng lấy được, tránh phải rướn cao hoặc nguy cơ té ngã chấn thương.
Ngoài ra, các vấn đề xương khớp còn khiến cho người già đi lại, di chuyển khó khăn. Con cháu nên chú ý hỗ trợ ông bà, cha mẹ di chuyển, tránh nguy cơ xảy ra những va vấp.
Đề phòng nguy cơ từ rượu bia
Rượu bia là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, các bệnh về gan, tim mạch, huyết áp, thần kinh, đột quỵ... Người cao tuổi dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với người trẻ.
Tết là dịp đoàn viên sum vầy, lượng rượu bia uống nhiều hơn ngày bình thường. Gia đình cần kiểm soát chặt chẽ lượng rượu bia mà người cao tuổi sử dụng, tránh say và những nguy cơ tiềm tàng như đột quỵ, vấp ngã.
Lê Nga