Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm du lịch Trung Quốc không cần biết tiếng Trung, sau hành trình hồi tháng 6.
Không biết một chữ Hán nào và chưa từng đến Trung Quốc, chúng tôi vẫn có hơn 10 ngày du lịch tự túc đầy trải nghiệm tuyệt vời. Hóa ra du lịch tự túc ở Trung Quốc không gian nan như chúng tôi tưởng, nếu chuẩn bị thật kỹ và không ngại hỏi người địa phương. Dưới đây là những điều nên lưu ý:
Lên kế hoạch và lịch trình chi tiết
Cho dù đi bất kỳ đâu, chúng tôi luôn lập một kế hoạch chi tiết. Riêng chuyến đi Trung Quốc, chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức hơn mọi chuyến trước đây để lên lịch trình, bởi nếu sang đến nơi không thể dùng Google và các công cụ hỗ trợ bằng tiếng Anh, tiếng Việt thì sẽ rất khó xoay xở.
Trong lịch trình của bạn cần có các thông tin: Địa điểm muốn đi, địa chỉ (ghi rõ tên và địa chỉ bằng 4 loại chữ: chữ Hán, tên tiếng Anh, tên tiếng Việt, và bính âm (pinyin - phiên âm chữ Hán). Khi bạn dùng các phần mềm chỉ đường, mua vé, đăng ký, bạn sẽ nhập pinyin vào bàn phím, khi đó trên màn hình sẽ hiện ra chữ Hán. Bạn chỉ cần so sánh chữ Hán trên màn hình với chữ Hán trong lịch trình, nếu trùng khớp thì đó đúng là địa chỉ bạn cần đi. Khi bạn cần hỏi đường, người Trung Quốc sẽ nhìn vào chữ Hán để chỉ cho bạn, họ sẽ không hiểu nếu bạn đưa địa chỉ tiếng Anh. Như vậy, không có chữ Hán và pinyin, du khách hầu như không thể tìm hoặc hỏi đường cũng như không thể sử dụng các app trên điện thoại (vốn chỉ có tiếng Trung). Thêm nữa, bạn nên lưu ảnh của mọi địa điểm vào điện thoại.
Giờ đóng, mở cửa, giờ bán vé, phương thức bán vé và giá vé: nhiều địa điểm ở Trung Quốc chỉ bán vé hoặc đặt chỗ qua app, một số nơi có kết hợp bán vé giấy. Nhiều nơi yêu cầu đặt chỗ trước ít nhất một ngày, nếu du khách không tìm hiểu trước thì rất có thể không vào được nơi muốn tham quan. Phần lớn các bảo tàng, di tích đóng cửa vào thứ hai; mỗi mùa trong năm lại có giờ mở cửa khác nhau, do đó nên vào website để tìm hiểu trước.
Khoảng cách và phương thức di chuyển: nghiên cứu trước vị trí tương quan giữa các địa điểm để sắp xếp lộ trình hợp lý sao cho thời gian, quãng đường và chi phí thấp nhất. Đa số các điểm du lịch đều có website riêng và có gợi ý phương tiện công cộng cho du khách. Bạn chỉ cần copy những gợi ý đó vào lịch trình để bắt đúng chuyến tàu, xe buýt. Biển tên đường phố, bảng thông tin tại các nhà ga, trên tất cả chuyến tàu hỏa, tàu điện ngầm và đa số xe buýt đều có tiếng Anh nên dễ dàng nhìn thấy.
Thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết: đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, các số điện thoại khẩn cấp của từng thành phố (y tế, công an, cứu hỏa), số điện thoại người thân, các nơi bạn sẽ đến (khách sạn, chủ nhà trọ, hãng bay, hãng tàu xe).
Cài và làm quen với các app Trung Quốc
Trung Quốc phát triển một hệ thống các ứng dụng rất mạnh phục vụ giao tiếp, đi lại, mua bán mà nếu không cài các ứng dụng, du khách rất khó du lịch tự túc. Ví dụ, để tìm đường, kể cả bạn có tìm cách nào đó vào được Google thì việc gợi ý lộ trình và phương tiện giao thông cũng không chính xác như ứng dụng Baidu. Để liên lạc, đặt chỗ, mua vé, rất nhiều trường hợp bạn chỉ có thể dùng phần mềm Wechat. Do đó, Baidu và Wechat là hai ứng dụng cơ bản mà mọi du khách nên cài trong điện thoại khi tự túc đi Trung Quốc.
Bạn nên mua simcard Trung Quốc để vào mạng, chỉ khi có số điện thoại bạn mới có thể đăng ký tài khoản và đăng nhập Wechat. Ngay khi mua sim, bạn hãy đề nghị nhân viên hỗ trợ kích hoạt Wechat, bởi phần mềm này yêu cầu phải có người dùng (user) đã hoạt động trên 6 tháng giới thiệu thì bạn mới có thể kích hoạt tài khoản của mình.
Một khi đã cài và dùng được Baidu và Wechat, thì việc tìm đường, lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, liên lạc, đặt chỗ đều trở nên đơn giản. Baidu chỉ có tiếng Trung, còn Wechat có nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt.
Cài sẵn phần mềm dịch
Với phần mềm dịch phổ biến nhất là Google Translate, bạn có thể download sẵn bộ tiếng Trung giản thể về điện thoại, như vậy kể cả khi ở Trung Quốc bạn không vào được Google hoặc không vào được mạng, bạn vẫn có thể dùng điện thoại để giao tiếp với người Trung Quốc bằng cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung. Đây cũng là phương thức giao tiếp phổ biến nhất của khách du lịch với cư dân địa phương suốt hành trình.
Người dân Trung Quốc rất nhiệt tình, tốt bụng, kiên nhẫn, và hầu như ai cũng có điện thoại thông minh. Rất nhiều người sẵn lòng bỏ ra 10-15 phút, thậm chí hơn để hỗ trợ. Trong số hàng trăm người chúng tôi đã gặp gỡ tại Trung Quốc, không nhiều người nói được tiếng Anh, nhưng hầu hết đều sẵn sàng giao tiếp với người nước ngoài và giúp đỡ cho đến khi đạt được kết quả. Một bí quyết là câu hỏi càng ngắn thì phần mềm dịch càng hoạt động hiệu quả, thay vì gõ cả câu dài như "Bác làm ơn cho cháu đường đến cung điện Tử Cấm Thành là đường nào ạ?" thì bạn chỉ cần gõ "Hãy chỉ cho tôi đường đến Cố Cung".
Đặt phòng và mua vé trước
Du khách nên đặt phòng nghỉ trước khi đến Trung Quốc để tránh bị động. Dịch vụ phòng nghỉ ở Trung Quốc khá đa dạng và nhiều mức giá, từ khách sạn, homestay đến căn hộ, phổ biến từ vài trăm nghìn đến vài triệu một đêm. Bạn có thể đặt phòng trên các website như Trip.com, Booking.com, Agoda.com. Hầu như tất cả các cơ sở lưu trú đều có số điện thoại và ID Wechat, bạn nên lưu lại các thông tin này để liên lạc với họ thuận tiện nhất, đặc biệt qua Wechat. Đa số chủ nhà luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi thông tin du lịch tại địa phương, gửi ảnh, gửi định vị, gửi các gợi ý cho bạn, dù đó vốn không phải là nhiệm vụ của họ.
Với việc di chuyển nội đô, bạn không cần mua vé tàu xe trước vì vé tàu điện, xe buýt luôn sẵn. Nhưng nếu bạn cần đi lại giữa các tỉnh thành khác nhau, bạn rất nên mua vé tàu trước và mua sớm nhất có thể. Nhiều chuyến tàu xe có thể hết chỗ khá nhanh.
Mang theo đủ tiền mặt và hộ chiếu
Người Trung Quốc hiện nay hầu như không dùng tiền mặt, đa số dùng điện thoại và thanh toán bằng app như Alipay, Wechat. Tuy vậy du khách sẽ khó dùng app vì không có tài khoản ngân hàng Trung Quốc liên kết với ứng dụng. Không nhiều nơi có máy quẹt thẻ, do đó thẻ tín dụng quốc tế có thể không dùng được.
Hãy chuẩn bị đủ tiền mặt, cả tiền chẵn và tiền lẻ. Một lưu ý nhỏ là trên xe buýt không có phụ lái thu tiền, mà chỉ có tài xế, thường thì tài xế cũng không chuẩn bị tiền mặt để trả lại. Vì vậy nếu muốn đi xe buýt, hãy chuẩn bị sẵn tiền lẻ, tiện nhất là đồng 1 Nhân dân tệ vì giá vé xe buýt ở Trung Quốc thường dao động từ 1 đến 3 Nhân dân tệ (3.000-10.000 đồng). Khi lên xe bạn chỉ cần thả đúng số tiền vào máy thu tiền là có thể bắt đầu hành trình.
Ở hầu hết các điểm tham quan tại Trung Quốc, bạn sẽ cần xuất trình hộ chiếu khi vào cửa. Do đó hãy luôn mang theo hộ chiếu và bảo quản cẩn thận. Hành trang hàng ngày nên gọn nhất có thể, không mang các vật dụng nguy hiểm (dao kéo, bật lửa, hóa chất) vì tất cả các ga tàu điện ngầm, tàu hỏa và đa số các điểm tham quan đều có máy quét hành lý cũng như kiểm tra an ninh.
Dịch vụ du lịch ở Trung Quốc phong phú và chuyên nghiệp, môi trường sạch và an toàn, người Trung Quốc đa số thân thiện, nhiệt tình và làm việc tận tâm. Do đó bạn hoàn toàn có thể bắt đầu chuyến đi tự túc, chỉ cần chuẩn bị kỹ một chút và sẵn sàng cho những trải nghiệm mới.
Trịnh Hằng