Hầu hết các điểm đến nổi tiếng đều có website riêng, trên đó họ gợi ý tour ngắm cảnh, trải nghiệm, không chỉ ở thành phố đó mà có thể đi cả vùng lân cận. Các công ty du lịch địa phương cũng đã nghiên cứu nhiều năm để thiết kế tour phù hợp với nhu cầu đa dạng của du khách, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí nhất có thể. Vì thế khi đi tự túc, bạn có thể tham khảo thông tin của họ, đôi khi có cả những gợi ý thú vị mà nếu chỉ xem review của các website, các blogger Việt Nam, bạn đã bỏ qua.
Trước khi đến thành phố nào, hãy tải sách hướng dẫn (guide book), bản đồ du lịch (tour maps), bản đồ tàu điện, xe buýt... của thành phố đó, xem các điểm nào gần nhau, điểm nào có thể đi trên cùng một tuyến tàu, điểm nào ở ngoại ô và cần thay đổi nhiều phương tiện mới tới nơi... Tôi không đợi đến tận nơi rồi mới giở Google Maps ra tra cứu vì dễ dẫn đến lịch trình không hợp lý. Tôi cũng có nhiều phương án dự phòng cho mỗi ngày, để nếu đến một điểm mà không được vào tham quan thì có thể đến ngay điểm khác lân cận.
Chúng tôi luôn ưu tiên những điểm quan trọng để đến trước tiên vào buổi sáng mỗi ngày, bởi thời gian mở cửa của họ có giới hạn, thậm chí có chỗ còn quy định thời gian mỗi du khách được tham quan bên trong (quá giờ sẽ bị mời ra hoặc bị tính thêm phí). Nếu bạn đến vào buổi chiều, cộng cả di chuyển, xếp hàng, gửi đồ... có khi chẳng còn thời gian để vào cửa. Thêm nữa đầu giờ sáng bạn còn nhiều năng lượng, chưa bị những chặng đi bộ dài và mệt mỏi, thì khả năng tận hưởng của bạn sẽ cao hơn. Đến chiều, bạn có thể đi những điểm ít quan trọng, và buổi tối thì có thể đi mua sắm hoặc giải trí - các điểm này sẽ đóng cửa muộn.
Bạn cũng cần xem kỹ website của các điểm đến, xem có ngày nào trong tuần họ đóng cửa hay không, hoặc ngày nào họ có sự kiện đột xuất không tiếp khách.... Một cậu bạn tôi đi Malaysia đã hăm hở đến thăm tháp đôi Petronas - công trình biểu tượng của đất nước này, rồi đến nơi lại phải quay về vì đó là thứ hai, mà tháp đôi thì chỉ mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần.
Trịnh Hằng