Công sở giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều kiểu đồng nghiệp khác nhau. Có không ít mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng tại chốn công sở. Song, cũng có đồng nghiệp lại mang đến cho bạn sự phiền phức.
Bất hiếu nghĩa
Để xác định có nên kết giao với đồng nghiệp này hay không, bạn hãy nhìn vào cách họ đối xử với bố mẹ và ân nhân của họ. Bởi trước mặt người nhà, họ sẽ tháo bỏ tất cả mặt nạ ngụy trang, thể hiện bản chất chân thực nhất của mình. Nếu đó là một người con bất hiếu, thiếu sự tôn trọng và vô ơn với những người từng giúp đỡ mình, thì người đó không nên kết giao, kẻo sớm muộn cũng chuốc họa vào thân.
Người "hai mặt"
Trong công sở, sẽ không ít người trước mặt ai đó thì khen ngợi hết lời, nhưng sau lưng lại đi nói xấu. Người như vậy cần hết sức cảnh giác, bởi đó chính là một trong những biểu hiện điển hình của người sống hai mặt.
Một biểu hiện khác của người hai mặt đó là nói một đằng, làm một nẻo; lời nói trái ngược với hành động hoặc trước mặt thì nghe theo bạn nhưng sau lưng lại nói xấu.
Người lươn lẹo, gió chiều nào theo chiều đó
Những người lươn lẹo không có nguyên tắc lập trường, không phân biệt đúng sai, mà bên nào mạnh hơn sẽ theo bên đó. Người như vậy trong môi trường công sở xuất hiện không ít. Chỉ cần có lợi cho bản thân, họ bất chấp để đạt được mục đích.
Không nên quá thân thiết, cũng không nên giao cho những người này việc quan trọng. Bởi biết đâu trong một thời khắc then chốt, họ sẽ phản bội lại bạn không thương tiếc.
Những người thích nịnh hót
Rất dễ để nhận ra những đối tượng này nơi công sở. Đó là những người nếu bạn giàu có sẽ không ngừng tuôn ra lời hoa mỹ, tựa mật ngọt. Nếu bạn có chức sắc sẽ không ngừng tâng bốc, nịnh hót lên mây xanh. Những người này luôn ẩn chứa lòng tham không đáy, cung kính xu nịnh cấp trên nhưng lại ngạo mạn vô lễ với cấp dưới.
Đặc điểm của người thích nịnh hót là khi bạn có tiền, có quyền, họ sẽ tìm mọi cách để tiếp cận. Đến khi không còn gì trong tay, họ sẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Người thông minh không nên kết giao với những kẻ cơ hội này.
Những người "tắc kè hoa"
"Tắc kè hoa" dùng chỉ những người giả tạo, giỏi ngụy trang, lập trường không vững và không có lòng trung thành. Những người như vậy sẵn sàng hoán đổi mọi thứ vì lợi ích riêng của bản thân.
Để xác định một "tắc kè hoa" trong công sở, hãy xem xét lịch sử và quá trình nhảy việc của người này. Nếu như họ thay đổi công việc liên tục, thường xuyên nói xấu hay cay cú những chỗ làm việc trước đó, hãy cân nhắc kết giao. Bởi những người như vậy thường tráo trở, đổi trắng thay đen, không đáng tin cậy.
Vy Trang (Theo aboluowang)