Sau 17 năm "thai nghén", Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tổng đầu tư 43.700 tỷ đồng, chính thức vận hành hôm 22/12 giúp mở ra phương thức vận tải khối lượng lớn, kết nối khu trung tâm với cửa ngõ phía đông TP HCM. Dự án được phê duyệt năm 2007, khởi công 2012, song vừa qua mới hoàn thành do quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, qua nhiều lần điều chỉnh.
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, trong đó ba ga ngầm. Metro có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tàu chạy tốc độ tối đa 110 km/h đối với đoạn trên cao, và 80 km/h với đoạn ngầm. Bình quân mỗi ngày tuyến có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, quận 1, khoảng 30 phút.
Metro số 1 khai thác ngoài góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, còn là tiền đề để TP HCM phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trong tương lai. Hiện thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành thêm 355 km metro, trước khi tăng lên 510 km vào 10 năm sau đó. Mạng lưới này được xác định là "xương sống" của hệ thống giao thông, khi hoàn thành đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Trước đó 4 tháng, Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km đã khai thác đoạn trên cao khoảng 8,5 km, sau 14 năm khởi công. Dự án hơn 34.800 tỷ đồng có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách. Giờ mở tuyến từ 5h30 và đóng lúc 22h, cách 10 phút lại có một chuyến xuất phát.
Đoạn trên cao đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vào khai thác thương mại đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân bằng phương tiện giao thông công cộng, giảm tải ách tắc cho khu vực phía tây Hà Nội, tạo nền móng cho phát triển giao thông xanh của thủ đô.
2024 cũng là năm một loạt dự án cao tốc bắc nam hoàn thành. Đầu tiên là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km đi qua Nghệ An 44,4 km và Hà Tĩnh 4,9 km, tổng mức đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, khai thác hồi cuối tháng 4.
Dự án có điểm đầu tiếp nối đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và điểm cuối kết nối đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Giai đoạn đầu, dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 90 km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Trên tuyến cao tốc này có cầu Hưng Đức dài gần 4,1 km, bắc qua sông Lam, La Giang nối Nghệ An và Hà Tĩnh, là cầu vượt sông dài nhất toàn cao tốc bắc nam.
Cùng thời gian này, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, đưa vào khai thác. Dự án có điểm đầu kết nối dự án Nha Trang - Cam Lâm, thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, điểm cuối nối dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận.
Giai đoạn đầu, cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 90 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Hai cao tốc nói trên giúp nối thông toàn tuyến cao tốc bắc nam từ Hà Nội đến TP Vinh, Nghệ An và từ TP HCM tới Nha Trang, Khánh Hòa, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội; giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 1A.
Sau khi hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc cao tốc bắc nam phía đông với tổng chiều dài 654 km, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai 12 dự án thành phần cao tốc ở giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km để nối thông toàn tuyến từ bắc đến nam. Các dự án này dự kiến hoàn thành năm 2025. Mới đây đoạn Vân Phong - Nha Trang được nhà thầu đề xuất khai thác trước Tết Ất Tỵ.
Tiến vào phía Nam, đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai dài 7 km, xuyên rừng ngập mặn, được khai thác cuối tháng 12, sau 10 năm xây dựng.
Khởi công năm 2014, cao tốc đi qua Đồng Nai, TP HCM và Long An dài 58 km, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), 7 km cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn từ nút giao đường dẫn vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành) khai thác cuối tháng này. Cùng thời điểm, 4 km cao tốc qua TP HCM, từ nút giao tuyến TP HCM - Trung Lương đến quốc lộ 1, cũng thông xe.
Phần lớn đoạn cao tốc được thông xe này đi qua rừng ngập mặn ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) và Phước Thái (huyện Long Thành), mang lại cảnh quan xanh mát. Sau khi công trình hoàn thành, nhà thầu trồng thay thế 14 ha rừng đước bù vào 7 ha rừng phòng hộ đã thu hồi đất để xây dựng công trình.
Đoàn Loan - Gia Minh