Động tác xoắn đồng bộ và cắt mặt của Hiệp sĩ Nga
Hiệp sĩ Nga là một trong các đội bay biểu diễn nổi tiếng của không quân Nga, cũng là đội biểu diễn duy nhất trên thế giới sử dụng toàn tiêm kích hạng nặng. Đặc trưng của họ là các màn nhào lộn, cơ động theo đội hình 4 hoặc 6 máy bay với giãn cách đôi có khi chỉ là một mét. Những động tác biểu diễn của Hiệp sĩ Nga luôn làm khán giả thót tim vì sự nguy hiểm, cũng như thán phục với độ chính xác, theo RBTH.
Lộn xoắn đồng bộ và cắt mặt
Nhào lộn xoắn (barrel roll) từng là một trong các động tác cắt đuôi, được phi công chiến đấu sử dụng để thoát khỏi máy bay đối phương trong Thế chiến II. Trong bài biểu diễn của Hiệp sĩ Nga, mỗi tiêm kích có đường bay riêng, nhưng phải bảo đảm đồng bộ với cả biên đội để tạo cảm giác như một khối thống nhất.
Sau khi hoàn thành động tác, các máy bay ở hai bên sẽ tách đội hình. Hai chiếc dẫn đầu biên đội chuyển sang bay song song, trước khi xoay 270 độ và cắt ngang đường bay của nhau. Điều này khiến khán giả bên dưới có cảm tưởng hai tiêm kích chuẩn bị đâm vào nhau.
Chỉ có những phi công lão luyện nhất của Hiệp sĩ Nga mới được làm động tác cắt mặt, do một sai sót nhỏ cũng khiến hai máy bay đâm vào nhau, hoặc một chiếc bay vào luồng nhiễu động của tiêm kích còn lại và mất điều khiển.
Vòng lộn Nesterov
Động tác này còn được gọi là nhào lộn vòng tròn, được đặt theo tên Pyotr Nesterov, phi công đã sáng tạo và thực hiện bài biểu diễn vào năm 1913, đánh dấu lần đầu tiên máy bay trên thế giới có thể nhào lộn trên không trung. Hiệp sĩ Nga thường thực hiện vòng lộn với biên đội đủ 6 chiếc, hoặc kết hợp với nhóm biểu diễn Chim én để tạo nên đội hình "Kim cương Kubinka" nổi tiếng.
Hiệp sĩ Nga và Chim én biểu diễn động tác vòng lộn Nesterov
Tương tự lộn xoắn đồng bộ, vòng lộn Nesterov đòi hỏi sự tập trung cao độ của phi công, nhằm giữ cự ly đội hình chỉ vài mét giữa các máy bay, cũng như tạo sự thống nhất khi nhìn từ dưới mặt đất.
Quả chuông
Đây là một trong những động tác cơ động cổ điển nhất của tiêm kích Su-27, Su-30 và MiG-29. Nó còn có tên gọi khác là "lá vàng rơi", từng khiến nhiều người thót tim khi các phi công Liên Xô thực hiện lần đầu năm 1988.
Tiêm kích của Hiệp sĩ Nga thực hiện động tác quả chuông
Quả chuông là một động tác bay khó, thể hiện bản lĩnh, trình độ của phi công và khả năng cơ động ưu việt của máy bay. Sau khi vọt thẳng lên trời và đạt độ cao tối ưu, phi công giảm ga về mức tối thiểu, khiến tốc độ của máy bay giảm dần về mức 0. Khi đó, chiếc tiêm kích bắt đầu rơi tự do theo hướng ngược lại, tạo cảm giác nó đang bay lùi trên không trung. Phi công chờ mũi máy bay hạ xuống và tăng ga, kết thúc động tác biểu diễn.
Trong bài biểu diễn của mình, Hiệp sĩ Nga thường thả mồi bẫy nhiệt để tạo ra màn trình diễn ánh sáng cho khán giả bên dưới.
Gương phản chiếu
Động tác gây thót tim này là ví dụ cho thao tác chính xác của phi công, đồng thời thể hiện sự tin tưởng và ăn ý giữa các thành viên trong phi đội.
Khi bay qua trước mặt khán giả, một máy bay sẽ lật úp và bay song song với chiếc còn lại, tạo cảm giác hai tiêm kích áp lưng vào nhau trong khi bay. Trên thực tế, chiếc tiêm kích lộn ngược bay lệch về bên phải và cao hơn chiếc còn lại, nhưng góc nhìn từ mặt đất tạo ảo giác rằng chúng ở rất sát nhau.
Động tác này có độ khó cao, đòi hỏi phi công phải tập trung giữ đường bay, tránh gây ra va chạm.
Thiên thần hộ mệnh
Đây là một trong những động tác biểu diễn đặc trưng của Hiệp sĩ Nga. Phi đội này lần đầu thực hiện bài bay vào năm 2013 để kỷ niệm 22 năm ngày thành lập đội.
Đôi cánh thiên thần do Hiệp sĩ Nga tạo ra
Bài bay bắt đầu với đội hình quả trám gồm 4 tiêm kích. Họ sẽ kéo cao, hai chiếc giữa đội hình giữ hướng bay, trong khi hai tiêm kích còn lại lượn về hai phía. Động tác được kết hợp với bắn mỗi bẫy nhiệt với độ chính xác cao, nhằm dẫn khói đi theo đúng hướng và tạo ra hình ảnh đôi cánh thiên thần khổng lồ trên trời.
Việt Hòa