Giày chạy bộ không chỉ là phụ kiện thời trang, mà còn là bạn đồng hành quan trọng với mọi runner trong tập luyện hay thi đấu. Giày chạy bộ chuyên dụng thường có thông số kỹ thuật riêng cho từng cự ly và "tuổi thọ" khuyến cáo từ nhà sản xuất. Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể mang một đôi giày xuống cấp để tập luyện, nhưng điều này có thể để lại hậu quả.
Đế giày bị mòn hoặc nứt, rách là dấu hiệu đầu tiên khiến bạn nên cân nhắc mua giày mới. Hãy kiểm tra đế giày thường xuyên, đặc biệt là phần gót và mũi giày – nơi tiếp xúc nhiều nhất với mặt đất. Đế mòn không đều, trơn trượt, xuất hiện các vết nứt, rách sẽ khiến các động tác của bạn bị ảnh hưởng, tăng rủi chấn thương. Trung bình, một đôi giày chạy bộ có thể "đồng hành" cùng bạn từ 400 đến 700 km, tùy cường độ và địa hình chạy.
Một dấu hiệu khác khó quan sát hơn, đó là lớp đệm giữa đế giày và bàn chân bị xuống cấp. Trong thiết kế của các hãng giày chạy bộ hiện nay, lớp đệm có thể xem như "vệ sĩ", bảo vệ bàn chân khỏi lực tác động khi tiếp đất. Vì thế, nó sẽ bị nén lại, mất dần độ đàn hồi theo thời gian.
Nếu cảm thấy áp lực tăng lên, hoặc khó chịu, ở những phần chịu tác động mạnh như gót chân hay bàn chân trước, đó có thể là dấu hiệu cho thấy phần đệm bị giảm khả năng hoạt động. Một cách kiểm tra khác là đưa ngón tay vào trong giày rồi ấn vào giữa đế. Cảm giác cứng và thiếu đàn hồi báo hiệu "vệ sĩ" cần được "nghỉ hưu".
Bên cạnh phần đế và đệm giữa, bạn cũng nên cân nhắc đổi giày nếu một số phần khác bị hư hại. Hãy kiểm tra xem giày có bị rách, thủng, bong keo, bong đế, phần upper bị giãn hoặc biến dạng hay không. Những "vết thương" này của đôi giày không chỉ khiến bạn khó chịu mà còn làm giảm hiệu suất, thậm chí dẫn đến chấn thương.
Cơ thể cũng có thể báo hiệu bạn cần đổi giày. Nếu bị phồng rộp, đau nhức bàn chân, đau cẳng chân, đau đầu gối hoặc đau lưng sau khi chạy bộ, rất có thể đôi giày đã không còn đủ sức "chiến đấu" cùng bạn. Hãy quan sát những dấu hiệu này, nếu cơn đau lặp lại mỗi khi chạy hoặc sau khi chạy, và kéo dài dai dẳng dù bạn đã nghỉ ngơi, hãy đánh giá lại tình trạng đôi giày của mình.
Cuối cùng, mùi hôi khó chịu ở chân sau mỗi lần chạy có thể là lý do khiến bạn phải đổi giày. Mồ hôi và vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong giày có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Hãy vệ sinh giày thường xuyên và phơi khô sau mỗi lần sử dụng. Nếu không thể giải quyết triệt để mùi hôi, bạn nên cân nhắc đổi giày mới.
Khi quyết định mua giày chạy mới, hãy đến các cửa hàng giày thể thao uy tín để được tư vấn và lựa chọn đôi giày phù hợp với bàn chân, dáng chạy và mục tiêu luyện tập của bạn. Đừng tiếc tiền đầu tư cho một đôi giày chạy bộ chất lượng. Đó là khoản đầu tư xứng đáng cho sức khỏe và sự thoải mái của bạn khi luyện tập.
Thúy Hạnh (theo Running Magazine)