Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết bệnh do não mô cầu khuẩn thường gia tăng đột biến khi thời tiết thay đổi đột ngột vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Trong các đợt cao điểm bệnh, toàn quốc có một số ca mắc là thanh, thiếu niên. Việc này cho thấy nhiều người chưa quan tâm phòng ngừa. Dưới đây là 5 câu hỏi, đồng thời là hiểu nhầm thường gặp về bệnh, được bác sĩ giải đáp:
- Có phải ở độ tuổi thanh, thiếu niên thì không nhiễm não mô cầu?
Điều này chưa đúng. Thanh thiếu niên dễ nhiễm não mô cầu vì nhiều lý do. Trong đó, các em thường sinh hoạt ở môi trường đông người (nhà trường, các câu lạc bộ, ký túc xá...). Một số loại vaccine ra đời sau này, đôi khi khan hiếm khiến thanh, thiếu niên chưa tiếp cận được.
Nhiều người cho rằng thanh, thiếu niên có hệ miễn dịch đã hoàn thiện, vì vậy không cần thiết tiêm phòng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên 184 bệnh nhân mắc não mô cầu xâm lấn, đăng tải trên tạp chí Spinger vào tháng 1, 48% ca tử vong là thanh thiếu niên. Ở Australia, Canada, châu Âu, New Zealand và Mỹ, thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc não mô cầu cao.
- Ký túc xá, trường học có phải là môi trường lây não mô cầu khuẩn?
Vi khuẩn não mô cầu lây nhiễm từ người sang người thông qua đường hô hấp. Mật độ dân cư đông đúc và tăng tiếp xúc cùng môi trường như trường học, ký túc xá sinh viên... rất dễ lan truyền mầm bệnh. Thống kê của Hiệp hội Viêm màng não Quốc gia Mỹ năm 2013-2019, mỗi năm có hơn 50 trường đại học báo cáo ca mắc viêm màng não do não mô cầu.
- Hôn môi, dùng chung son, tiếp xúc gần có lây não mô cầu?
Phương thức lây truyền của vi khuẩn não mô cầu là thông qua các giọt bắn ở đường hô hấp. Vì vậy, vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan khi hôn, dùng chung các vật dụng cá nhân như cốc, khăn, bàn chải đánh răng, son môi... Bên cạnh đó, các hành vi xã hội khác như sống trong ký túc xá hoặc doanh trại quân đội, thức khuya, tham dự các lễ hội âm nhạc và hút thuốc... cũng có thể làm tăng nguy cơ lây truyền não mô cầu.
- Triệu chứng bệnh do não mô cầu đặc trưng, dễ nhận biết?
Triệu chứng của bệnh viêm màng não do não mô cầu gồm sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ... Biểu hiện này không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, viêm đường hô hấp dẫn đến khó phát hiện sớm. Vào mùa hè, ca bệnh xuất hiện rải rác và lẫn với hội chứng viêm màng não mủ.
- Người khỏe mạnh không cần tiêm vaccine ngừa não mô cầu?
Não mô cầu gây ra hai thể bệnh phổ biến là viêm màng não và nhiễm trùng huyết, đều có tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, viêm màng não có thể trở nặng, gây tử vong chỉ trong 24 giờ, người khỏi bệnh vẫn phải chịu nhiều di chứng như cắt cụt chi, liệt, mù lòa, điếc... Các bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó có nhóm thanh thiếu niên khỏe mạnh.
Ở người trẻ, khỏe, họ có thể nhiễm vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng và trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Do đó thanh thiếu niên cần chủng ngừa não mô cầu. Vaccine cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe để làm việc, học tập.
Vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh khác nhau. Trong đó có 5 nhóm phổ biến là A, B, C, Y, W đã có vaccine phòng ngừa tại Việt Nam. Các loại vaccine phòng não mô cầu gồm vaccine nhóm B thế hệ mới, loại ngừa nhóm BC và loại ngăn nhóm ACYW-135.
Các vaccine tiêm cho người từ hai tháng đến 55 tuổi. Vaccine không có miễn dịch chéo nên mỗi người cần tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng 5 nhóm gây bệnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; sát khuẩn họng, miệng; ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục để cải thiện sức khỏe cơ thể; thường xuyên vệ sinh nơi ở và nơi làm việc; đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.