BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên khi các tỉnh phía Bắc đón đợt không khí lạnh, nhiệt độ ở mức 12-13 độ C kèm mưa phùn, gió rét. Thời tiết thuận lợi cho các mầm bệnh tấn công cơ thể gây ra các triệu chứng như cảm lạnh, cúm, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, tăng nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Cầm tư vấn người dân có thể áp dụng các mẹo sau đây để giữ ấm, bảo vệ sức khỏe:
Mặc ấm, tránh ra ngoài khi trời quá lạnh
Không khí lạnh làm khô niêm mạc mũi, họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển, dễ gây viêm mũi, viêm họng. Thời tiết lạnh và thay đổi liên tục cũng kích ứng niêm mạc hô hấp, gây ho, hen suyễn, cảm lạnh. Một số cơ địa đặc biệt có thể bị co thắt mạch máu, tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Theo bác sĩ Cầm, nhóm người trên 65 tuổi, tiền sử nhiều bệnh mạn tính và trẻ em có sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm lạnh hơn do khả năng sinh nhiệt chống lại lạnh kém. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân mặc ấm, tránh ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, đặc biệt khoảng 6-9h sáng. Trẻ em không nên chơi ngoài trời khi thời tiết dưới 15 độ C, có gió, mưa ẩm.
Mọi người nên mặc áo khoác dày, quần dài giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất và khẩu trang để che chắn cơ thể tốt nhất. Đặc biệt, cần giữ cơ thể luôn khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là các vùng cổ, tay và chân để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh do thời tiết lạnh.

Thời tiết lạnh, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ khi ra đường. Ảnh: Phạm Chiểu
Trang bị bảo hộ khi làm việc ngoài trời
Những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời như người làm nông, chăn nuôi, buôn bán, công nhân... cần chú ý giữ ấm cơ thể để tránh kiệt sức.
Các vật dụng cần thiết gồm áo chống nước, áo mưa, mũ, găng tay đệm bông và lớp ngoài chống nước, giày ủng ấm và chống nước. Người dân tránh để cơ thể bị ướt, vì quần áo ướt sẽ làm mất nhiệt nhanh chóng, dẫn tới nhiễm lạnh.
Trong quá trình làm việc, nếu cảm thấy cơ thể nóng lên, mọi người có thể từ từ cởi bớt áo để tránh đổ mồ hôi và giữ nhiệt hợp lý. Lưu ý đeo thêm khẩu trang khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi bẩn và khí lạnh.
Sưởi ấm
Khi trời lạnh, nhiều gia đình sử dụng lò sưởi hoặc đốt củi, than, song lại đóng kín cửa để giữ nhiệt. Điều này khiến khí CO tích tụ, gây ngộ độc khí dẫn đến tổn thương não, thần kinh, nhịp tim, hôn mê, tử vong.
Do đó, bác sĩ Cầm khuyến cáo người dân chú ý sưởi ấm an toàn, tránh ngộ độc khí. Mọi người nên dùng máy sưởi điện hoặc điều hòa có chức năng sưởi. Khi từ ngoài trời lạnh vào nhà, không bật máy sưởi ngay lập tức vì có thể gây sốc nhiệt, nên thay đồ ướt, mặc các lớp áo ấm và chỉnh nhiệt độ tăng dần. Chú ý đặt nhiệt độ sưởi ấm ở mức vừa phải và không sưởi ấm trong thời gian quá dài.
Uống đủ nước, sinh hoạt điều độ
Cơ thể thường mất nước nhiều hơn vào trời lạnh. Lý do, không khí khô hanh làm mất gần một lít nước mỗi ngày qua da, niêm mạc hô hấp, mắt và đường tiêu hóa. Mùa lạnh làm giảm phản xạ "khát nước" của cơ thể.
Thiếu nước làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, mất nước làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ và kéo dài thời gian phục hồi hậu đột quỵ.
Vì vậy, dù trời lạnh, mọi người vẫn cần uống đủ nước giúp làm ấm cơ thể, duy trì độ ẩm cho da. Mọi người có thể dùng các thức uống nóng như trà thảo dược hoặc canh nóng để vừa giúp cơ thể ấm lên, vừa tránh mất nước.
Bên cạnh đó, người dân nên duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc để nâng cao đề kháng. Mọi người có thể tập thể dục, vận động hợp lý tại nhà để tăng sức khỏe tổng thể.

Người lớn tuổi đến tiêm vaccine tại VNVC. Ảnh: Lý Vi
Vệ sinh và tiêm vaccine phòng bệnh
Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và mầm bệnh, thói quen rửa tay thường xuyên nên được duy trì, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống, sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.
Người dân không cần kiêng tắm, không nên tắm sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng cúm và các bệnh hô hấp để bảo vệ sức khỏe. Lý do, virus cúm có thể xâm lấn và gây ra biến chứng ở nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, thai phụ, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, béo phì. Ở người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, sinh hoạt ở môi trường thời tiết lạnh và không khí ô nhiễm khiến đường thở bị thu hẹp, co thắt, suy yếu khả năng đào thải dịch tiết, tăng nguy cơ bệnh cúm kéo dài, trở nặng.
Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus cúm phổ biến tam giá hoặc tứ giá gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi.
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm có lịch tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Bên cạnh cúm, mọi người cũng có thể tiêm thêm vaccine phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây viêm phổi, dễ bội nhiễm với các mầm bệnh khác, não mô cầu, sởi, ho gà... bởi các bệnh này dễ lây lan trong điều kiện thời tiết lạnh, thất thường.
Lý Vi