Giáo sư Lange của Đại học Harvard từng tiến hành một thí nghiệm để trả lời câu hỏi: Tuổi tác có ảnh hưởng tới năng lực của con người không?
Ông chế tạo một "căn phòng không gian", kiến trúc giống hệt những căn phòng của 30 năm trước và mời 16 người cao tuổi đến sống tại đây trong một tuần. Kết quả, sức khỏe của những người này được cải thiện đáng kể. Thị lực, thính giác, trí nhớ và tốc độ phản ứng tốt hơn nhiều so với trước đó. Thực chất "Căn phòng không gian" chỉ là tên gọi bóng bẩy, nó chẳng khác gì những căn phòng thông thường.
"Nhận biết, hiểu và nắm vững một số tác động tâm lý sẽ mang lại cho bạn một đôi mắt sáng suốt, giảm bớt phần nào những hoang mang, lo lắng của cuộc sống", giáo sư Lange kết luận.
5 hiệu ứng tâm lý phổ biến dưới đây sẽ giúp bạn hiểu não bộ đang vận hành như thế nào, và làm sao để tránh được những sai lầm phổ biến.
1. Hiệu ứng Zeigarnik
Hiệu ứng Zeigarnik lần đầu tiên được mô tả bởi một nhà tâm lý học người Nga tên Bluma Zeigarnik. Khi ngồi trong một nhà hàng đông khách, cô để ý thấy rằng những người phục vụ nhớ những đơn hàng chưa trả tiền tốt hơn. Khi hóa đơn đã được thanh toán, người phục vụ lại không nhớ rõ các chi tiết chính xác của đơn đặt hàng.
Zeigarnik đã làm một loạt các thí nghiệm trong đó người tham gia được yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản như xâu chuỗi hạt, ghép hình hoặc giải toán. Một nửa số người tham gia sẽ bị gián đoạn giữa chừng khi đang làm các nhiệm vụ. Sau đó, Zeigarnik yêu cầu tất cả những người tham gia mô tả những việc họ làm. Kết quả, những người bị dở dang nhiệm vụ nhớ những gì họ đã làm cao gấp đôi so với những người hoàn thành nhiệm vụ trơn tru.
Hiệu ứng Zeigarnik cho rằng, chúng ta có xu hướng nhớ đến những thứ chưa hoàn thiện, chưa kết thúc hơn là những thứ mà chúng ta đã giải quyết xong.
Trong cuộc sống, để vượt qua sự trì hoãn và giảm thiểu căng thẳng hãy kích hoạt hiệu ứng Zeigarnik, bằng cách bắt đầu thực hiện bước đầu tiên của công việc bạn cần làm. Khi đã bắt đầu công việc dù chỉ với những bước nhỏ nhất, hiệu ứng này cũng sẽ khiến tâm trí luôn lo lắng về công việc dang dở. Cảm giác lo lắng này sẽ thúc đẩy bạn làm thêm các bước tiếp theo của công việc. Có thể không hoàn thành tất cả một lúc nhưng thực hiện từng bước nhỏ cũng tiến gần hơn tới kết quả cuối cùng.
2. Định lý Goodman
Có một giám đốc nhà máy muốn thanh lý lô máy móc cũ. Ông ước tính có thể thu về khoảng 500.000 USD. Trong quá trình thương lượng, một người mua phàn nàn rằng chúng là hàng thải loại, mẫu mã xấu, không có giá trị gì nhiều. Giám đốc nhà máy không nói gì mà kiên nhẫn lắng nghe. Cuối cùng người này ra giá: "Tôi chỉ có thể đưa cho ông 800.000 USD, không thêm một đồng". Giám đốc nhà máy vui mừng và lập tức thanh lý lại lô máy móc này cho anh ta.
Định lý Goodman nhắc nhở chúng ta rằng: Người có giá trị nhất không nhất thiết phải là người có thể nói nhiều nhất. Biết lắng nghe là phẩm chất cơ bản nhất của một người trưởng thành. Khi bạn có thể ngầm hiểu được mọi thứ, im lặng tốt hơn ngàn lời nói.
3. Hiệu ứng Buridan
Vào thế kỷ thứ 14, nhà triết học nổi tiếng người Pháp Buridan đã kể một câu chuyện ngụ ngôn khi thảo luận với một số học giả. "Có một con lừa, vừa đói vừa khát, đang đứng ngay chính giữa một đống cỏ và một thùng nước. Do cả hai thứ đều hấp dẫn như nhau, con lừa nhìn qua, nhìn lại, không thể nào quyết định, và cuối cùng chết vì đói khát".
Thành ngữ "Con lừa Buridan" hình thành từ câu chuyện ngụ ngôn này, được mọi người dùng để chỉ những người thiếu quyết đoán. Sau này, người ta thường gọi hiện tượng do dự và khó đưa ra quyết định là "Bulidan Donkeys".
Ở nơi làm việc, khi nguồn lực có hạn và năng lượng có hạn thì việc phân bổ hợp lý lại càng quan trọng. Vì vậy, nếu bạn muốn hoàn thành tốt công việc, trước hết bạn phải đặt thứ tự ưu tiên cho nó.
Đúng là đôi khi, sự lựa chọn khiến cho con người ta tự hủy hoại chính mình. Có lẽ, một quyết định, dù không có lý do, vẫn luôn có ý nghĩa hơn sự phân vân rất nhiều. Hãy quyết định như một con người. Đừng trở thành một con lừa chết vì suy nghĩ lí trí một cách cực đoan.
4. Hiệu ứng Wallach
Otto Wallach là nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Hóa học. Khi vào cấp 2, bố mẹ đã chọn con đường văn chương cho ông. Thế nhưng cuối năm học, cô giáo đã phê: "Wallach rất chăm chỉ, nhưng lại quá cứng nhắc, khó theo đuổi văn chương được". Bởi vậy bố mẹ chuyển con trai sang hội họa, nhưng Wallach không giỏi về bố cục và đánh bóng, điểm số lại đứng cuối lớp. Với nhiều giáo viên thời điểm đó, Otto Wallach là một học sinh kém, không có khả năng để thành công trong tương lai.
Chỉ có cô giáo dạy Hóa nhận ra tiềm năng của cậu học trò nhỏ. Cô rất kiên nhẫn, tỉ mỉ hướng dẫn Otto Wallach các thí nghiệm hóa học và đề nghị cậu chuyên tâm vào môn Hóa. Tiềm năng được khơi gợi, sau này ông đã đạt được thành tựu vô cùng to lớn.
Thành công của Wallach minh chứng cho một sự thật rằng: Sự phát triển trí thông minh của học sinh là không đồng đều, chỉ khi tìm ra được điểm xuất phát tốt nhất để phát huy trí thông minh, đồng thời khiến trí thông minh ấy được thể hiện thì chúng mới có thể đạt được những kết quả đáng kinh ngạc.
5. Hiệu ứng võng mạc
Mọi người chắc hẳn ai cũng có những trải nghiệm tương tự như thế này trong cuộc sống: Phải mất nhiều thời gian nâng lên đặt xuống ta mới quyết định mua một đôi giày. Khi chúng ta cảm thấy vui mừng vì có đôi giày mới thì bỗng phát hiện nhiều người cùng đi đôi giày giống hệt như vậy. Hoặc khi bản thân ta có một khuyết điểm, sẽ nhận ra người khác cũng có những khuyết điểm tương tự.
Trong tâm lý học, đây gọi là "hiện tượng hiệu ứng võng mạc", dùng để chỉ sự sai lệch trong việc thu thập thông tin. Khi sở hữu một thứ gì đó hoặc một đặc điểm nào đó, con người thường chú ý nhiều hơn đến việc người khác có đang cùng sở hữu những thứ giống mình hay không.
Bởi vậy, chỉ khi hình thành thói quen đánh giá cao bản thân thì mới thấy được ưu điểm của người khác. Có thể nhìn những người xung quanh với thái độ tích cực thường là điều kiện tiên quyết để có được mối quan hệ tốt giữa các cá nhân với nhau.
Vy Trang (Theo sohu)