Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng, Quản lý y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, việc rụng tóc ở mức độ nhẹ vẫn có thể khiến nam và nữ giới cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc giảm chất lượng sống. Một số bệnh truyền nhiễm dưới đây có thể dẫn đến rụng tóc, có thể chủ động phòng ngừa bằng nhiều biện pháp khác nhau:
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue lây truyền qua muỗi đốt. Một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2020, chỉ ra virus Dengue gây nhiễm trùng dai dẳng ở các tế bào nhú ở nang lông. Quá trình này làm xáo trộn chu kỳ phát triển của tóc, gây ra rụng tóc kéo dài ở những người mắc bệnh sốt xuất huyết. Một nghiên cứu trên tạp chí Science Directquan sát 97 bệnh nhân, có 55 bệnh nhân gặp các triệu chứng hậu sốt xuất huyết dai dẳng trong hai năm. Trong đó 13 người, 9,3% có dấu hiệu rụng tóc.
Cúm
Rụng tóc sau khi nhiễm cúm khá phổ biến. Các triệu chứng sốt, mệt mỏi do cúm có thể đưa cơ thể vào tình trạng căng thẳng từ đó dẫn đến rụng tóc. Ngoài ra, phản ứng miễn dịch do cúm kích hoạt có thể gây viêm, tổn thương nang lông dẫn đến tóc rụng nhiều hơn.
Tình trạng rụng tóc do cúm thường không xuất hiện ngay khi mắc bệnh mà thường xuất hiện sau vài tuần, vài tháng kể từ khi khỏi bệnh, hết khi bắt đầu chu kỳ mọc tóc mới.
Zona thần kinh
Zona thần kinh còn gọi là bệnh giời leo, xảy ra do virus Varicella tái kích hoạt. Bệnh thường biểu hiện với các ban đỏ, mụn nước, bọng nước dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên. Nốt mụn nước zona mọc ở vùng đầu có thể gây rụng tóc từng mảng khi gãi hoặc chải tóc quá mạnh trong thời gian phát ban. Ngoài ra, phát ban zona thần kinh có thể phá hủy các tế bào mầm tóc khiến tóc không thể mọc mới, gây hói.
Covid -19
Các nghiên cứu chỉ ra khoảng 20% người mắc Covid-19 sẽ xuất hiện tình trạng rụng tóc tạm thời. Quá trình này thường bắt đầu vài tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. Tình trạng rụng tóc sau Covid-19 được quan sát thấy kéo dài vài tháng và tự khỏi không cần điều trị.
Giang mai
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Quá trình bệnh phát triển có thể gây rụng tóc.
Kiểu rụng tóc do giang mai thường không đặc trưng, có thể hói từng mảng hoặc kiểu sâu bướm ăn. Người bệnh giang mai thường gặp tình trạng rụng tóc ở giai đoạn thứ phát, khi vi khuẩn lan khắp cơ thể qua đường máu và gây phát ban. Tỷ lệ bị rụng tóc dao động khoảng 2,9%-7%. Nếu được điều trị thích hợp, người bệnh có thể khỏi rụng tóc trong vòng khoảng 3 tháng và không để lại sẹo.
Phòng bệnh thế nào?
Bác sĩ Quảng cho biết trong các bệnh kể trên, sốt xuất huyết, cúm, zona thần kinh, Covid-19 đã có vaccine phòng bệnh. Vaccine cúm có loại tứ giá, giúp phòng hai chủng cúm A (H1N1, H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Mũi này chủng ngừa cho người từ 6 tháng tuổi, cần nhắc lại mỗi năm một mũi sau lịch tiêm cơ bản.
Vaccine sốt xuất huyết đã có mặt tại Việt Nam từ nửa cuối tháng 9/2024, tiêm cho người từ 4 tuổi. Mũi tiêm giúp phòng 4 tuýp huyết thanh virus sốt xuất huyết, giúp bảo vệ cho người chưa mắc và phòng tái nhiễm cho người đã mắc, tránh biến chứng nặng.
Loại ngừa zona thần kinh tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao. Vaccine giúp phòng bệnh và giảm các biến chứng nguy hiểm như đau thần kinh sau zona, mù loa, viêm phổi, đột quỵ... Mọi người nên tiêm ngừa thủy đậu và zona thần kinh để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
Bác sĩ Quảng cũng lưu ý, tình trạng rụng tóc có thể xuất hiện khi cơ thể căng thẳng. Do đó, bên cạnh tiêm ngừa phòng các tác nhân truyền nhiễm, người dân cần chú ý thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng dinh dưỡng và tăng cường rèn luyện thể dục thể thao.
Nhật Linh