Giáp Tết Nguyên đán 2023, bé Nguyễn Đăng Minh (9 tuổi, ngụ Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng sốt cao 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không đỡ, ho, mệt lả, khó thở. Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi mắc cúm A/H1N1, có bệnh nền hen suyễn, khiến tình trạng diễn tiến nặng, gây suy hô hấp. Hiện, bệnh nhi đang được thở máy, sử dụng thuốc kháng virus cúm và kháng sinh.
Ngoài trường hợp trên, hiện tại, khoa Nhi của bệnh viện đang điều trị cho nhiều trường hợp mắc cúm mùa, tiêu chảy cấp,...
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thông thường, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhi tăng khoảng 15-20% so với ngày thường. Đa số mắc và nhập viện do cúm, viêm phổi, tiêu chảy, thủy đậu, các bệnh đường ruột như tiêu hoá, gan mật,...
Khi tiếp xúc với các mầm bệnh, trẻ em dễ mắc và diễn tiến nặng hơn so với người trưởng thành do sức đề kháng kém. Trẻ có bệnh lý nền như hen suyễn, tim mạch, suy thận... nguy cơ diễn tiến nặng cao hơn.
Theo BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, các bệnh truyền nhiễm trẻ em thường gặp và có nguy cơ diễn tiến nặng vào dịp Tết, bao gồm:
Tiêu chảy cấp: Trẻ bị tiêu chảy cấp thường do ăn phải thức ăn không vệ sinh, nhiễm khuẩn thực phẩm. Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như: tiêu chảy nặng, mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng... Một số trường hợp, tiểu chảy cấp có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Phụ huynh nên tiêm ngừa cho trẻ đúng "thời điểm vàng" để trẻ được phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp suốt đời. Trẻ em từ 6-24 tuần tuổi cần uống vaccine Rotarix (Bỉ) hoặc Rotavin M1 (Việt Nam) với lịch uống 2 liều; trẻ em từ 7,5-32 tuần tuổi cần uống vaccine Rotateq (Mỹ) với lịch uống 3 liều.
Cúm mùa: Bệnh cúm có biểu hiện sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi,... Trẻ em bị cúm có thể xuất hiện thêm các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh cúm không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như: viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan (suy hô hấp, suy thận),...
Bác sĩ Ngọc Cầm, cho biết các loại vaccine cúm, đặc biệt là vaccine cúm tứ giá thế hệ mới đã có thể phòng ngừa 4 chủng cúm mùa đang lưu hành hiện nay gồm: A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ diễn tiến nặng và tử vong.
"Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch, là cách giúp trẻ đón Tết an toàn. Vaccine cúm được chỉ định tiêm nhắc lại mỗi năm một lần cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn", bác sĩ Cầm khuyến nghị.
Thủy đậu: Bệnh có triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, phát ban dạng phỏng nước, ngứa toàn thân. Thủy đậu khởi phát từ 10-14 ngày sau khi tiếp xúc mầm bệnh, với triệu chứng nổi mụn nước ở mặt, các chi, sau đó lan nhanh ra toàn thân. Thông thường, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo. Thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp một số biến chứng như: viêm phổi, viêm não - màng não, nhiễm trùng máu...
Bên cạnh các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn uống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc nơi đông người ba mẹ nên phòng ngừa thủy đậu cho trẻ bằng vaccine. Với vaccine thủy đậu, hiện có 3 loại gồm: Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc), có lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1-3 tháng, tùy độ tuổi bắt đầu tiêm. Riêng vaccine Varilrix (Bỉ) có thể dùng cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Sởi: Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus morbillivirus gây ra. Bệnh có các triệu chứng khởi phát như sốt nhẹ, tăng thân nhiệt, chảy nước mũi, tiêu chảy. Người bệnh thường thấy các hạt trắng nhỏ xuất hiện một vùng, sau đó lan rộng ra khắp cơ thể.
Theo bác sĩ Cầm, hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine sởi đơn và sởi phối hợp. Vaccine sởi đơn (MVVac, Việt Nam sản xuất) được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên với lịch tiêm một mũi cơ bản và tiêm nhắc lại 1-2 vaccine phối hợp có thành phần sởi. Vaccine phối hợp hiện có 2 loại là MMR II (Mỹ) và Priorix (Bỉ), trong đó vaccine Priorix có thể tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Viêm phổi: Viêm phổi xảy ra do nhiều tác nhân, thường là vi khuẩn, virus và nấm. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm phổi nặng. Bệnh nguy hiểm hơn đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm phổi do cúm, thủy đậu có thể được phòng ngừa bằng vaccine cúm và vaccine thủy đậu. Riêng để phòng bệnh viêm phổi do vi khuẩn phế cầu thì hiện Việt Nam có 2 loại vaccine là Synflorix (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và vaccine Prevenar 13 (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Vaccine phế cầu khuẩn còn phòng ngừa các bệnh nguy hiểm khác như: viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết, viêm màng não...
"Đối với những bệnh thường gặp đã có vaccine phòng ngừa, phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm đúng lịch", BS Quỳnh Hương nhấn mạnh.
Anh Chi