Trước đó, chỉ riêng trong ngày mở bán đầu tiên (10/6), nhờ giá giảm sâu, chương tình đã bán được 7 tấn vải thiều tại TP HCM. Trong chưa đầy 8 ngày còn lại, trung bình mỗi ngày có 4,6 tấn vải được tiêu thụ, với mức giá sau khi đã cộng phí vận chuyển tương đương mua tại chợ, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi là có thể thanh toán trực tuyến và nhận hàng tận nhà.
"Trong chương trình, mọi hoạt động mua - bán truyền thống như chọn hàng, đặt hàng, thanh toán,... đều được thực hiện trên môi trường online", ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, Đồng sáng lập Ví MoMo nói. Theo ông, khách hàng truy cập vào ứng dụng ví này để đặt mua và Saigon Co.op sẽ vận chuyển trực tiếp đơn hàng đến người tiêu dùng, từ 2-3 ngày.
Thu được kết quả tích cực, hai đơn vị vừa công bố mở rộng chương trình tại Hà Nội từ 19/6. Chỉ riêng sáng nay, đã có 100 kg vải được tiêu thụ. Ban tổ chức cho biết, mức giá của vải thiều Lục Ngạn trên MoMo tại Hà Nội sẽ rẻ hơn TP HCM khoảng 6.000 đồng mỗi kg. Nguyên nhân do chênh lệch phí vận chuyển, bảo quản. Việc vận chuyển vải thiều từ Bắc Giang về Hà Nội tương đối gần, chỉ 65 km.
Saigon Co.op cho biết, mùa vải thiều diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng từ 1 - 1,5 tháng. Do đó, nguồn cung sẽ biến động theo thời điểm đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa, cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường... Vì vậy, giá vải Thiều trong chương trình có thể được thay đổi và cập nhật theo ngày.
Năm nay, ngoài kênh mới là bán qua ví điện tử, vải thiều cũng đang có triển vọng tốt về xuất khẩu. Mới đây, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết quả vải Việt Nam được đánh giá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.
Hiện có 5-6 doanh nghiệp đã đăng ký xuất vải sang Nhật. Công suất xử lý kiểm dịch quả vải xuất Nhật khoảng 2,8 tấn trong 3 giờ, bình quân mỗi ngày tối đa có thể xử lý 8-10 tấn vải. Dự kiến gần 1.000 tấn vải chính vụ đạt chuẩn của Bắc Giang, Hải Dương sẽ xuất đi Nhật trong năm nay.
Viễn Thông