Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thương nhân Trung Quốc đã bắt đầu đến Bắc Giang từ hôm qua (3/6). Những thương nhân này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang. Sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày, họ sẽ đến các điểm cân để thu mua vải.
Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tính đến tối qua (3/6), 21 thương nhân Trung Quốc đã về cách ly tại địa bàn huyện. Sắp tới, huyện sẽ đón thêm thương nhân Trung Quốc vào cách ly. Trước đó, Thủ tướng đã cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn nhưng phải cách ly phòng dịch Covid-19.
Năm 2019, khoảng 400 lượt thương nhân Trung Quốc đã đến Bắc Giang để cùng người Việt đặt điểm cân thu mua phục vụ xuất khẩu. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu nhiều vải thiều của Bắc Giang nhất với gần 78.900 tấn năm ngoái.
Lục Ngạn năm nay vẫn là huyện có sản lượng vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang. Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, huyện Lục Ngạn dự kiến đạt sản lượng 98.100 tấn vải, chiếm hơn 62% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Năm nay, Bắc Giang dự kiến đạt sản lượng gần 160.000 tấn vải thiều, cao hơn năm ngoái trên 10.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm khoảng 38.200 tấn và vải muộn gần 119.500 tấn.
Tính đến hết ngày 3/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt hơn 20.400 tấn, với giá bình quân khoảng 28.000 đồng một kg. Đầu vụ, vải thiều Bắc Giang có lúc lên đến 45.000 đồng một kg. Vải thiều Bắc Giang hiện được tiêu thụ chủ yếu tại các thị trường như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lào Cai...
Các huyện ở Bắc Giang đang có khoảng 180 điểm cân, trong đó trên 90 điểm cân tại Lục Ngạn. Hiện chỉ có thương nhân người Việt thu mua.
Ngoài thương nhân Trung Quốc, ông Tấn thông tin Bắc Giang cũng đã đón các chuyên gia Nhật Bản sang cách ly. Sau khi hết thời gian cách ly, họ sẽ giám sát kiểm dịch vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản.
Anh Tú