Bộ Công Thương cho biết đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thông báo, ngày 3/6, chuyên gia Nhật đã có mặt tại Việt Nam và được kiểm tra y tế, cách ly phòng Covid-19 theo đúng quy định phòng dịch.
Covid-19 khiến chuyên gia Nhật không thể sang Việt Nam đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu vải thiều sớm của Bắc Giang sang Nhật. Khi hết thời gian cách ly, họ sẽ làm việc với các doanh nghiệp, trực tiếp giám sát việc kiểm dịch vải thiều chính vụ Bắc Giang, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7. Họ sẽ trực tiếp kiểm tra xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép xuất sang Nhật.
Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản (MAFF), vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hiện 19 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đã được phía Nhật Bản chấp thuận.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Trước đó, MAFF gửi công hàm cho biết do Covid-19 nên không thể cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp kiểm dịch chất lượng vải thiều xuất đi Nhật, làm dấy lên lo ngại vải tươi có thể lỡ hẹn lần đầu xuất khẩu sang nước này. Sau đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với MAFF để thuyết phục phía Nhật tìm giải pháp thay thế việc cử chuyên gia sang Việt Nam.
Anh Minh