Sáng 27/5, đoạn sụp xuống sông tạo vách thẳng đứng, ăn sâu vào bờ khoảng 10 m, chiếm hơn 1/3 mặt đường. Vị trí nguy hiểm này cách chỗ sạt lở tháng 9/2019 khoảng 100 m. Hiện vết rạn nứt tiếp tục lấn sâu vào nhà dân.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, 70 tuổi, nhà đối diện điểm sạt lở cho biết, vết nứt mặt đường những ngày qua mở rộng liên tục, đến sáng nay khoảng 20-30 cm, rồi bắt đầu sụp "ùm, ùm" xuống sông. Sau một tiếng, cả đoạn đường dài biến mất.
"Không biết khi nào sạt lở dừng lại. Chúng tôi mong muốn sớm được chính quyền bố trí vào nơi ở an toàn để an tâm sinh sống và làm ăn", ông Mỹ nói.
Do chủ động lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí người ứng trực, phân luồng giao thông nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và xe cộ, ghe tàu. Cơ quan chức năng đang di dời trụ điện, cáp viễn thông vào trong.
"Tình hình còn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ di dời khẩn cấp 27 hộ dân đến nơi an toàn trong hôm nay", ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú nói.
Trước đó, đầu tháng 8/2019, đoạn quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú từng bị sạt lở khoảng 100 m, ăn sâu vào trong khoảng 25 m.
Để đảm bảo an toàn giao thông, tỉnh An Giang khẩn cấp làm đường tránh dài 5 km qua khu vực này với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Đến nay, việc ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy, lấp hố xoáy đã hoàn tất.
Quốc lộ 91 dài 142 km, nối từ TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận cũng như giao thương với Campuchia.
Cửu Long