Thứ tư, 15/4/2020, 00:00 (GMT+7)

Bờ sông bị sạt lở khiến Nhà nước phải di dời hơn trăm hộ dân, xóm làng đông đúc giờ chia nhau ra tứ tán.

Cũng như những người khác, bà Nguyễn Thị Nở, 67 tuổi, phải ở tạm nhà con gái cách đó chừng hai km để chờ được bố trí đất tái định cư. Thi thoảng, bà lại tạt qua xóm cũ, để "ngóng xem cơ quan hữu trách xử lý chỗ đó ra sao". 14 căn nhà đã bị xoáy nước ngoạm vào "ăn mất", nơi an cư của bà và chòm xóm trở thành một cái hàm ếch khổng lồ.

Đứng bên dây khoanh vùng màu đỏ cảnh báo khu vực sạt lở ngó ra, bà Nở thấy nao nao, tiếc nhớ căn nhà cũ. Nhưng tình cảnh của bà bây giờ, dù sao cũng đỡ hơn những người không thể ở nhờ nhà người thân, mà đang vật vạ nơi trường học, sân chùa.

Lần nào bà về xóm cũ, con chó Ky cũng đi theo, nó cứ sục sạo xung quanh, ngửi đất, ngửi cây gỗ, hay đồ dùng bị rơi rớt khi mọi người chạy lở. Con chó Ky đã được bà nuôi hơn mười năm, gần bằng tuổi của căn nhà cũ. Rồi dần dần bà Nở nhận ra: chắc con Ky nhớ nhà.

Nửa năm sau, khi được Nhà nước bố trí đất tái định cư, hai con trai của bà Nở tất bật mua vật liệu, xắn tay cùng làm với thợ để sớm khánh thành. Còn bà quán xuyến tiền nong, lo cơm nước, đồ ăn nửa buổi cho thợ, nên thói quen ra xóm cũ ngóng chừng thưa dần.

Chỉ có con chó già vẫn về xóm cũ mỗi ngày, đến tối lại về nhà. Nó cứ đi đi về về như vậy hơn hai năm, đến cuối năm 2019 thì con Ky chết. Bà Nở chôn nó ở mảnh đất trước nhà mới, nơi mỗi ngày bà ngồi bán xăng trước hiên, ngó qua hàng bạch đàn là thấy.

Con chó Ky đã không thể tiếp tục cuộc tìm kiếm của nó, còn bà Nở vẫn mang theo ký ức về căn nhà bên bờ sông đã bị "hà bá nuốt".

Đó là căn nhà cấp bốn đơn sơ, gắn với nhà chồ phía sau chìa chân ra mé sông. Bà Nở vẫn thường ngồi sau nhà để đợi chồng và con trai đi đánh cá về. Lúc chồng bà còn sống, thuyền của mấy cha con khi nào cũng đầy ắp cá tra, cá bông lau... để bà ra chợ bán.

Những loài cá da trơn cỡ lớn như cá tra, cá bông lau... chọn sông Vàm Nao làm nhà vì trên sông có những hố xoáy sâu. Nhờ xoáy nước chảy mạnh mà cá có không khí để thở. Đến mùa hè, khi mực trên sông giảm thì các hố xoáy vẫn đầy nước.

Người dân xã Mỹ Hội Đông gia cố bờ sông bị sạt lở trên sông Vàm Nao hồi tháng 7/2017 (trái) và tháng 4/2018.

Bà Nở vẫn thường nghe con trai kể lại cảm giác lạnh sống lưng khi ra gần xoáy nước giữa đêm khuya vắng lặng, tiếng nước ót ót nghe rợn người. Nhưng bà tin vào kinh nghiệm sông nước của hai cha con, để không bị cuốn vào dòng xoáy mà vẫn bắt được cá.

Điều bà không thể ngờ, là chính những hố xoáy nơi cá trú ngụ, "ân nhân" nuôi sống gia đình bà, lại cướp đi căn nhà nơi an cư lạc nghiệp.

Trưa hôm đó, bà đang giặt đồ và tắm cho chó Ky ở mé nước thì nghe nhà lầu bên cạnh kêu rắc rắc. Ôm con chó chạy hớt hải, bà Nở vừa nhảy qua vết nứt đang rộng dần trên đường thì một loạt căn nhà đã tuột xuống sông. Trên bờ, bà cùng hàng xóm chỉ biết đứng nhìn.

Đồ đạc trong nhà chưa kịp lấy, nhưng cũng chẳng mấy thứ có giá trị. "Nhờ ông bà phù hộ, còn sống là may rồi", bà Nở tự nhủ rồi động viên các con: "Còn người còn của". Nhưng dù lạc quan đến đâu, bà cũng không thể phớt lờ thực tế khó khăn trước mắt.

Khu tái định cư của gia đình bà cách xóm cũ khoảng một km, nhà cửa khang trang hơn nhưng không còn đông đúc và gần chợ như trước.

Bà Nở không còn buôn may bán đắt, phần vì tuổi già, phần vì xóm cũ đã "giải thể" hết. Thu nhập ít ỏi của bà đến từ việc bán xăng, chỉ đủ trả tiền mua nước và tiền thu gom rác.

Con trai cả của bà cũng đã bỏ nghề sông nước năm năm trước, khi chồng bà mất, vì không có người làm cùng. Chiếc thuyền nhỏ đã bán, anh đổi nghề làm công nhân may miệng bao tải cho một công ty ở quê. Tiền công được trả theo ngày từ 200.000 đến 400.000 đồng tùy vào năng suất.

Người con trai cả là lao động chính trong nhà, đang trong cảnh gà trống nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Còn cậu em út, bán vé số ở quê "ế thấy mồ" giờ đã lên thành phố làm công nhân.

Bà Nở xây căn nhà mới 200 triệu đồng thì vay mượn đến 80 triệu, giờ chỉ trông chờ vào hai con trai để trả xong nợ. "Nhưng dẫu gì nhà tôi cũng đỡ hơn mấy người cùng xóm, ba năm rồi nhiều người vẫn ở nhà tạm hoặc quay về xóm cũ", bà Nở tự động viên mình.

Bà Nguyễn Thị Nở bên căn nhà mới, cách nhà cũ một cây số, sống bằng nghề bán xăng lẻ.

Sau khi 14 căn nhà ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang sạt lở, trôi xuống sông ngày 22/4/2017, 106 hộ dân với 453 nhân khẩu sống trong vùng nguy hiểm đã được Nhà nước di tản.

Nhưng đến nay, chỉ có 35 hộ có nhà cửa ổn định như bà Nguyễn Thị Nở. Trong số 71 hộ chưa có nhà, có 35 hộ quay về nhà cũ. Nhiều người vẫn ở nhờ nhà người thân, hoặc che lán trại ngủ trong vườn.

Ông Nguyễn Văn Đoan (Cà Đoan), một thợ sửa cơ khí (máy bơm nước, máy gặt lúa...) có tiếng ở xã Mỹ Hội Đông là một trong những người quay về nhà cũ. Nhưng ông chẳng thể tiếp tục nghề cơ khí của mình, vì khu vực này đã bị cắt điện, nước.

Ba năm trước, bờ sông Vàm Nao sạt lở trong lúc gia đình ông đang tang gia bối rối. Hôm ấy, các con gái con trai của ông Cà Đoan đã về nhà đầy đủ sau hai ngày mẹ mất, để làm lễ khâm liệm và di quan.

Trưa hôm đó, khi 14 căn nhà cách nhà ông Cà Đoan 100 m trôi xuống sông thì cán bộ đến thông báo nhà ông trong vùng nguy hiểm, buộc di dời. Ngay lập tức, ông Đoan nhờ họ hàng, chòm xóm khiêng quan tài vợ đến mảnh vườn ông mua trong xóm.

Lễ tang được tổ chức ngay ở mảnh vườn ông mua dự trù trước để làm nơi chôn cất. Còn bàn thờ bà được chuyển vào nhà con gái. Con trai cũng tìm chỗ ở nhờ, riêng ông Đoan dựng tạm hai cái chòi tôn trong vườn để che nắng, che mưa.

Nửa năm sau, con trai ông "may mắn" bốc thăm trúng một trong 28 lô đất được một doanh nghiệp hứa tài trợ xây nhà. Nhưng làm giữa chừng thì công ty này bỏ dở dang, vì hụt vốn.

Ông Cà Đoan trước căn nhà cũ.

Thấy con cháu sống trong cảnh tạm bợ, ông Cà Đoan không đành đoạn, quyết phải về ở nhà cũ, rồi câu điện, nước ra để thắp điện, chạy máy quạt, tủ lạnh. Ông lập luận: "Đất của tổ tiên, bàn thờ của ông bà còn đó, chưa rước đi đâu được thì ở chứ biết đi đâu".

Ông Cà Đoan về nhà cùng con cháu, nhưng chỉ ở "bán thời gian". Còn lại, ông vẫn thích ở nhà tạm ngoài vườn, mắc cái võng dưới gốc xoài rồi đong đưa ngẫm chuyện đời.

Nhưng mảnh vườn ấy bị bít lối, muốn về phải leo rào trường tiểu học. Nên cả hai nơi "nhà của mình, đất của mình", ông Cà Đoan đều phải ở chui.

Điều an ủi duy nhất với ông sau khi di tản, là ông "bị" con cái cho "nghỉ hưu", nên có thì giờ thảnh thơi thăm bạn cũ chung đơn vị ở chiến trường.

Bắt đầu từ Phnom Penh (Campuchia), sông Mekong chia thành hai nhánh, sang Việt Nam gọi là sông Tiền và sông Hậu, đều chảy về đồng bằng châu thổ rộng lớn Cửu Long.

Ở đầu nguồn An Giang, sông Vàm Nao được hình thành từ biến động của dòng chảy, trở thành chiếc bình thông nhau giữa Sông Tiền và sông Hậu. Trong tiếng Khơmer, sông Vàm Nao được gọi là Pãm pênk Nàv, nghĩa là dòng nước xoáy khiến nao nao lòng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp nói.

Ông Hiệp kể, người dân Vàm Nao lưu truyền câu ca dao: "Bếp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Vàm Nao" để nói về những hố xoáy trên sông. " Các hố xoáy làm nước chảy xiết, cô gái chèo đò chống chọi với dòng nước khác gì bắp non mà bỏ vào lửa lò, nên khách đi đừng nên ve vãn nếu muốn được an toàn", nhà nghiên cứu lý giải.

"Nhờ những xoáy nước này mà những loài cá da trơn như cá bông lau trở thành đặc sản của An Giang chứ không phải tỉnh khác", ông Hiệp nói.

Nếu như cá bông lau đã thành một đặc sản trứ danh để đãi thực khách, thì những vụ sạt lở xưa nay trên con sông này, cũng đã đi vào sử sách.

Vụ sạt lở đầu tiên được lịch sử ghi nhận vào năm 1700 ở Cù lao ông Chưởng, bao gồm phần lớn diện tích huyện Chợ Mới, An Giang ngày nay, trong đó có xã Mỹ Hội Đông.

Năm ấy, sau khi dẹp yên giặc cướp trên sông Tiền, khuấy rối vùng Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), quân Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu, trở về trú ngụ ở Lòng Ông Chưởng để chờ lệnh trên.

Sách Gia định thành thông chí chép:

Đêm 26 tháng 4 Canh Thìn (1700), gió mưa tầm tã, nơi đầu cù lao đất lở sụp, gây tiếng vang như sấm. Đêm ấy ông Nguyễn Hữu Cảnh nằm mộng thấy một người cao lớn mặc áo gấm, tay cầm cây búa vàng, mặt như thoa phấn đỏ, râu mày bạc trắng, đến trước mặt ông mà bảo rằng: "Tướng quân nên kéo quân về cho sớm, không nên ở lâu nơi ác địa này".

Ông thức dậy, lo buồn. Bấy giờ việc biên cảnh chưa hoàn thành, dư đảng giặc còn núp trong rừng núi. Trong lúc ông do dự chưa biết nên rút lui hay nên ở thì phần lớn quân sĩ lại mang bịnh dịch.

Ông cũng nhiễm bịnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạc tướng sĩ, rồi ông trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14, ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm) rồi mất.

Sống ở huyện Chợ Mới, bên sông Vàm Nao từ nhỏ, ông Nguyễn Hữu Hiệp cũng chứng kiến nhiều lần bờ sông sạt lở. Ông Hiệp kể, năm ông 10 tuổi, khi đang tắm sông với bạn bè thì bờ bên kia lở ước đến vài ha, đất đổ ập xuống xô nước tạo sóng lớn khiến lũ trẻ như ông chạy hụt hơi. "Dòng sông bị lở nhiều nơi theo quy luật bên lở bên bồi, nhưng việc xây đường bêtông nông thôn và công trình, nhà cửa nặng trên nền đất phù sa tân bồi, việc sạt lở diễn ra nhanh hơn", ông Hiệp nhận định.

Sông Vàm Nao là một trong những điểm nóng về sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hiện tượng sạt lở ngày càng gia tăng trong những năm gần đây và "không theo quy luật nào".

Theo thống kê công bố tại hội thảo quốc tế Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra cuối năm 2019 ở An Giang, năm 2010 miền Tây có 99 điểm xói lở và sạt lở bờ sông, thì đến năm 2019 đã tăng lên 681 điểm, tức tăng gần gấp 7 lần.

Khu vực 14 căn nhà bị trôi xuống sông Vàm Nao giờ được kè chắc chắn, các xoáy nước dưới lòng sông cũng được lấp đi.

Riêng tỉnh An Giang, năm 2019 đã xảy ra 46 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 3.470 m, khiến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Các nhà khoa học ví von, Đồng bằng sông Cửu Long được nuôi bởi "bầu sữa" mẹ Mekong, nên khi sữa mẹ cạn thì con có vấn đề. Lượng phù sa trong dòng chảy bị giảm dẫn đến hiện tượng "nước đói", không bồi đắp được, mà còn "ăn" đất nên gây sạt lở.

Trong khi đó, tình trạng khai thác cát chưa khoa học, sóng do các tàu thuyền trên sông, việc xây dựng đường bêtông và công trình gây sức nặng lên nền đất yếu... làm sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn.

Nhiều ngôi làng, khu dân cư bên sông đã biến mất sau những lần sạt lở ấy, như xóm bị sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông. Có người đã chạy lở nơi này, đến nơi khác lại bị lở, như một vòng tròn định mệnh.

Gần 400 m sạt lở bên sông Vàm Nao nhìn từ trên cao
 
 
Bờ sông Vàm Nao nhìn từ trên cao sau khi 'nuốt' hàng chục căn nhà ngày 22/4/2017.

Xóm cũ của cha mẹ ông Cà Đoan, vốn là một vùng trồng cà, như tên thân mật của ông. Nhưng khi vườn tược, nhà cửa dần bị sụp xuống sông, người trong xóm đã bỏ đi nơi khác. Cha mẹ ông chạy lở, rồi lập nghiệp trên đất mới, nơi ông thừa kế, rồi xây căn nhà mà nay cả gia đình đang "ở chui". Nơi này cũng sẽ thành xóm cũ.

Còn hai ngày nữa là đến ngày giỗ vợ, ông Cà Đoan đang đi mời khách đến dự giỗ bà ở chính căn nhà cũ.

Cà Đoan bảo rằng, ngoài ông bà tổ tiên, ông bà và các con đã sống cả đời nơi căn nhà cũ, nên mỗi lần kỷ niệm ngày giỗ, ông và các con làm tiệc nhỏ chừng ba mâm cơm chỗ khiêng hòm bà chạy, để bà còn biết đường về chứng giám, cho các con, cháu sống yên ổn làm ăn.

Ba tháng sau khi nhà bà Nở và 13 căn nhà khác trôi xuống sông, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã chỉ ra, hai hố xoáy là một phần nguyên nhân gây sạt lở. Hố thứ nhất sâu 22 m, dài 175 m, rộng trên 90 m, nằm sát đường liên xã. Hố thứ hai sâu 42 m, dài 380 m, rộng 180 m, nằm giữa sông, song song hố thứ nhất, cách bờ hơn 300 m.

Tỉnh An Giang sau đó đã chi 47 tỷ đồng để lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao, với kinh phí 47 tỷ đồng. Hàm ếch khổng lồ nơi 14 căn nhà trôi xuống sông cũng đã được xây kè kiên cố.

Từ khi hai hố xoáy bị lấp xong, không còn ai nghe tiếng xoáy nước chảy ót ót ở đoạn sông gần đó. Các ngư phủ trong xóm cũng bán ghe, để làm việc khác. Bà Nguyễn Thị Nở đi chợ hiếm khi mua được cá bông lau lớn như trước đây nữa. "Hố lấp xong thì cá bông lau cũng đi rồi", giọng bà chùng lại.

Bài: Phạm Linh - Hoàng Nam

Ảnh: Hoàng Nam - Cửu Long - Nhân Nguyễn