Trong lịch sử thế giới, từng có nhiều vụ tàu ngầm mất tích một cách bí ẩn. Các quốc gia có thể mất tới hàng chục năm để tìm lại được những tàu ngầm, cũng như thời gian dài để giải mã bí ẩn quanh những vụ mất tích, theo Sputnik.
INS Dakar
INS Dakar, ban đầu mang tên HMS Totem, là tàu ngầm lớp T phục vụ trong hải quân Anh, cũng là một trong ba tàu ngầm được Israel mua lại vào năm 1965. Hải quân Israel chính thức biên chế tàu vào ngày 10/11/1967, đổi tên thành INS Dakar và trao quyền chỉ huy cho thiếu tá Ya'acov Ra'anan, khi nó vẫn đang ở Anh. Sau hai tháng thử nghiệm trên biển cuối năm 1967, con tàu rời Anh để tới Israel vào ngày 9/1/1968.
Sáng 15/1, Dakar cập cảng Gibraltar và rời đi vào đêm hôm đó. Con tàu di chuyển xuyên qua Địa Trung Hải trong trạng thái lặn, sử dụng ống thông hơi để không phải nổi lên mặt nước. INS Dakar liên tục báo cáo vị trí về sở chỉ huy ở thành phố Haifa, Israel và dự kiến về tới cảng nhà vào ngày 2/2.
Tuy nhiên, tàu di chuyển nhanh hơn dự kiến và nhận lệnh cập cảng ngày 29/1. Thuyền trưởng Ra'anan yêu cầu được cập cảng sớm hơn một ngày, nhưng chỉ huy hải quân Israel bác bỏ vì buổi lễ chào đón không thể chuyển sang ngày 28/1.
Lúc 6h10 ngày 24/1, INS Dakar báo cáo vị trí khi ở phía đông đảo Crete. Trong vòng 18 tiếng tiếp theo, con tàu gửi ba tín hiệu về sở chỉ huy nhưng không kèm tọa độ trên biển. Liên lạc cuối cùng được thực hiện lúc 0h02 ngày 25/1/1968, con tàu không gửi thêm thông điệp nào sau thời điểm này.
Tới ngày 26/1, hải quân Anh cho biết đã mất liên lạc với INS Dakar, đồng thời công bố vị trí cuối cùng ở khu vực cách đảo Cyprus 160 km về phía tây. Chiến dịch tìm kiếm quốc tế được tổ chức với sự tham gia của Israel, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Lebanon. Một ngày sau, đài vô tuyến ở Cyprus thu được tín hiệu cấp cứu trên tần số khẩn cấp của tàu Dakar, nhưng không phát hiện được dấu hiệu nào của nó. Cuộc tìm kiếm kết thúc vào ngày 4/2/1968, hải quân Israel cho rằng Dakar bị chìm khi luyện tập lặn khẩn cấp, chứ không bị đối phương tấn công.
Nhận định tọa độ sai lầm khiến INS Dakar không được tìm thấy trong hàng chục năm. Phải tới ngày 24/5/1999, một nhóm tìm kiếm Israel - Mỹ mới phát hiện xác tàu ở độ sâu 3.000 m tại khu vực giữa đảo Crete và Cyprus. Nguyên nhân tai nạn không được làm rõ, nhưng các dấu hiệu cho thấy INS Dakar bất ngờ gặp sự cố, nhanh tới mức thủy thủ đoàn không kịp thực hiện bất kỳ biện pháp ứng phó khẩn cấp nào.
Minerve (S647)
Minerve là một trong 9 tàu ngầm lớp Daphne của Pháp, đóng vai trò nguyên mẫu thử nghiệm cho dự án tàu ngầm diesel mang tên lửa. Tàu Minerve được biên chế ngày 10/6/1964 và chỉ hoạt động tại Địa Trung Hải.
Lúc 7h55 sáng 27/1/1968, Minerve di chuyển trong trạng thái lặn với ống thông hơi ở cách căn cứ Toulon khoảng 46 km. Tàu ngầm thông báo cho máy bay Breguet Atlantic đi kèm rằng nó sẽ cập cảng trong vòng một giờ với 52 thành viên thủy thủ đoàn. Đây là thông tin cuối cùng nhận được từ Minerve, chiếc tàu ngầm Pháp mất tích ở khu vực biển có độ sâu từ 1.000 đến 2.000 m.
Thuyền trưởng Andre Fauve của tàu ngầm Minerve là người dày dặn kinh nghiệm với 7.000 giờ lặn dưới biển cùng các tàu ngầm lớp Daphne trong 4 năm trước đó. Lý do duy nhất được xác nhận liên quan tới vụ mất tích là thời tiết cực kỳ xấu vào ngày 27/1.
Hải quân Pháp nhanh chóng tổ chức lực lượng tìm kiếm lớn, bao gồm cả tàu sân bay Clemenceau và tàu lặn SP-350 Denise. Tuy nhiên, không có bất kỳ dấu hiệu nào của Minerve được phát hiện, chiến dịch cứu hộ kết thúc vào ngày 2/2. Cho tới nay con tàu vẫn chưa được tìm thấy, trở thành tàu ngầm duy nhất trên thế giới biến mất hoàn toàn mà không để lại dấu vết nào.
K-129
K-129 là một trong 6 tàu ngầm diesel - điện mang tên lửa đạn đạo chiến lược thuộc Đề án 629A (NATO định danh: Golf-II) của Liên Xô. Tàu được biên chế cho Hải đội tàu ngầm số 15, đóng tại căn cứ hải quân Rybachiy và dưới quyền chỉ huy của Chuẩn đô đốc Rudolf A. Golosov.
Sau khi hoàn thành hai chuyến tuần tra chiến đấu vào năm 1967, K-129 nhận nhiệm vụ thực hiện cuộc tuần tra thứ ba kéo dài 70 ngày, dự kiến diễn ra từ ngày 24/2 đến 5/5/1968. Sau khi rời cảng, K-129 tiến hành thử nghiệm lặn sâu và trở lại mặt nước, thông báo tình trạng bình thường và tiếp tục cuộc tuần tra. Đây là lần phát tín hiệu vô tuyến cuối cùng của K-129 với sở chỉ huy, con tàu mất liên lạc sau đó.
Tới giữa tháng 3/1968, chỉ huy hải quân Liên Xô tại Kamchatka tỏ ra lo ngại khi K-129 không phát tín hiệu báo cáo như kế hoạch. Sở chỉ huy gửi điện tín qua kênh công khai, yêu cầu K-129 dừng việc giữ bí mật và liên lạc về căn cứ. Các thông điệp khẩn cấp sau đó cũng được phát ra mà không có hồi đáp từ chiếc tàu ngầm. Đến cuối tháng 3, hải quân Liên Xô tuyên bố K-129 "đang mất tích" và tổ chức tìm kiếm quy mô lớn tại khu vực Bắc Thái Bình Dương.
Nhận định Liên Xô vừa mất một tàu ngầm, tình báo Mỹ lệnh cho căn cứ vận hành hệ thống trinh sát ngầm dưới đáy biển (SOSUS) tìm dữ liệu thủy âm về chiếc tàu ngầm. Cảm biến SOSUS ghi nhận "một tiếng động lớn" xảy ra vào ngày 8/3/1968. Phương pháp đo đạc tam giác giúp hải quân Mỹ xác định vị trí phát ra tiếng động, nghi là địa điểm tàu ngầm chìm.
Liên Xô không có hệ thống tương tự SOSUS, khiến họ không thể nhận định vị trí của K-129. Hoạt động của hải quân Liên Xô sau đó trở lại bình thường, K-129 được cho là đã chìm với toàn bộ thủy thủ đoàn. Tới năm 1974, hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch bí mật nhằm trục vớt chiếc K-129 từ độ sâu 4.900 m, nhưng chỉ thu được một số mảnh của chiếc tàu ngầm xấu số.
USS Scorpion (SSN-589)
Tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ chìm cách đảo Azores trên Đại Tây Dương khoảng 650 km về phía tây nam vào tháng 5/1968, khi đang trở về từ chuyến tuần tra Địa Trung Hải. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 99 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Xác tàu ngầm USS Scorpion ở đáy biển
SSN-589 báo cáo vị trí khi cách đảo Azores khoảng 80 km về phía nam vào ngày 21/5/1968. Hải quân Mỹ không thấy vấn đề gì bất thường, cho tới khi con tàu không cập cảng vào ngày 27/5 theo kế hoạch. Bất chấp chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn, Lầu Năm Góc không thể tìm thấy dấu hiệu của USS Scorpion. Tới ngày 5/6, hải quân Mỹ tuyên bố USS Scorpion "đã mất tích".
Phải tới tháng 10 năm đó, một thiết bị lặn sâu triển khai từ tàu nghiên cứu USNS Mizar mới nhận dạng được xác của USS Scorpion ở độ sâu hơn 3.000 m. Lầu Năm Góc nhận định nguyên nhân bắt nguồn từ việc một ngư lôi Mark 37 vô tình bị kích hoạt, sau đó phóng khỏi USS Scorpion và khóa mục tiêu vào chính chiếc tàu ngầm xấu số. Một vụ nổ ngư lôi trong khoang chứa cũng là giả thuyết được các nhà điều tra đưa ra để giải thích cho vụ tai nạn.
Tử Quỳnh