Theo quan niệm của y học cổ truyền, dưỡng sinh là sự kết hợp hài hòa giữa 4 phương diện: lối sống, chế độ ăn uống, thái độ tinh thần và rèn luyện. Một phần quan trọng của quy tắc dưỡng sinh là thích ứng với âm dương của bốn mùa để phòng ngừa bệnh tật.
Ngày 28/6, bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, cho biết thời điểm giữa mùa hè, nhiệt độ tăng cao, nóng bức, xuất hiện nhiều cơn mưa rào lớn. Thời tiết thay đổi thất thường dễ phát sinh bệnh tật theo mùa như sốt xuất huyết, sốt rét, say nắng, cảm cúm...
Trong khi đó, theo Đông y, mùa hè là thời kỳ thịnh vượng, cây cỏ ra hoa, vạn vật sinh sôi. Cơ thể con người cần hợp với khí của trời đất, cần bồi bổ dưỡng sức thì tinh khí mới có thể sinh sôi, nảy nở.
Bác sĩ Nhi gợi ý một số phương pháp dưỡng sinh dưới đây, giúp nâng cao sức đề kháng, chống chọi bệnh tật.
Chế độ sinh hoạt
Mùa hè, mọi người nên ngủ muộn và dậy sớm để phù hợp với sự thay đổi dương khí ngày dài đêm ngắn. Việc đi ngủ muộn dựa trên quan niệm thời gian của người xưa, không đồng nghĩa được thức khuya, nên đi ngủ trước 23h. Buổi trưa nên nghỉ ngơi từ 11h đến 13h, tốt nhất là ngủ khoảng 20-30 phút để hồi phục sức khỏe. Người già, người ốm yếu nên ngủ sớm và dậy sớm, cố gắng đủ 7 tiếng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, dễ bị phong hàn tấn công, nhiễm lạnh và ẩm thấp, vì vậy khi ngủ không nên dùng quạt hơi nước. Hoặc khi sử dụng điều hòa, không nên để chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời quá lớn (không quá 6-8 độ C). Ngoài ra, không đặt nhiệt độ dưới 25 độ C.
Tắm bằng nước ấm hàng ngày cũng là biện pháp rèn luyện sức khỏe. Việc này không những có tác dụng làm trôi mồ hôi và bụi bẩn, giúp da sạch, giải nhiệt, làm mát mà còn cải thiện tuần hoàn, dinh dưỡng cho da và các mô; giảm căng cơ, xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, tăng cường đề kháng.
Ăn uống
Ăn uống điều tiết luôn là chìa khóa để khỏe mạnh. Mùa hè là lúc thời tiết nóng bức nhất, cơ thể dễ tiết ra nhiều mồ hôi, nên ăn thực phẩm có vị chua nhiều hơn để hạn chế tình trạng này.
Với người thể chất dương hư (thân thể lạnh) nên ăn một số thực phẩm có tính ấm (dương) vào mùa hè như thịt bò, cừu, gừng khô..., để thúc đẩy dương khí, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng dương hư. Ngoài ra, mọi người nên ăn thực phẩm thanh đạm, không dùng đồ quá béo ngọt, nên tiêu thụ nhiều rau củ quá mọng nước.
Mùa hè tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên "trời tuy nóng chớ tham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều". Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật. Do đó, mọi người không nên tham ăn đồ lạnh như kem, đồ uống có đá...
Phép dưỡng sinh không khuyến khích ăn quá nhiều đồ sống, lạnh vì sẽ làm tổn thương tỳ vị và dương khí, dễ xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, chán ăn. Có thể áp dụng một số món cháo, canh dưỡng sinh vào mùa hè như cháo lá sen, cháo ý dĩ đậu xanh, canh vịt bí đao... Mặt khác, chế độ ăn uống trong mùa hè nên trọng về thanh, nhạt, để tránh cho "hỏa" chạy lên phần trên cơ thể.
Luyện tập thể dục thể thao
Mọi người nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều tối khi thời tiết mát mẻ hơn, ở các địa điểm có không khí trong lành như sông hồ, công viên, sân bãi. Nếu có điều kiện thì có thể vào rừng, hoặc ra khu vực ven biển để tập luyện. Các bài tập như đi bộ, chạy bộ, thái cực quyền... đều tốt. Không nên tập quá sức vì việc này gây mất nước, tiêu hao tân dịch và tổn hại dương khí.
Trong lúc vận động, nếu tiết nhiều mồ hôi, có thể uống nước đun sôi pha muối nhạt hoặc nước đậu xanh pha muối; không nên uống quá nhiều nước sau khi tập, càng không nên dội nước lạnh lên đầu hoặc tắm ngay lập tức.
Điều chỉnh hơi thở, cảm xúc
Nhiệt độ cao có thể khiến mọi người dễ cáu kỉnh, mệt mỏi, vì vậy sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Chúng ta nên duy trì thái độ tích cực và cố gắng hạn chế càng ít tức giận càng tốt.
"Cần giữ tâm trạng thoải mái, cân bằng, tránh cảm xúc lo âu buồn bực, căng thẳng, có thể gây thêm bệnh thể chất", bác sĩ Nhi nói, thêm rằng thái độ thanh thản, lạc quan khiến khí toàn thân được thông suốt.
Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao và oi bức thường khiến con người "ăn không ngon, ngủ không yên", dễ bị chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, thậm chí buồn nôn, nôn... Vì vậy, để vượt qua tiết hạ chí, phép dưỡng sinh còn cần chuẩn bị một số loại thuốc phòng chống say nắng. Các vị thuốc này gồm kim ngân hoa, hoa cúc, lá sen, hoắc hương chính khí, có thể hãm trà uống thay nước trong ngày hoặc sắc uống.
Mỹ Ý