Sau hơn 2 năm yêu nhau, anh Tuấn Hưng (25 tuổi, ngụ Bình Dương) có kế hoạch kết hôn vào đầu năm 2024. Anh thuyết phục người yêu cùng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Kết quả, anh được chẩn đoán nhiễm viêm gan B nhưng chưa cần dùng thuốc và theo dõi.
"Mẹ tôi cũng bị nhiễm viêm gan B và đang điều trị nên trước khi kết hôn, nhiều người khuyên tôi kiểm tra xem có ủ bệnh trong người không. Giờ có kết quả rồi, tôi cùng bạn gái tiêm các loại vaccine để phòng bệnh", anh Hưng nói.
Chị Ngọc Hà (27 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết có anh trai bị vô sinh, phải thụ tinh ống nghiệm nhiều lần để có con. Do đó, chị rất coi trọng sức khỏe, đã cùng chồng sắp cưới đi tiêm vaccine để phòng bệnh, chuẩn bị trước khi làm mẹ.
"Ngoài sởi, quai bị, rubella, chúng tôi cũng chọn tiêm các bệnh đường hô hấp như cúm, sởi, thủy đậu, cũng là để tránh lây cho người lớn trong nhà", chị Hà cho hay.
Còn chị Thu Trinh (30 tuổi, ở Đà Nẵng) cho biết đã hiểu hơn tầm quan trọng của vaccine khi con gái chào đời. Trong thời gian mang thai, chồng chị bị nhiễm bệnh thủy đậu nên phải cách ly để tránh lây nhiễm cho em bé. Tuy nhiên, cả nhà vẫn rất lo lắng.
"May mắn là em bé chào đời khỏe mạnh, từ đó vợ chồng dù bận việc cũng sắp xếp tiêm các loại vaccine để vừa phòng bệnh cho mình và cho con cùng người thân", chị Trinh nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thời gian gần đây, tỷ lệ các cặp vợ chồng đến tiêm vaccine tiền hôn nhân tăng dần theo thời gian. So với dân số chung, tỷ lệ tiêm vẫn còn khiêm tốn do nhiều người chưa hiểu rõ vai trò, lợi ích của vaccine. Bác sĩ Chính nêu ra 5 lợi ích của việc tiêm chủng tiền hôn nhân dưới đây.
Tự phòng bệnh
Trong gia đình, nếu các thành viên chưa được tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ mắc và lây bệnh cho bạn đời, thai nhi. Ví dụ viêm gan B lây qua đường tình dục, nếu người vợ đang mang thai đột ngột mắc viêm gan B thì có thể bị lây từ người chồng. Hoặc virus HPV cũng lây qua đường tình dục, gây bệnh mụn cóc sinh dục và các bệnh lý ung thư nguy hiểm như cổ tử cung, hầu họng, hậu môn, dương vật... Tỷ lệ lây truyền virus HPV giữa nam và nữ qua quan hệ tình dục trung bình là 40%.
"Có ít nhất 80% phụ nữ sẽ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, còn tỷ lệ đào thải HPV ở nam giới thấp hơn nữ giới. Bạn có thể nhiễm HPV ngay cả khi chỉ quan hệ tình dục với một người. Do đó, tiêm vaccine HPV và các vaccine khác rất quan trọng cho các cặp đôi", bác sĩ Chính khuyến cáo.
Bảo vệ sức khỏe thai phụ
Ở nam giới, vaccine giúp phòng bệnh do virus, vi khuẩn đồng thời ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho vợ và con trong tương lai. Ở nữ giới, tiêm vaccine tiền hôn nhân sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé trong giai đoạn thai kỳ, tránh mắc bệnh sau đó gặp các biến chứng nguy hiểm, phải nhập viện, điều trị kéo dài hoặc sảy thai, thai lưu, sinh non...
Ví dụ thai phụ mắc quai bị ở tuần thai 16, 10-20% thai nhi bị dị tật bẩm sinh, hoặc mẹ mắc bệnh trong 3 tháng giữa, nguy cơ bị sinh non, thai chết lưu, 2% mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Thai phụ mắc viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể tăng nguy cơ sinh non. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus từ mẹ, 90% phát triển thành bệnh mãn tính, khoảng 25% trong đó có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Truyền kháng thể bảo vệ em bé
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có 5,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm. Hầu hết ca tử vong có thể ngăn ngừa được cho trẻ từ trong bụng mẹ, ví dụ viêm gan B, viêm phổi, uốn ván... Phụ nữ tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai sẽ giúp tạo đề kháng cho bé ngay từ trong bụng mẹ.
Theo bác sĩ Chính, các loại vaccine có thể tạo ra kháng thể ở người mẹ và bắt đầu truyền qua nhau thai từ tuần 13 của thai kỳ. Ở tuần thai 17-22, lượng kháng thể truyền qua nhau thai khoảng 5-10%, từ tuần 28-30 lượng kháng thể ở mức 50%, đạt cao nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu trẻ sinh đủ tháng, lượng kháng thể của bé cao hơn mẹ từ 20-30%. Do đó, nếu mẹ tiêm càng đầy đủ thì lượng kháng thể càng cao và sự chuyển giao kháng thể cho bé càng cao.
Giảm chi phí điều trị bệnh
Tiêm chủng cũng là một hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chi phí khám và điều trị bệnh tốn kém gấp 16 lần chi phí tiêm vaccine. Với người trưởng thành, vaccine giúp dự phòng và bảo vệ sức khỏe. Vaccine còn làm giảm số ngày ốm và nhập viện, chi phí chăm sóc y tế, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ, cũng như giảm tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động do bệnh tật.
"Các loại vaccine mọi người cần tiêm trước khi kết hôn gồm HPV, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cúm, viêm gan, não mô cầu, bạch hầu - ho gà - uốn ván, phế cầu... Mỗi loại vaccine có thời gian tiêm khác nhau. Mọi người nên chủ động hoàn thành phác đồ tiêm trước khi kết hôn từ 1 đến 3 tháng, để có miễn dịch phòng bệnh tốt nhất", bác sĩ Chính nói.
Mộc Thảo
Vào 20h thứ 6, ngày 27/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với báo VnExpress tổ chức tư vấn trực tuyến: "Mùa cưới - Tiêm vaccine tiền hôn nhân & vaccine cho phụ nữ mang thai".
Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu: BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC; ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress, VNVC và các kênh thông tấn báo chí khác. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.