Đồ án quy hoạch Thủ Thiêm lần đầu được phê duyệt năm 1968 bởi Công ty tư vấn Doxiadis Assocciates (Hy Lạp). Ý tưởng chủ đạo của phương án là thí điểm xây dựng 1.000 căn nhà trên diện tích 800 ha đất. Kết nối khu vực này với trung tâm quận 1 bằng cách kéo dài đại lộ Hàm Nghi qua bờ bên kia sông Sài Gòn rồi hướng thẳng về phía Biên Hòa - hướng phát triển chủ đạo của thành phố, tạo thành trục chính Đông - Tây của khu đô thị mới.
Đất ở Thủ Thiêm được xây dựng theo mô hình ô phố cực lớn (Megablock) để tách rời giao thông cơ giới và đường đi bộ. Mỗi ô phố là một khu dân cư hình chữ nhật được mô phỏng những cụm dân cư vùng sông nước Nam bộ với hệ thống kênh rạch thay vì những tuyến giao thông công cộng chính.
Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyện làm lô lớn phổ biến khi muốn tiết kiệm chi phí (chỉ làm các đường lớn, dân xây dựng đến đâu làm đường đến đó). Quy hoạch này đáp ứng nhu cầu nhà ở lớn của thành phố khi người nhập cư ngày càng đông.
"Lúc đó Thủ Thiêm có hệ thống kênh rạch tự nhiên chằng chịt nhưng dự án này chọn giải pháp lấp toàn bộ, thoát nước theo dạng bàn cờ. Nếu chỉ để xây dựng nhà ở thì quá tốn kém, nên dù được phê duyệt vào năm 1968 quy hoạch này đã không thành công", ông Sơn nói.
Đến năm 1972, Thủ Thiêm được nhóm công ty nước ngoài khác của Mỹ (Wurster, Bermadi & Emmons) quy hoạch thành trung tâm tương lai đa chức năng của thành phố.
Trong đó, Thủ Thiêm được nối với quận 1 thông qua xây cầu nối với đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - hai trục lộ cùng bờ sông Sài Gòn tạo thành tam giác phát triển để xây dựng trung tâm mới cho đô thành Sài Gòn. Phía Tây là khu trung tâm, phía Đông là trung tâm tài chính mới.
Trung tâm bán đảo Thủ Thiêm là khu "Chánh phủ", nhà ở được bố trí hai bên vành đai giao thông, còn công nghiệp được bố trí ở bờ Tây bán đảo, đối diện với Tân Thuận - khu chế xuất. Quảng trường nối dài từ bờ sông Sài Gòn, đối diện công trường Mê Linh tới khu hành chính nằm ở lõi trung tâm. Tuyến đường huyết mạch vòng cung được thiết kế như một đường cao tốc...
Theo đánh giá của chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, hạn chế lớn nhất của đồ án Thủ Thiêm năm 1972 là tuyến đường huyết mạch vòng cung được thiết kế như đường cao tốc thay vì đại lộ trong đô thị. Về kỹ thuật, tuyến đường này giúp phân phối lưu lượng giao thông tốt hơn trên bán đảo. Nhưng với thiết kế đô thị, giải pháp này cộng với việc tôn trọng hoàn toàn hiện trạng kênh rạch đã biến Thủ Thiêm thành từng ốc đảo đô thị nhỏ, kết nối kém khi quy mô quá nhỏ để phát triển độc lập.
Ở lần thứ hai Thủ Thiêm được quy hoạch, dù được đánh giá có tiềm năng hơn, nhưng vì chiến tranh nên không thể tiến hành.
Khi đất nước thống nhất, vùng đất Thủ Thiêm bị tạm quên trong suốt nhiều năm. Đến năm 1996, quyết định phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầu cho những dự định. Vùng đất này được kỳ vọng là khu đô thị tầm cỡ Đông Nam Á.
Theo quy hoạch, Khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 930 ha với 250.000 dân, kết nối với các quận trung tâm (Bình Thạnh, 1, 4, 7) qua một đường hầm và 5 cây cầu. Ngoài ra còn có một tuyến metro ngầm nối với quận 1 cùng hệ thống xe buýt, xe điện. Thời gian phát triển khu trung tâm dự kiến là 20 năm với 4 giai đoạn.
Năm 2003, thành phố tổ chức cuộc thi thiết kế và Sasaki (Nhật Bản) thắng giải, bản thiết kế của công ty đã được tổ chức thành một bản quy hoạch mới cho Thủ Thiêm. Theo đó, diện tích quy hoạch 737 ha, 130.000 dân, ít hơn một nửa so với quy hoạch trước. Trung tâm bán đảo Thủ Thiêm sẽ có 5 khu vực chính gồm: lõi trung tâm, khu đa chức năng, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư phía Đông và khu sinh thái.
Ban đầu, bản quy hoạch cũng xây dựng trung tâm hành chính cho TP HCM ở phía Đông nhưng sau đó thành phố muốn phát triển khu chức năng ở quanh trụ sở UBND TP HCM hiện nay. Còn khu vực định làm trung tâm hành chính mới tại phía Đông được chuyển thành khu dân cư.
Năm 2007, TP HCM tổ chức cuộc thi quy hoạch khác, lần này công ty Niken-sake thắng giải. Quy hoạch tạo thành 5 phân khu: lõi trung tâm tài chính, khu văn hóa lịch sử, khu thấp tầng, khu bờ Tây sông Sài Gòn và khu lên tầng. Định hướng chiến lược của bản quy hoạch là cao tầng hóa bờ sông.
Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, lẽ ra từ năm 2003 thành phố phải lập bản quy hoạch chung cho hai bờ sông Sài Gòn, nhưng thực tế lại tách thành hai dự án riêng, quy hoạch theo ranh giới hành chính. Nếu quy hoạch hai bờ cùng lúc thì việc chọn đặt cầu ở đâu, quy mô như thế nào rất quan trọng. Trong khi bờ Đông thì khống chế cao tầng, còn bờ Tây thì mọc lên những toà nhà dày đặc.
"Làm như vậy vô tình bờ Tây đã triệt tiêu sự phát triển của Thủ Thiêm. Tại sao không làm cầu Hàm Nghi sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư vì họ nhìn thấy cơ hội rất rõ ràng. Nếu xây cầu Hàm Nghi nối Thủ Thiêm chỉ có 400 m, nối trung tâm quận 1 qua Thủ Thiêm - một tiềm năng lớn thu hút nhà đầu tư", ông Sơn nói.
Chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đánh giá, hiện Thủ thiêm vẫn chưa phát triển, chỉ thấy những dự án của các nhà đầu tư tư nhân, chủ yếu xây nhà để bán. "Trong khi mong muốn ban đầu của Thủ Thiêm là thu hút các tập đoàn lớn về xây dựng thành khu trung tâm kinh tế, tài chính... tầm cỡ khu vực", ông Sơn bày tỏ tiếc nuối.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Hiện, hàng trăm hộ dân vẫn còn khiếu kiện suốt nhiều năm vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ kết luận TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch dự án, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong - Tổ trưởng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, đã 3 lần gặp gỡ người dân để trao đổi về các chính sách bổ sung mà thành phố dự kiến áp dụng.
Hữu Nguyên