Nguyễn Quỳnh Hoa (25 tuổi, TP HCM) chuẩn bị du học, cần tiêm vaccine phòng viêm gan B. Cô xét nghiệm định lượng kháng thể và kháng nguyên tại cơ sở y tế tư nhân, sau đó phát hiện dương tính với mầm bệnh.
Hoa cho biết chưa quan hệ tình dục và gia đình không có người mắc, do đó không rõ nguồn lây. Cô được chỉ định điều trị bằng thuốc, tái khám định kỳ 3 tháng một lần.
Còn Thanh Ngọc (34 tuổi, TP HCM) cho biết con trai 6 tuổi cũng vừa xét nghiệm dương tính viêm gan B. Trước đó, bé mệt mỏi, chán ăn, sút cân, da vàng vọt.
"Tôi rất sốc, không biết con mắc bệnh từ khi nào. Cháu có đồ dùng cá nhân riêng, được gia đình chăm sóc kỹ, người thân không mắc bệnh", chị Ngọc nói thêm rằng bác sĩ phán đoán bé có thể bị lây nhiễm trong quá trình đùa nghịch với bạn cùng lớp, gây xây xước, chảy máu mà không biết.
BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thường tiếp nhận khách hàng chưa tìm hiểu về viêm gan B, do đó không kịp phòng ngừa cho bản thân, người thân. Đường lây chủ yếu của viêm gan B từ mẹ sang con, tình dục. Ngoài ra, bệnh có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người mắc, ví dụ thông qua cắn, tiêm chích gây chảy máu, sử dụng dụng cụ chưa khử trùng kỹ...
Làm đẹp xâm lấn
Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng, nặn mụn, hút máu độc... có thể gây chảy máu và lây nhiễm virus viêm gan B khi dụng cụ không vệ sinh, khử khuẩn. Ví dụ thủ thuật xỏ khuyên phải dùng dụng cụ nhọn đâm xuyên qua da; cắt móng, cắt da, lấy khóe móng tay chân có thể gây trầy xước bàn tay, chân...
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ tháng 12/2017, dụng cụ làm móng và tóc như kềm, dũa, dao cạo, kéo... chứa mầm bệnh, có thể tồn tại 7 ngày trên bề mặt và nhiều tháng trong vết máu khô. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài trong 10-20 năm.
Thủ thuật không đảm bảo
Các phương pháp phẫu thuật, tiểu phẫu tại cơ sở không đảm bảo vô trùng, không được vệ sinh, khử trùng đúng cách, cũng gây lây nhiễm. Nguy cơ lây truyền tăng hàng chục lần khi người thực hiện thủ thuật có tải lượng virus cao song không tuân thủ biện pháp phòng lây nhiễm. Ví dụ tháng 3/2013, bang Oklahoma, Mỹ, phát hiện một phòng khám vi phạm hàng loạt vấn đề về vệ sinh y tế và an toàn sức khỏe, phải kêu gọi khoảng 7.000 người xét nghiệm HIV và viêm gan B, C.
Dùng chung vật dụng vệ sinh
Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân hằng ngày với người mắc bệnh cũng khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao, ví dụ dao cạo, lưỡi lam, bàn chải đánh răng... Các vật dụng này có thể gây trầy xước da, niêm mạc và lưu lại vết máu chứa virus trong thời gian dài.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, virus viêm gan B tồn tại với nồng độ cao ở các vật dụng thông thường như khăn tắm, ga trải giường... nhờ khả năng sống nhiều ngày bên ngoài cơ thể dù không nhìn thấy vết máu.
Bị người mắc bệnh cắn
Virus viêm gan B có trong nước bọt của bệnh nhân, do đó vết cắn cũng có thể là đường lây truyền. Các nhà khoa học Mỹ năm 2005 ghi nhận một nam giới mắc bệnh sau khi bị người vô gia cư cắn. Họ chứng minh được mầm bệnh lây qua nước bọt sau khi giải mã trình tự gene virus ở cả hai người.
Để phòng ngừa, bác sĩ Ngọc khuyến cáo người dân chọn cơ sở y tế, làm đẹp đã được cấp phép phẫu thuật, làm thủ thuật. Mọi người có thể tự trang bị các bộ dụng cụ làm đẹp riêng như kìm cắt móng, dụng cụ sử dụng một lần.
Gia đình có người mắc bệnh không được dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân. Trẻ em nhiễm viêm gan B cần điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ và học cách quản lý cảm xúc, tránh cắn, cào gây chảy máu cho trẻ khác.
Những người chưa mắc nên chủng ngừa sớm và tuân thủ đủ phác đồ. Vaccine hiện có hiệu quả phòng bệnh cao với tỷ lệ 94–98%. Trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu sau sinh.
Người trưởng thành không rõ lịch sử tiêm chủng, cần xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể trước khi tiêm. Nếu chỉ số xét nghiệm cho thấy chưa từng nhiễm viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể phòng bệnh (Anti HBs), mọi người cần tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Người từng tiêm chủng song kháng thể Anti HBs thấp dưới mức bảo vệ, cần tiêm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nhiễm virus (HBsAg dương tính) không cần tiêm vaccine, phải theo dõi điều trị bệnh với bác sĩ chuyên khoa.
Nhật Linh
Hiện gần 140 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên cả nước có hơn 40 loại vaccine cho trẻ em và người lớn, trong đó có vaccine phòng viêm gan B như Heberbiovac (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), vaccine phối hợp Twinrix (Bỉ), 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp)