Thông tin được ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đưa ra tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan chiều 9/8. Đây là những dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với các công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu.
Theo ông Trung, việc chọn những công trình trên dựa theo nhiều tiêu chí cụ thể như: phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, xã hội; giải quyết điểm nghẽn kết nối các khu vực cửa ngõ và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Trong đó, dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến ranh tỉnh Long An, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng có kinh phí lớn nhất. Đoạn này dài gần 10 km, được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe. Kế đến, quốc lộ 13 ở cửa ngõ phía Đông cũng sẽ mở rộng đoạn dài gần 5 km, từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức). Dự án này ước tính có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Hai công trình khác gồm mở rộng quốc lộ 22 (dài 9,1 km) và đường trục Bắc - Nam (7,5 km, từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm), lần lượt có vốn khoảng 2.400 tỷ và 3.100 tỷ đồng. Riêng cầu, đường Bình Tiên là công trình xây mới (dài 3,2 km, nối quận 6, 8, huyện Bình Chánh), dự kiến vốn đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. Dự án này trước đây thành phố tính triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhưng đã dừng. Trong bối cảnh vốn ngân sách chưa thể cân đối, công trình này được đề xuất làm BOT trước yêu cầu cấp bách.
Theo ông Trung, TP HCM có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai theo cơ chế mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng trong 5 năm, nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn được đề xuất ưu tiên triển khai trước.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII), đề nghị khi triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu, thành phố nên ưu tiên những tuyến người dân có thể chọn giữa việc phải trả phí BOT và phần đường cũ đang miễn phí. Điều này sẽ giúp việc triển khai thuận lợi, đồng thời phân định rõ "ai muốn đi nhanh sẽ vào phần đường BOT và ngược lại", tránh gây phản ứng.
Mặt khác, lãnh đạo CII cũng cho rằng rất nhiều dự án trước đây kêu gọi đầu tư BOT, nhưng số công trình thu hút được doanh nghiệp tham gia lại không nhiều do hiệu quả dự án không cao. "Doanh nghiệp khi bỏ tiền ra đầu tư chỉ quan tâm việc thu hồi vốn cùng khả năng sinh lời nên các dự án BOT kêu gọi đầu tư cần phải khả thi", ông Bình góp ý.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc cũng cho rằng các dự án dự kiến đầu tư đều cần nguồn vốn lớn, đi kèm rủi ro cao. Do vậy, để thu hút nhà đầu tư tham gia cần có thêm tiêu chí đánh giá tính khả thi trong hoàn vốn doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, hiện ngân sách hiện chỉ đáp ứng 20-21% nhu cầu đầu tư các dự án giao thông. Các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 mở ra cơ hội lớn cho phát triển ở thành phố nên với thời hạn 5 năm, việc lựa chọn các dự án để sớm triển khai là cấp bách.
Ông Lâm cho biết Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan trong việc xây dựng các tiêu chí nhằm triển khai đồng bộ các dự án. Trước mắt, cơ quan này sẽ báo cáo UBND thành phố trước khi trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới. Cùng với việc xây dựng thêm các tiêu chí cụ thể, những dự án sau đó sẽ được nghiên cứu để triển khai đồng bộ.
Gia Minh