Nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM, sau khi Tổng công ty Xây dựng số 1 đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đơn vị này sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư dự án nếu thành phố chấp thuận.
Trước đó, dự án cầu, đường Bình Tiên được tính toán dài 3,2 km, rộng 30-40 m, điểm đầu tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Công trình trước đây được Thủ tướng ủy quyền cho TP HCM chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Thành phố sau đó duyệt dự án với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa được triển khai.
Năm 2016, TP HCM kiến nghị Thủ tướng tách dự án này thành hai thành phần độc lập, tương ứng với hai đoạn, gồm: từ đường Phạm Văn Chí đến Tạ Quang Bửu dài 1,4 km, kinh phí 1.853 tỷ đồng và từ Tạ Quang Bửu đến Nguyễn Văn Linh, dài 1,8 km, kinh phí hơn 750 tỷ. Dự án vẫn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và đơn vị thực hiện tự bố trí vốn cho cả phần giải phóng mặt bằng.
Đầu năm 2018, khi Trung ương chủ trương dừng dự án BT, thành phố cũng cho dừng các công trình dạng này để rà soát. Mới đây, lãnh đạo TP HCM đã giao các sở ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án khác để đầu tư.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc sớm đầu tư dự án cầu, đường Bình Tiên hiện cấp thiết để giải quyết tình trạng ùn tắc, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông ở khu Nam thành phố cũng như liên kết vùng TP HCM với các tỉnh miền Tây bởi tuyến đường sẽ nối qua quốc lộ 50 (sắp mở rộng), đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3...
Gia Minh