Mưa đã tạnh nhưng sáng 7/8, người dân phường Thảo Điền, quận 2, vẫn bì bõm lội nước trên đoạn đường Quốc Hương dài hơn 500 m, có nơi còn ngập hơn nửa mét. Hàng loạt xe hai bánh bị chết máy, phải dẫn bộ. Một số hàng quán đóng cửa vì nước tràn vào chưa rút hết. Nhiều người phờ phạc sau "một đêm không ngủ".
Anh Phạm Ngọc Hữu Phú (40 tuổi), chủ cửa hàng ăn uống đường Quốc Hương cho biết, sáng giờ phải nghỉ bán để dọn dẹp, nhiều vật dụng như chén, dĩa, thìa bị nước cuốn trôi sau trận mưa.
Chủ quán hơn 10 năm kinh doanh ở đây cho biết, trận mưa kéo dài từ 18h đến 0h vẫn chưa ngớt. Có 5 khách ăn uống ở đây phải ở lại đến khuya chờ nước rút mới về được. Họ dắt bộ xe về nhà trên đường ngập hơn nửa mét. Khi có ôtô đi qua tạo thành sóng nước, khiến nhiều vật dụng trong nhà anh Phú trôi ra ngoài. Anh cùng vợ phải vừa trông quán, vừa chạy đi gom đồ đạc trôi lềnh bềnh.
"Nhiều khi không để ý, mấy vật dụng nhỏ trôi đi mất. Lâu rồi chưa thấy trận mưa nào lớn như thế", anh Phú lo lắng vì nếu tối nay mưa tiếp không biết làm thế nào.
Cách chỗ anh Phú chừng 200 m, anh Đào Ngọc Tuấn, chủ tiệm photocopy chỉ biết nhìn ra đường với dòng nước mênh mông chưa chịu rút. Anh dùng các tấm panô cao gần nửa mét và thanh gỗ, dây nylon gia cố lại làm tấm chắn, nhưng đêm qua nước vẫn vào nhà, lên cao tới đầu gối. Bốn chiếc máy photocopy hư hỏng vì nước vào, không hoạt động được.
Cơn mưa khiến cây dầu cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 bị gãy nhánh đè sập hàng rào, mái ngói và làm vỡ hệ thống ống nước trường THPT Trưng Vương hư hỏng.
Cũng trong đêm qua, cây xanh cao khoảng 7 m nằm trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú đã bị bật gốc khiến một phụ nữ đi đường bị thương. Các nhánh cây đè lên đường dây điện khiến khu dân cư mất điện trong nhiều giờ.
Trận mưa tối 6/8 được Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá có lượng mưa lớn nhất từ đầu năm. 21 trạm đo mưa tại TP HCM cho thấy đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) lượng mưa là 212 mm, khu Thanh Đa và đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) lần lượt 199 mm và 194 mm... Ngoài ra, còn 8 vị trí đo mưa có lượng hơn 100 mm.
Cơn mưa kéo dài nhiều giờ khiến một loạt tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)... ngập lút bánh xe.
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ví đây là "trận mưa to kỷ lục" ở TP HCM. Theo đó, từ năm 1984 đến nay nếu tính lượng mưa trong 24 giờ, cơn mưa này chưa phải lớn nhất. Tuy nhiên nếu tính lượng mưa trong một trận mưa đạt hơn 212 mm như tại quận 1 và lượng mưa trong 60 phút đạt 92 mm thì đây là cơn mưa lớn nhất từ trước đến nay tại Sài Gòn.
Về số lượng điểm ngập, theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cơn mưa đêm qua cả thành phố ghi nhận 38 con đường ngập từ 0,1 đến 0,3 m. Trong đó, 13 điểm ngập nặng, vượt công suất thiết kế của hệ thống cống. Trước đó, ba cơn mưa được cho lớn nhất từ đầu mùa kéo dài trong hai giờ: ngày 27/5 (112 mm); 3/6 (77 mm); 4/6 (70,6 mm) cũng chỉ gây ngập 22 tuyến đường.
Trả lời VnExpress, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết, cơn mưa với lượng mưa lớn vượt công suất thoát nước của hệ thống cống khiến nhiều nơi bị ngập. Nhân viên thoát nước được huy động tối đa túc trực vớt rác tại các cống thoát nước, vận hành đóng mở tại 5 cống ngăn triều lớn và hơn 1.000 van ngăn triều nhỏ nhưng nước không thoát kịp.
"Chúng tôi luôn coi đây là công việc hàng ngày, thường xuyên để giảm bớt ngập. Tuy nhiên, do mưa quá lớn nên ngập diễn ra nghiêm trọng", ông Điệp nói và cho biết đến sáng nay chỉ còn điểm ở phường Thảo Điền, quận 2 còn ngập do ảnh hưởng triều cường
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cơn mưa lớn ở Nam Bộ trong đó có TP HCM tối qua do rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam hoạt động mạnh kết hợp với gió mùa Tây Nam. Dự báo, trong 24-48 giờ tới, khu vực Nam Bộ vẫn mưa to trên diện rộng và có giông, kéo dài đến ngày 8/8.
Hà An - Gia Minh - Đình Văn