Công cuộc kiếm tiền thủ công và tiểu nông của ba con người làm mướt mồ hôi cả buổi sáng được 36 trái dừa khô. Mang số dừa này ra chợ bán được 330 nghìn đồng, thời điểm dừa cũng được giá.
Hôm trước khi nghe tôi đòi đi phụ bẻ bừa, ba mẹ xua như người ta lấy cây phất đuổi ruồi trên mấy sạp thịt bò ngoài chợ vậy: "Nó đi chơi chứ biết gì đâu mà làm, thôi, ở nhà ngủ cho khỏe".
Rồi cũng được miễn cưỡng cho đi, mà bị hăm he đủ thứ: "kiến vàng cắn cho thấy cảnh", "sáng mai không dậy sớm thì ở nhà luôn". Có ba liếp dừa trên hai công đất, vườn không có lối phải đi nhờ đường để vô.
40 cây dừa tự sinh tự diệt không chăm sóc, không bón phân. Vì nhà tôi ở xa không canh nên "có bón thì người ta cũng ăn hết, trời cho nhiêu hưởng nhiêu... đủ tiền đổ xăng cũng được". Cách mạng công nghiệp đã ở chấm bao nhiêu rồi mà nhà tôi thì còn đủng đỉnh "săn bắt hái lượm" cùng nhau.
>> Thu bạc cắc khi bỏ 800 triệu về quê làm nông
Đồ nghề của tôi là cái chĩa với cái bị, chĩa để vớt dừa ở dưới mương lên, gom dừa trên bờ bỏ bị rồi kéo lệch xệch về chỗ tập kết. Để khỏi đi vòng thì thảy dừa từ liếp bên này qua liếp bên kia, có khi thì thảy được qua bờ, có khi thì chỉ quăng lọt được xuống mé sình, lại leo xuống vớt lên.
Ba giựt dừa, mẹ phát cỏ, tôi chỉ cần lượm dừa mà thở muốn xiêu vẹo trẹo lưng. Tôi nhớ có lần, bạn tôi phụ ba mẹ làm ruộng kể: "Mình giờ làm nông không nổi Dương ơi. Coi vậy chứ sức khỏe không có, làm được bữa là đau người".
Hàng ngày, tôi chỉ quen với tiếng rè rè máy lạnh, mùi giấy, mực in, bàn phím, nên trong tiếng khoáng đạt của gió, tôi nghe mùi bùn xám ướt sống động như thở, tanh đất, mặn mồ hôi, rồi khắng lại trên tay, trên áo.
Mùi bùn với mùi mực, mùi nào cực hơn? Chỉ biết là, tiền nào cũng in trên giấy nhưng khác mệnh giá. Và kiếm sống là đấu tranh, không phải dạo chơi. Kiếm sống nằm ở sức bền, chứ không phải ở những háo hức ban đầu.
Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.