Là phương tiện cá nhân thuận tiện, nhanh chóng và chi phí thấp, xe máy từ lâu được xem là phương tiện thông dụng và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của hàng chục triệu gia đình Trung Quốc.
Theo nghiên cứu năm 2020 của chuyên gia Yuntao Guo, Đại học Đồng Tế, Thượng Hải và Jian Wang, Đại học Đông Nam, hơn 100 triệu xe máy hoạt động ở Trung Quốc vào năm 2014, so với 200.000 chiếc vào năm 1981. Xe máy được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng vì nó rẻ hơn, nhanh hơn so với ôtô, tiện lợi hơn và bớt phụ thuộc hơn so với phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, số lượng xe máy lớn cũng kéo theo nhiều vấn đề như tai nạn giao thông. Người dân gia tăng sử dụng xe máy cũng được coi là gây thêm ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cũng như hành vi cướp giật của những tên tội phạm cưỡi xe máy vốn dễ luồn lách trên đường.
Để hạn chế các vấn đề liên quan tới xe máy, giới chức Trung Quốc bắt đầu đưa ra những chính sách hạn chế sử dụng xe máy, trong đó có ngừng đăng ký xe máy mới, cấm xe máy hoạt động trên các tuyến phố chính hoặc khu trung tâm, cũng như cấm người đi xe máy ngoại tỉnh vào thành phố.
Quyết liệt nhất trong số này là lệnh cấm hoàn toàn sử dụng xe máy trong phạm vi toàn thành phố, được thủ đô Bắc Kinh bắt đầu áp dụng từ năm 1985, trở thành địa phương đầu tiên ở Trung Quốc thực thi biện pháp này.
Đến đầu những năm 1990, ngày càng nhiều thành phố học theo mô hình của Bắc Kinh và đến nay, khoảng 185 thành phố Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm với loại phương tiện này.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng lệnh cấm mang lại hai lợi ích chính, gồm hạn chế tai nạn giao thông và nạn cướp giật nhờ "chặt chân" xe máy trong nội đô, và thúc đẩy các hình thức di chuyển thân thiện hơn với môi trường như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Một số chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng lệnh cấm xe máy sẽ tăng thêm sức ép với các quan chức chính quyền để họ cải thiện hệ thống giao thông công cộng, bởi phần lớn những người đi xe máy sẽ chuyển sang đi xe bus hoặc tàu điện khi lệnh cấm được ban hành.
Tuy nhiên, một bài viết trên tạp chí Công nghệ Thông tin và Hệ thống Vận tải Trung Quốc năm 2009 dẫn công trình nghiên cứu cho thấy lệnh cấm xe máy cũng tăng gánh nặng tài chính đối với dân nghèo, đặc biệt là các lao động nhập cư ở thành phố lớn. Do không có hộ khẩu và khó tiếp cận với các dịch vụ như làm vé tháng xe bus, những người này thường buộc phải chuyển sang đi bộ khi xe máy bị cấm.
Để tìm hiểu về tác động của lệnh cấm xe máy đối với tình hình giao thông Trung Quốc, Jingjing Chen, chuyên viên tại trường kinh tế thuộc Đại học Sư phạm Hàng Châu, cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về chính sách này tại 4 thành phố Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu và Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang.
Thiệu Hưng bắt đầu lệnh cấm vào năm 2001, trong đó xe máy bị cấm lưu hành trong vành đai một của trung tâm thành phố, với thời gian và phạm vi thay đổi tùy theo nơi đăng ký biển số. Cơ quan đăng ký cũng ngừng cấp mới biển số xe máy trong khu vực nội đô từ thời điểm này.
Năm 2002, thành phố Hàng Châu cũng thông báo lệnh cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội thành. Xe máy mới cũng sẽ không được phép đăng ký trong khu vực trung tâm thành phố.
Năm 2016, chính quyền Hàng Châu chuyển sang giai đoạn tiếp theo, tiếp tục cấm đăng ký xe máy mới tại các quận chính. Một năm sau, chính quyền Hàng Châu thông báo cấm tất cả xe máy lưu thông trên các tuyến đường chính.
Sau Thiệu Hưng và Hàng Châu, thành phố Ninh Ba năm 2010 bắt đầu hạn chế xe máy lưu thông ở một số khu vực nội thành. Hai năm sau, chính quyền Ninh Ba ra quy định mới, cấm mọi xe máy, trừ xe công vụ của cảnh sát, lưu thông trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố.
Ôn Châu năm 2011 cũng có biện pháp tương tự Ninh Ba, khi hạn chế xe máy lưu thông ở một số khu vực nội thành. Tới năm 2013, thành phố này tiếp tục siết quy định, cấm tất cả xe máy vào nội đô, đồng thời ngừng đăng ký mới biển số xe máy.
Theo thống kê của Jingjing Chen, trước khi lệnh cấm xe máy được ban hành, tai nạn giao thông ở Chiết Giang tăng dần đều theo từng năm. Số vụ tai nạn giao thông ở tỉnh này năm 1996 là 22.266, nhưng tăng lên 62.266 năm 2002, tương đương 179%. Số vụ tử vong vì tai nạn giao thông cũng tăng 22,14% trong cùng thời kỳ.
Từ năm 2002, sau khi lệnh cấm xe máy được ban hành, số vụ tai nạn bắt đầu giảm xuống. Đến năm 2019, số vụ tai nạn giảm gần 81%, số người chết giảm hơn 57% so với 17 năm trước đó. Tổn thất tài sản do tai nạn giao thông trong giai đoạn này cũng giảm tới 93%.
Trên toàn Trung Quốc, số vụ tai nạn giao thông đường bộ cũng giảm liên tục trong những năm gần đây. Số vụ tai nạn năm 2019 là 247.600, giảm gần 68% so với hơn 773.000 vụ năm 2002. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do tai nạn giao thông cũng giảm 56,4%, từ hơn 3 triệu tệ xuống gần 1,35 triệu tệ từ năm 2002 đến 2019.
Nhóm nghiên cứu của Jingjing Chen nhận thấy lệnh cấm xe máy có thể tác động mạnh tới an toàn giao thông theo hai cơ chế, gồm giảm tỷ lệ tử vong trong các vụ tai nạn xe máy bằng cách thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đảm bảo an toàn, và giảm số lượng xe máy tham gia giao thông.
Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên kết hợp linh hoạt giữa lệnh cấm xe máy và dừng lưu thông các xe cũ nát. "Chính sách đa dạng nên được đưa ra để tăng cường hiệu quả của chúng, như ban hành quy định cụ thể về tuổi thọ và tốc độ của các loại xe máy khác nhau", nghiên cứu có đoạn.
Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2020 của chuyên gia Yuntao Guo và Jian Wang cho thấy ngoài tác động giảm tai nạn giao thông, biện pháp cấm xe máy không mang lại hiệu quả lớn trong giảm ùn tắc giao thông hay ô nhiễm môi trường.
Theo đó, trong khi người thu nhập thấp buộc phải chuyển sang đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng sau khi xe máy bị cấm, khoảng 25% số người đi xe máy bắt đầu chuyển sang dùng ôtô để đi làm.
Điều này khiến lượng tiêu thụ nhiên liệu tăng lên, cùng với đó là các loại khí thải độc hại xả ra môi trường. Thực tế này cũng khiến lượng ôtô lưu hành trên đường tăng lên, kéo theo nguy cơ tắc đường cao hơn, bởi ôtô là phương tiện không dễ di chuyển linh hoạt như xe máy.
"Chúng tôi cho rằng chính sách cấm xe máy không thể tự mình giải quyết hết các thách thức giao thông đô thị mà nhiều thành phố ở Trung Quốc hiện phải đối mặt", các nhà nghiên cứu viết.
Họ cho rằng ngoài ban hành lệnh cấm xe máy, nhà chức trách cũng phải tăng tính hấp dẫn của phương tiện công cộng thông qua tối ưu hóa tuyến đường, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, áp dụng chính sách giá vé hợp lý. Di chuyển bằng xe đạp cũng cần được khuyến khích bằng các dịch vụ chia sẻ xe đạp, dành làn đường riêng cho loại phương tiện này cùng các sáng kiến thúc đẩy người dân đạp xe.
"Nếu không có những chính sách đó, quyết định cấm xe máy có thể không đạt được mục đích của mình, trong khi tạo thêm gánh nặng về kinh tế và xã hội, đặc biệt là với những người lao động nghèo", Guo và Wang kết luận.
Thanh Tâm (Theo Hindawi)