Nữ điều dưỡng 40 tuổi tại Khoa Khám bệnh, một trong 32 người nghỉ việc, cho biết lời hứa này được đại diện Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, đưa ra ngày 22/6 trong cuộc họp giải quyết tình trạng y bác sĩ không được trả lương, phụ cấp nhiều tháng, không được cấp trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.
"Đây là lý do khiến chúng tôi đi làm trở lại từ hôm qua", nữ điều dưỡng nói.
Theo người này, lãnh đạo bệnh viện cho biết trước mắt sẽ thanh toán tiền lương tháng 3 và 4. "Như vậy, lương tháng 5 và 6 thì chúng tôi chưa biết đến bao giờ được nhận. Tuy nhiên trước mắt chúng tôi đi làm lại vì lời hứa, và tránh ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện", nữ điều dưỡng nói thêm.
Hiện, ban lãnh đạo bệnh viện tập trung giải quyết sự việc, từ chối trả lời các vấn đề liên quan.
Theo các bác sĩ, từ năm 2019 đến nay, người lao động đã nhiều lần kiến nghị với bệnh viện về tình trạng nợ lương dài ngày. Ban lãnh đạo xử lý bằng cách "vay chỗ nọ, đập chỗ kia", vấn đề không được giải quyết dứt điểm.
Ngày 19/6, 32 y bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc với lý do không nhận được lương và phụ cấp nhiều tháng nay. Đến sáng 22/6 chỉ còn khoa khám bệnh và khoa thận hoạt động. Ngày 23/6, Khoa thận nhân tạo cũng dừng hoạt động do máy móc đã cũ, không đảm bảo an toàn. Sau khi số y bác sĩ này đi làm lại, các khoa cũng tái hoạt động, trừ khoa thận.
Các bác sĩ mong muốn lần này bệnh viện sẽ có phương án giải quyết dứt điểm để mọi người an tâm làm việc, điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện Giao thông Vận tải hoạt động theo quy mô tự thu tự chi, một ngày trung bình khoảng 100 bệnh nhân đến khám. Đợt dịch Covid-19, bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất 20 bệnh nhân mỗi ngày, hầu hết đều là dân nghèo có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, bệnh viện có nguồn thu khác, mũi nhọn là chạy thận nhân tạo và dịch vụ khám sức khỏe cho thuyền viên. Bệnh viện có 7 khoa, phòng.
Thúy Quỳnh