7h sáng 22/6, hơn chục bệnh nhân có lịch chạy thận ca đầu tiên tại Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng, bất ngờ nhận thông báo Khoa tạm dừng hoạt động chạy thận. Các bệnh nhân đều trong tình trạng mệt mỏi, sức khỏe suy yếu do hai ngày nghỉ cuối tuần không được lọc máu.
Ông Bùi Hữu Hoàng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết lý do tạm dừng chạy thận là "hệ thống máy móc y tế không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân".
Do tính cấp thiết của bệnh, bác sĩ phụ trách Khoa Thận nhân tạo yêu cầu lãnh đạo bệnh viện cam kết chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra, rồi mới điều trị bệnh nhân. Đến 10h30 cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu được lọc máu, chậm hơn 3 giờ so với lịch.
Sự việc trên diễn ra cùng lúc 32 y bác sĩ ở 5 trong 6 khoa rời bệnh viện. Họ đã nộp đơn nghỉ việc từ hôm 19/6 với lý do không nhận được lương và phụ cấp nhiều tháng nay. Đến sáng 22/6 chỉ còn khoa khám bệnh và khoa thận hoạt động.
Sở Y tế Hải Phòng ngay sau đó yêu cầu bệnh viện dừng chạy thận nhân tạo, chuyển hết bệnh nhân về hai cơ sở y tế khác. Tổng cộng 50 bệnh nhân lọc máu thường xuyên ở Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Đây là bệnh viện hạng 3 trực thuộc Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, có 6 khoa, phòng. Đa phần máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện được đầu tư từ nhiều năm trước. Riêng thiết bị phục vụ cho chạy thận được trang bị từ năm 2009, tổng cộng có 12 máy lọc.
Giám đốc Hoàng cho biết trước mắt bộ phận trang thiết bị của bệnh viện và kỹ thuật viên trong khoa đã kiểm tra, đưa các máy chạy thận nhân tạo sớm hoạt động trở lại. Bệnh viện cũng khẩn trương thực hiện các phương án duy tu, bảo dưỡng máy móc, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị cho người suy thận, thận không còn khả năng lọc chất độc trong cơ thể. Chạy thận thường được thực hiện ba lần mỗi tuần, tối thiểu bốn giờ mỗi lần. Chi phí tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, trung bình 700.000 đến một triệu đồng một lần.
Thúy Quỳnh