Chia sẻ với VnExpress, nữ điều dưỡng cho biết chị làm việc tại Khoa Khám bệnh 20 năm. Phụ cấp nghề (bằng 40% lương) bị cắt từ lâu, lương chị 4 triệu 700 nghìn đồng. Những đồng nghiệp mới vào lương chỉ khoảng 2-3 triệu.
Đồng lương ít ỏi không đủ nuôi hai con nhỏ ở nhà, sợ tăng gánh nặng cho chồng, chị cố gắng duy trì công việc. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện nợ lương nhân viên nhiều tháng. Nữ điều dưỡng không đủ tiền chi tiêu trong gia đình, không có tiền đóng học phí cho con. Xấu hổ, bất lực, mệt mỏi, chị quyết định nghỉ việc.
Chị là một trong 32 y bác sĩ tại Bệnh viện Giao thông Vận tải nộp đơn xin nghỉ việc, ngày 19/6.
Các bác sĩ cho biết tình trạng nợ lương tại bệnh viện diễn ra từ lâu. Từ năm 2019, bệnh viện chậm 2-3 tháng lương của nhân viên là chuyện bình thường, mọi người vẫn kiên nhẫn làm việc. Đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát, tình trạng nợ lương kéo dài gần nửa năm trời do thiếu nguồn thu.
Nữ điều dưỡng mặc dù được đào tạo bài bản chuyên ngành, mất tiền ăn học, nhưng khi xin nghỉ việc đã chia sẻ: "Tôi không thấy hối hận dù đã gắn bó 20 năm. Ở lại lấy gì mà sống".
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình một tháng, Bệnh viện Giao thông Vận tải tiếp nhận 2.000 bệnh nhân đến khám, ước tính mỗi ngày khoảng 70-80 bệnh nhân, chưa kể các nguồn khám sức khỏe lái xe, khám sức khỏe xin việc... Covid-19 xuất hiện, một ngày bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất 20 bệnh nhân, chỉ trường hợp cần cấp cứu gấp mới vào viện, hầu hết đều là dân nghèo có bảo hiểm.
"Với chế độ tự thu tự chi như hiện nay của bệnh viện cùng số lượng ít ỏi bệnh nhân đến khám một ngày là không thể đủ trả lương cho nhân viên, chưa nói đến phụ cấp", một bác sĩ 34 tuổi nhận định.
Bác sĩ này cũng trong nhóm 32 y bác sĩ nghỉ việc. Chị cho biết hàng ngày đi làm nhưng không có bệnh nhân đến khám, vì thế lúc làm lúc chơi, không còn động lực làm việc. "Chuyển việc khác, dù ít hay nhiều còn có đồng ra đồng vào, chứ cứ tiếp tục không biết phải chờ đời đến bao giờ", bác sĩ bộc bạch.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng hiện có hơn 100 y bác sĩ. Ngoài 32 người nghỉ việc, số còn lại chấp nhận ở lại, chịu cảnh không lương từ Tết đến nay. Một điều dưỡng ngoài 30 tuổi chia sẻ: "dù không có lương nhưng thời buổi dịch bệnh đâu đâu cũng khó khăn, mình phải thông cảm. Nguồn thu không có thì lãnh đạo bệnh viện cũng bất lực".
Thời gian rảnh, chị cùng chồng buôn bán thêm ở ngoài để nuôi con. Chị cho biết thêm: "32 y bác sĩ nghỉ việc không ảnh hưởng đến công việc của toàn bệnh viện, bởi viện hiện tại cũng không có mấy bệnh nhân".
Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Bùi Huy Hoàng giải thích, năm 2019 bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đầu năm 2020 ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số người vào khám chữa bệnh ít ỏi nên thu không đủ chi.
Bệnh viện Giao thông Vận tải còn có nguồn thu khác, mũi nhọn là chạy thận nhân tạo và dịch vụ khám sức khỏe cho thuyền viên. Các y bác sĩ mong muốn bệnh viện quản lý thu chi chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Ngày 23/6, 32 y bác sĩ nghỉ việc đã đi làm trở lại.
Thúy Quỳnh