Hồi tưởng lại vụ việc, Ngọc cũng như nhiều nhân viên có mặt ở quán khi đó, không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng, thống nhất về các yếu tố liên quan quy trình phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Đại diện chủ đầu tư quán karaoke nói "hệ thống PCCC đúng quy định ngay từ lúc thi công". Hồ sơ pháp lý về PCCC của quán cũng được cơ quan chức năng đánh giá "đạt yêu cầu", kể cả trong lần tái kiểm tra gần nhất - tháng 4/2022. Nhưng sau tất cả những đánh giá ấy, khi sự cố xảy ra, vẫn có tới 32 người thiệt mạng.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Theo thiết kế mặt bằng báo cháy đã được phê duyệt của karaoke An Phú, quán có hai lối thoát hiểm, đầy đủ đầu báo cháy, đèn chiếu sáng thoát hiểm, chuông báo cháy và đầu phun sprinkler (vòi phun nước tự động). Nhưng thời điểm xảy ra sự cố, hệ thống báo cháy và chữa cháy có hoạt động đúng như thiết kế được duyệt hay không vẫn còn là câu hỏi.
Ngọc có hơn một năm làm cho karaoke An Phú nói, chưa từng thấy quán xảy ra vụ cháy nào. Sự cố duy nhất là mất điện do cầu dao (CB) tổng tự động sập khi toàn bộ phòng hát đều hoạt động. Mỗi lần như vậy, khách túa ra khỏi phòng la lối. "Giá như hôm cháy, cầu dao tổng sập, khách ra khỏi phòng phản ứng thì có khi mọi người đã sống", cô nói.
Ngọc cố nhớ lại tối 6/9 nhưng không trả lời được câu hỏi "có hay không tiếng chuông báo cháy khi hỏa hoạn xảy". Tương tự, Phúc - nhân viên phục vụ và là nhân chứng có mặt lúc khói lửa bùng lên ở tầng 3 - cũng không thể xác định. Anh chỉ nhớ "lúc phát hiện khói đã cùng đồng nghiệp chạy đi báo cháy cho từng phòng".
Một cựu lãnh đạo cảnh sát PCCC có hơn 40 năm kinh nghiệm (không muốn nêu tên) cho biết, quán karaoke thuộc nhóm nhà phải có đầu báo cháy nhiệt và khói, theo tiêu chuẩn. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống báo cháy này giống như cầu chì. Khi khói lan đến mức độ nhất định, tác động lên cảm biến của đầu báo khói hoặc nhiệt độ vượt quá ngưỡng, hệ thống báo cháy được kích hoạt. Chuông báo cháy sẽ reo vang.
"Bộ não" của hệ thống này là tủ trung tâm báo cháy - nơi nhận tín hiệu từ các đầu dò cảm biến báo cháy. Theo vị chuyên gia trên, công trình chỉ cần trên 5-7 đầu báo là phải lắp đặt trung tâm kiểm soát. Đó có thể là chiếc tủ được đặt ở nơi có người ứng trực 24/24h như phòng bảo vệ. Trung tâm này sẽ tự phân biệt tình huống báo cháy giả và trong vòng 200 giây phải truyền tín hiệu đến các thiết bị âm thanh như còi báo động, đèn chớp nhằm cảnh báo người trong tòa nhà sơ tán. Nhìn vào trung tâm này, người điều khiển cũng sẽ biết đám cháy khởi phát từ đâu để xử lý.
"Tức là giả sử tầng hai khởi phát cháy với lượng khói, lượng nhiệt tỏa ra đủ lớn sẽ kích hoạt hệ thống báo cháy cho cả tòa nhà dù không có ai ở đó để phát hiện", cựu cảnh sát PCCC nói.
Theo thiết kế mặt bằng báo cháy do Cảnh sát PCCC Bình Dương cung cấp, quán karaoke An Phú có 173 đầu báo cháy tại tầng trệt, 2 và 3. Như vậy, về nguyên tắc quán này phải có tủ trung tâm báo cháy và phát cảnh báo nếu đầu dò cảm biến nhiệt và khói phát hiện bất thường tại tầng 2 - nơi khởi phát đám cháy. Tuy nhiên, lời kể của nhân chứng cho biết vụ cháy chỉ được phát hiện khi có người nhìn thấy khói từ tầng 3 và loan báo.
Mặt bằng hệ thống báo cháy tầng 2, 3 quán karaoke An Phú
Về hệ thống chữa cháy, quản lý quán An Phú - Phạm Quốc Khải, 33 tuổi, nói vì khói đen đặc anh không thấy nước xịt ra từ vòi sprinkler nhưng "có cảm giác áo bị ướt". Nhiều nhân viên khác cũng không xác định được. Một số chiến sĩ PCCC tham gia cứu nạn tại hiện trường cho biết, trần nhà có đầu phun chữa cháy, nhưng "khó khẳng định nó có hoạt động khi vụ cháy xảy ra hay không".
Giải thích thêm hệ thống chữa cháy này, vị cựu lãnh đạo cảnh sát PCCC nói, thông thường, hệ thống báo cháy tự động liên thông với chữa cháy. Khi nhiệt độ chạm ngưỡng kích hoạt của đầu sprinkler, ví dụ 68 đến 72 độ C, hệ thống sẽ tự động phun nước theo từng khu vực, cường độ tuỳ vào diện tích bảo vệ được thiết kế. Thời gian phun tối thiểu 60 phút.
Về hệ thống điện, thông tư 147/2020 của Bộ Công an yêu cầu thiết kế PCCC tiêu chuẩn của quán karaoke là hệ thống báo cháy tự động phải có chuông, đèn báo cháy; và được kết nối để tự động ngắt điện dàn âm thanh tại phòng hát khi sự cố cháy nổ xảy ra. Trong trường hợp chập điện, cầu dao (CB) tự động ngắt, nhưng vẫn phải có hệ thống điện riêng để duy trì hoạt động cho các dịch vụ an toàn như: chiếu sáng khẩn cấp, thoát hiểm; bơm chữa cháy; hệ thống sơ tán; hút khói...
Chuyên gia PCCC cho biết các công trình thường có CB tổng và CB từng khu vực. Khi xảy ra sự cố ở đâu thì CB khu vực đó sẽ tự ngắt điện trước, sau đó đến một mức độ tuỳ theo thiết kế, cầu dao tổng sẽ cúp. "Khi xảy ra sự cố, nếu hệ thống báo cháy hoạt động thì dàn âm thanh tại các phòng hát phải tự động ngắt, tức khách không thể hát tiếp nếu đã báo cháy", chuyên gia nhận định.
Trong thảm họa ở An Phú, thời điểm sập CB cũng là chi tiết mà các nhân chứng có lời kể không thống nhất. Trong khi Ngọc nói thấy quản lý sập CB tổng sau khi phát hiện hỏa hoạn thì người này lại phủ nhận và cho biết "mải chữa cháy nên không để ý". Khi đó cả hai đều đang ở tầng trệt của quán. Theo Giám đốc Công an Bình Dương Trịnh Ngọc Quyên, khi nhân viên báo cháy "một số khách không tỉnh táo do uống rượu bia nên đã đóng cửa phòng tiếp tục hát". Điều này đặt ra nghi vấn, điện của dàn âm thanh vẫn có trong phòng karaoke khi lửa đã lan lên tầng 3.
Qua dữ liệu camera và bằng chứng thu thập được, cảnh sát nhận định đám cháy khởi phát do chập điện tại la phông ở tầng 2. Thời điểm đó, tầng này không có người. Khi khói bốc lên tầng ba, nhân viên cố gắng dùng bình chữa cháy mini dập lửa, song bất thành.
Đến nay, một tuần sau thảm họa, chưa có thêm kết luận nào khác được đưa ra.
Kẻ giết người thầm lặng
Ngoài những câu hỏi về thiết kế PCCC khi sự cố đã xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng, khí độc được sinh ra khi nguyên vật liệu xây dựng, trang trí của quán bị cháy - là yếu tố khiến cái chết của nạn nhân đến nhanh hơn nhưng lại khó phát hiện.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP HCM, cho rằng quán karaoke là địa hình cháy nguy hiểm nhất, dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng do nguyên vật liệu dễ cháy sinh khói, khí độc; nguy cơ chập điện và cháy lan từ hệ thống âm thanh, ánh sáng chạy ngầm trong tường; và khách hàng say xỉn nên phản ứng chậm trong tình huống khẩn cấp.
Trong số này, yếu tố khiến nạn nhân tử vong nhanh nhất là khói. Quán karaoke được lắp đặt bằng các vật liệu cháy không hoàn toàn như mica, mút xốp cách âm, vật liệu trang trí nội thất (rèm, sofa...). Do đó, khi cháy âm ỉ trong thời gian dài sẽ tạo ra nhiều khí độc CO (carbon monoxit), tụ nhiệt rất cao. Đại tá Tâm dẫn chứng vụ cháy ITC khiến 60 người chết ở TP HCM năm 2002 xuất phát từ hàn xì cũng gây cháy mút xốp cách âm của vũ trường nằm trong tòa nhà.
Đến nay, Việt Nam chưa công bố nghiên cứu nào về nguyên nhân tử vong do hỏa hoạn. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu quốc tế, khói và khí độc là kẻ giết người nguy hiểm nhất trong hỏa hoạn, trước khi nạn nhân chết vì cháy. Theo số liệu 11 năm qua của Hệ thống ghi nhận sự cố Bộ Nội vụ Anh, trong các vụ hỏa hoạn, nạn nhân chết do ngạt khí gas, khói luôn chiếm tỷ lệ cao nhất - khoảng 30-40%.
Phân tích thêm, TS Trần Thị Ngọc Lan, Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM nói, để cách âm, các phòng karaoke thường sử dụng vật liệu nhựa polymer xốp mạch carbon dài. "Chỉ cần một đầu thuốc dí vào cũng sẽ bắt lửa nhanh", bà Lan nêu, thêm rằng khi cháy sẽ ngốn lượng lớn oxy, thải ra khí độc CO.
Dẫn chứng vụ cháy được cho là xuất phát từ tầng hai quán An Phú, âm ỉ rồi lan lên tầng ba, chuyên gia cho rằng không loại trừ trường hợp khí độc CO đã len qua đường ống, khe cửa đến các phòng. Đặc thù của khí CO là không mùi, không màu nên nạn nhân không hề biết đã hít phải. Khi khí CO đi vào cơ thể sẽ kết hợp với Hemoglobin làm ảnh hưởng việc vận chuyển oxy, khiến oxy không đến được mô tế bào.
"CO như một kẻ giết người thầm lặng. Người ngộ độc sẽ lịm đi nhanh, mất ý thức và tử vong", TS Lan nói. Với những phòng karaoke được thiết kế kín, dùng máy lạn, không quạt, khi cháy sẽ cạn nguồn oxy trong "chừng vài ba phút". Khi oxy bên trong phòng bị đám cháy "ngốn", oxy bên ngoài cũng không thể đi vào phòng do bị ngăn cản bởi nhiệt độ cao từ các tường lửa.
TS Lan cho rằng dù còn oxy, lửa chưa bùng lên nhưng nếu nạn nhân không sớm thoát ra khỏi khu vực bị bao quanh khí CO thì vẫn tử vong vì nhiễm độc.
Các triệu chứng khi hít phải nồng độ CO
Nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong các vụ cháy dù lửa chưa bén tới người là hít phải hơi nóng làm bỏng hệ hô hấp. Cách duy nhất khi đó là cố gắng chạy tới nơi thoáng khí để chờ cứu hộ.
Thế nhưng, "điểm cốt tử" của các quán karaoke lại là hệ thống thông gió, thoát khí, theo thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hơn 30 năm kinh nghiệm PCCC, ông phân tích, để cách âm tốt nhất, các cơ sở kinh doanh karaoke đều có xu hướng xây dựng rất kín lỗ thông gió bằng vật liệu cách âm dễ cháy. Thiết kế các phòng hát thường dày đặc, hành lang nhỏ hẹp, tận dụng tối đa diện tích đất, không ban công, cửa sổ... nên thông khí càng khó khăn. Tại quán karaoke An Phú cũng ghi nhận nhiều cửa sổ bị bít kín bằng tường gạch.
Hệ quả là nạn nhân khó tìm lối thoát nạn, thông khí khó khăn khiến cái chết đến nhanh hơn. Thậm chí còn gây nguy hiểm cho lính cứu hoả lúc chữa cháy vì nguy cơ gặp hiện tượng lửa cháy ngược (backdraft) khi phá cửa, đục tường..., khiến ngọn lửa bùng lên mạnh hơn, thậm chí có thể đánh bật móng của một tòa nhà.
32 người bỏ mạng, lỗi tại ai?
Một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 110 người chết do cháy, nổ. Thế nhưng, riêng vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương đã cướp đi 32 mạng người, bằng gần 1/4 trung bình năm của cả nước. Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến nay câu hỏi về trách nhiệm của cá nhân và tổ chức liên quan chưa được công bố.
Đại diện Công an Bình Dương cho biết quán karaoke An Phú đã được Cảnh sát PCCC duyệt thiết kế, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy theo quy định. Trong 6 năm hoạt động tại TP Thuận An, quán được kiểm tra PCCC ba lần vào các năm 2019, 2021 và tháng 4/2022, chưa lần nào phát hiện sai phạm.
Từ góc độ chuyên môn, thượng tá Đỗ Anh Quyến cho rằng với hệ thống PCCC, trách nhiệm và ý thức của chủ cơ sở là lớn nhất trong kiểm tra, bảo dưỡng, đảm bảo hệ thống vận hành. Theo ông, quy định cho phép mỗi năm lực lượng cảnh sát PCCC được kiểm tra mỗi cơ sở một lần, trừ trường hợp đặc biệt, nên rất khó bao quát hết sai phạm của các quán karaoke.
Có quan điểm khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Quốc hội Tạ Văn Hạ nói trách nhiệm trước hết trong "thảm hoạ" này phải thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như cơ quan cấp phép cho cơ sở kinh doanh này.
Ông Hạ phân tích quy định đã có nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả rất nghiêm trọng, vụ việc sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước, vậy thì câu hỏi cần đặt ra là quy trình cấp phép đã thực sự đảm bảo quy trình thủ tục hay chưa. "Đây là vấn đề sinh mạng con người, tài sản của người dân. Rõ ràng ta phải xem xét lại quy trình cấp phép", ông nói.
Qua nghiên cứu vừa công bố tháng 6 của thượng tá, TS Nguyễn Đức Việt, Trưởng khoa Phòng cháy, Đại học PCCC chỉ rõ, tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, đặc biệt vật liệu trang trí nội thất thường được dùng trong quán karaoke như nhựa giả đá, vật liệu trang trí ốp tường... Nó được xác định trên 4 đặc tính: tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng sinh khói và độc tính của sản phẩm cháy.
Do đó, để đảm bảo an toàn, các vật liệu nội thất cần được đánh giá tính nguy hiểm phù hợp với công năng sử dụng. Cụ thể như trên đường thoát nạn phải sử dụng vật liệu không cháy hoặc có tính nguy hiểm cháy thấp, tránh ngạt khí hay ngộ độc.
Nêu thực tế nhiều cơ sở karaoke, vũ trường dùng vật liệu cách âm chưa được kiểm định tính nguy hiểm cháy, TS Việt đề xuất cán bộ kiểm tra an toàn, cán bộ thẩm duyệt thiết kế về PCCC và kiểm tra kết quả nghiệm thu cần nắm được sự nguy hiểm cháy nổ và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC liên quan vật liệu trang trí nội thất.
Đồng quan điểm, TS Vũ Việt Dũng, Viện trưởng viện Phát triển và ứng dụng vật liệu âm thanh, cho rằng 32 cái chết trong vụ cháy ở Bình Dương lẽ ra "không đáng có". Ông nhận định trong thời gian ngắn mà lửa lan rất nhanh chứng tỏ nhiều vật liệu dễ cháy. Sau 12 giờ, hiện trường vẫn cuồn cuộn khói, cho thấy các vật liệu sinh nhiều khói. Từ thực tế này, bài học rút ra là quán karaoke cần được liệt vào nhóm nguy cơ cao và bắt buộc sử dụng vật liệu đặc tính chống cháy lan ở mức cao nhất.
"Ví dụ, nếu xảy ra chập điện mà quán được xây dựng theo tiêu chuẩn vật liệu chống cháy, kháng cháy sẽ hạn chế cháy lan sang các khu vực xung quanh, hoặc làm giảm tốc độ đám cháy cùng thời gian sinh khói, giúp nạn nhân có nhiều thời gian thoát thân hơn", ông dẫn chứng.
TS Dũng cũng đề xuất các quán karaoke nên nghiên cứu sử dụng nhiều sản phẩm từ sợi tự nhiên vì sẽ phát thải ra ít khí độc như CO, CO2 hơn so với loại sợi tổng hợp. Hiện, các cơ sở kinh doanh loại hình này đều được ưu tiên trang trí bằng các loại vật liệu tổng hợp như ghế da - loại sản sinh nhiều khí độc.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến cũng nêu thực tế các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường tham rẻ, sử dụng các thiết bị trôi nổi trong xây dựng, nhất là hệ thống điện nên nhanh xuống cấp, chất lượng kém, dẫn đến thường xảy ra tình trạng chập cháy. Do đó, các tiêu chuẩn về xây dựng tại quán karaoke nên được tăng cao hơn. Ví dụ như hành lang thoát hiểm phải rộng hơn, có thêm hệ thống thông khí, chữa cháy tự động...
"Quan trọng là ý thức của mỗi cơ sở, chứ cơ quan quản lý không thể nào giám sát nổi", ông nói. "Mỗi người dân cũng phải tự có ý thức phòng vệ để thoát thân nhanh nhất khi có cháy. Tôi hy vọng sự ra đi của 32 nạn nhân sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả mọi người ".
Thu Hằng - Đình Văn - Lê Tuyết - Khánh Hoàng