Theo quy định, mỗi ngày, nhân viên như Phúc sẽ tuần tự phân bổ khách vào 10 phòng hát từ tầng 3. Tiếp
đến là 13 phòng ở tầng hai, cuối cùng mới đến 7 phòng tầng trệt (tầng 1).
Những vị khách đầu tiên của Phúc trong chiều hôm đó gồm bốn người vào quán lúc hơn 18h. Những nhóm
tiếp theo - ít nhất 4 người, nhiều nhất là 7 - dần lấp đầy 50% lượng phòng ở tầng 3.
“Khi đến quán, khách hầu hết đã ngà say”, Phúc đánh giá, cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ dẫn khách, anh
còn bận rộn với việc nhận order đồ uống, món ăn và dọn phòng. “Phục vụ trong phòng chỉ có nhân viên
nữ. Số lượng nữ ở mỗi phòng tương đương số khách”, Phúc nói.
Theo Phúc, tối đó, các phòng đều hát hò say sưa, có nơi “kêu đến thùng bia thứ hai”. Mọi việc diễn ra
bình thường cho đến khi anh nghe tiếng hô hoán. “Có khói. Cháy trong phòng rồi” - hai vị khách lao
ra khỏi phòng 303, chạy thẳng xuống dưới lầu khi tiếng hô chưa kịp dứt.
Phúc chỉ nghĩ là điện chập. Anh định chạy lại đổi phòng cho khách. Nhưng khói đã bắt đầu tràn ra khe
cửa phòng. Phúc cùng một nam nhân viên khác chạy đến đẩy cửa kiểm tra thì “bị khói xộc vào mặt” dù
chưa thấy lửa. Phía hai cầu thang bộ, khói đen cũng bốc lên nghi ngút.
Phúc lấy bộ đàm thét lớn: “Alo, bộ đàm có ai nghe không? Trên đây có cháy”, nhưng không được hồi đáp. Xung quanh chỉ có tiếng la hét và những âm thanh hỗn loạn.
Tại tầng một, Ngọc, nhân viên thu ngân thấy một nam thanh niên dáng cao gầy, áo vắt trên vai, lao
xuống từ thang bộ, kêu lớn: “Cháy. Cháy. Khói quá rồi”.
Hốt hoảng, Ngọc ôm vội bình chữa cháy ngay dưới chân bàn dúi vào tay một phục vụ phòng. Cô tiếp tục
chạy lại góc sảnh lấy thêm bình cứu hỏa mang lên nhưng chỉ đến được cầu thang tầng hai thì phải quay
xuống. Khói đã bao phủ.
Một số người từ tầng trên kịp túa xuống, tháo chạy khỏi quán. Vài bảo vệ, người giữ xe cố gắng chạy
ngược vào để lên các tầng trên ứng cứu nhưng vô vọng. Ngọc nghe tiếng quản lý thúc giục gọi 114.
Tầng hai lúc này đã chìm trong biển lửa, ngăn cách tầng trệt với tầng ba. Phúc cùng đồng nghiệp gõ cửa
kính các phòng có khách, hô lớn để báo cháy nhưng nhiều người vẫn tiếp tục hát. “Mọi lần mất điện,
nhân viên trong phòng thường nói khách ‘một lát sẽ có lại’. Có thể lần này họ cũng nói vậy nên khách
không ra ngoài”, Phúc tự lý giải.
Điện ngắt sau đó. Hành lang tối đen, mù mịt khói. Phúc định chạy xuống cầu thang bộ chỉ cách anh
chừng 10 m để thoát xuống nhưng anh bị ngợp thở.
Phúc lao vào toilet phòng SUP 1 (VIP) cạnh đó, đóng kín cửa để ngăn khói. Anh rửa mặt cho tỉnh, định
chạy ra ngoài nhưng thấy lửa đỏ rực qua lớp cửa kính. Phúc liều mình đứng lên bồn cầu, chui qua cửa
thông gió mở 45 độ, nhảy xuống. Từ độ cao chục mét, Phúc rơi xuống mái tôn nhà bên cạnh, gãy chân
phải.
Anh Phúc bị gãy chân, nằm chờ phẫu thuật tại Bệnh viện An Phú, trưa 7/9.
Ảnh: Đình Văn
Cùng lúc đó, trên phòng nghỉ nhân viên ở tầng thượng, tiếp viên Trương Kim Nhi cùng đồng nghiệp cũng
nghe “lao xao tiếng hô hoán cháy từ bên dưới”. Cô gái 27 tuổi đã định thoát thân bằng thang bộ,
nhưng khói lửa từ tầng ba đã bùng lên.
Trong không gian đen đặc, Nhi và nhiều người khác buộc phải chạy ngược ra sân thượng. Họ bảo nhau
“nhảy hoặc chết”. Ba người quyết định trèo nhanh qua thanh lan can, nhảy xuống mái tôn nhà hàng xóm.
Nhìn độ cao hai tầng lầu, Nhi sợ hãi, định quay lại nhưng sàn dưới chân cô đang nóng dần lên.
Cú nhảy khiến người mẹ đơn thân choáng váng. Cô cố gắng dùng sức lực còn lại cùng sự hỗ trợ của người
dân leo xuống khỏi mái tôn. Nhi gãy hai xương mắt cá chân, nhưng giữ được tính mạng. Từ xa, cô nghe
tiếng còi báo cháy hú vang. Nhìn lên những cơn sóng lửa bừng bừng từ cửa sổ tầng 3, Nhi tự hỏi không
biết bao nhiêu bạn bè mình thoát được.