Kính chào bác sĩ Trần Nguyên Hà,
Tôi bị ung thư buồng trứng đã mổ ở Bệnh viện Hùng Vương được gần 3 tháng, đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bộ phận sinh dục và đang trong quá trình điều trị hóa chất được 3 đợt rồi. Sau khi mổ, bác sĩ có ghi trong bệnh án là giai đoạn 3B, cấp độ 1 và phải hóa trị tổng cộng là 6 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tuần. Trong thời gian hóa trị tôi không bị ói và tiêu chảy, vẫn ăn uống được nhưng vào ngày thứ 3-4 của đợt hóa trị thì tay chân đau và rất mệt mỏi, chỉ vài ngày sau là trở lại bình thường. Tuy nhiên thật sự tôi cũng không được khỏe lắm. Trong thời gian này tôi chỉ ăn cơm bình thường, uống thêm nước linh chi và có ăn thêm tổ yến chưng. Kính mong bác sĩ tư vấn cho tôi về chế độ ăn uống trong thời gian hóa trị và để phòng ngừa ung thư di căn. Xin chân thành cảm ơn.
Huỳnh Thị Tuyết, 48 tuổi
Chào chị, chào độc giả VnExpress,
Chế độ ăn rất quan trọng trong suốt thời gian hóa trị ung thư vì giúp đối phó với các tác dụng phụ của thuốc cũng như chống lại tình trạng nhiễm trùng và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Nên chọn chế độ ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tốt nhất là chọn thực phẩm từ các nhóm sau:
- Trái cây và rau quả.
- Thịt gia cầm, cá, ngũ cốc.
- Bánh mì và những sản phẩm từ sữa.
Dinh dưỡng tốt còn có nghĩa là cung cấp đủ lượng calo hằng ngày cho cơ thể, quan trọng nhất là đủ lượng protein để tái cấu trúc và sửa chữa da, lông, tóc, cơ và các cơ quan bị tổn hại do hóa trị. Ngoài ra, người bệnh còn phải uống đủ lượng nước và các chất lỏng khác để bảo vệ thận và bàng quang trong thời gian hóa trị. Tuy nhiên, các dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, viêm họng - miệng, đau miệng đã làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn. Mặt khác, khi cơ thể suy nhược, mệt mỏi cũng sẽ làm cảm giác ăn không ngon miệng. Chị cố gắng thực hiện theo các cách sau đây:
- Ăn từng bữa nhỏ và bất cứ khi nào mà bạn muốn. Không nhất thiết phải theo bữa như thường lệ.
- Uống nước lọc, tốt nhất là nước đun sôi để nguội hoặc các nước giải khát khác ít nhất một giờ trước và sau khi ăn, thay vì uống trong khi ăn.
- Nên ăn và uống chậm và nhai kỹ.
- Tránh ăn nhiều thực phẩm ngọt, chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Ngồi nghỉ trên ghế sau khi ăn, đừng nằm liền sau khi ăn.
- Thay đổi các thức ăn cũng như công thức chế biến mới.
- Nếu có thể, nên đi bộ trước khi ăn, điều này tạo nên cảm giác đói.
- Hãy thử thay đổi thời gian và không gian lúc ăn như ăn ở những vị trí không gian khác với thường ngày…
- Ăn với bạn bè, hoặc các thành viên trong gia đình. Khi ăn một mình, có thể nghe nhạc, nghe radio, xem truyền hình…
Chị hãy hỏi thêm bác sĩ, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để có lời khuyên cụ thể hơn giúp ăn uống tốt đủ lượng chất cần thiết như đã trình bày ở trên, nhằm khôi phục lại những tổn thất do hóa trị gây ra. Chúc chị mau hồi phục sức khỏe.
Xin bác sĩ tư vấn về ăn uống, sinh hoạt sao cho lượng bạch cầu trong máu không bị giảm nhiều trong quá trình điều trị. Cám ơn bác sĩ.
Ngo Hai, 55 tuổi, Bình Dương
Hóa trị có thể làm suy giảm sức đề kháng của bạn, tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh. Điều này xảy ra do hầu hết các thuốc trị ung thư gây bất sản tủy xương, làm giảm khả năng tạo bạch cầu. Bạch cầu là những tế bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn bảo vệ cơ thể.
Bác sĩ kiểm tra công thức máu thường quy trong thời gian bạn đang được hóa trị và có thể sử dụng các thuốc kích thích gia tăng số lượng bạch cầu để nâng bạch cầu lên mức bình thường. Nếu vẫn không cải thiện được sự giảm bạch cầu, bác sĩ có thể hoãn lại việc hóa trị hoặc giảm liều ở các chu kỳ sau đó. Khi số lượng bạch cầu thấp hơn bình thường, những bước có thể làm sau đây nhằm đề phòng sự nhiễm trùng :
- Rửa tay sạch sẻ thường xuyên trong ngày, nhất là trước khi ăn, trước và sau khi ngủ.
- Rửa nhẹ nhàng và kỹ lưỡng vùng hậu môn sau mỗi lần đại tiện. Yêu cầu bác sĩ và y tá cho những lời khuyên nếu vùng trực tràng hậu môn bị viêm tấy, hoặc chảy máu. Ngoài ra, cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng những viên thuốc đặt trực tràng.
- Nên tránh xa những người có bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm, cúm, sởi, thuỷ đậu. Ngoài ra nên tránh những nơi đông người.
- Tránh xa trẻ con đang trong đợt chủng ngừa.
- Đừng quẹt tay lên mắt.
- Cẩn thận khi sử dụng dao, dao lam hoặc kim.
- Sử dụng máy cạo râu thay vì dao lam.
- Sử dụng bàn chải đánh răng loại mềm.
- Đừng làm trầy xướt những mụn nhọt.
- Tắm bằng nước ấm mỗi ngày và lau khô bằng khăn mềm, không chà xát.
- Sử dụng những chất bôi da để làm mềm và làm lành các vết thương nhỏ trên da nếu da bị khô và trầy xướt.
- Rửa sạch vết cắt hoặc vết trầy ngay với nước ấm, xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
- Mang găng bảo vệ khi làm vườn hoac tắm gội gia súc, vật nuôi. Đặc biệt là khi tắm gội cho trẻ con.
- Đừng sử dụng bất cứ những thuốc chủng ngừa nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ để được khuyên có được phép dùng hay không.
Hầu hết các nhiễm trùng là do những vi khuẩn thường được tìm thấy trên da, đường ruột hoặc đường niệu dục ở ngay chính cơ thể bạn. Trong vài trường hợp, nguyên nhân của sự nhiễm trùng có thể không được biết. Khi số lượng bạch cầu giảm, cơ thể khó để chống lại các nhiễm trùng. Thậm chí ngay cả khi những trầy xướt nhẹ từ bên ngoài vẫn có thể bị nhiễm trùng. Cần cảnh giác với những dấu hiệu có thể dự báo một nhiễm trùng và cần kiểm tra kịp thời, chú ý đặc biệt đến mắt, mũi, miệng và vùng niệu dục, trực tràng, hậu môn. Những triệu chứng nhiễm trùng bao gồm :
- Sốt trên 100 độ F,37,8 độ C
- Ớn lạnh
- Tháo mồ hôi
- Cảm giác nóng khi đi tiểu
- Ho và viêm họng nặng
- Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc ngứa.
- Ửng đỏ và viêm tấy xung quanh một vết trầy xước, quanh họng…
Cần phải báo cho bác sĩ biết các dấu hiệu nhiễm trùng. Điều này rất quan trọng khi bị giảm bạch cầu. Khi bị sốt, bạn không nên tự uống các thuốc như aspirin, paracetamol, hoặc bất kỳ các loại thuốc nào khác để hạ sốt mà không có sự kiểm tra của bác sĩ trước đó. Bạn nên theo các lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, không nghe theo các lời mách bảo khác.
Thưa bác sĩ, cuối 4/2014 tôi đã được cắt bỏ khối u ác tính ở trực tràng và đã kết thúc hóa trị 6 tháng vào cuối tháng 11/2014. Hiện nay tôi vẫn còn bị tê đầu ngón tay và nửa 2 bàn chân trái trở lên tới ngón. Xin bác sĩ cho biết tôi phải làm gì để hết tê tay chân. Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Tran Ngoc, 61 tuổi
Các triệu chứng bạn mô tả có thể là do độc tính thần kinh kéo dài do hóa trị hoặc có thể là bệnh lý khác. Bạn nên tái khám để các bác sĩ đánh giá cụ thể hơn và xử trí thích hợp.
Xin bác sĩ Hà nói rõ hơn về mục đích của hóa trị, tư vấn cách hạn chế tác dụng phụ khi hóa trị ung thư. Cám ơn bác sĩ.
Hai Minh, Cao Lãnh, Đồng Tháp
Hóa trị là sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Thuốc được sử dụng được gọi là thuốc đặc trị ung thư. Bình thường, các tế bào, tức là những đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên cơ thể tăng trưởng và chết đi có kiểm soát. Nhưng khi ung thư xảy đến thì các tế bào trở nên bất thường, phân chia hay sinh sản không được kiểm soát, không tuân theo một trật tự nào cả, tạo nên các tổ chức bất thường, gây hại cho cơ thể.
Các thuốc đặc trị ung thư sẽ huỷ diệt các tế bào này bằng cách làm ngưng sự tăng trưởng hoặc phân chia tại một hoặc nhiều điểm trong chu kỳ sống của tế bào. Hóa trị có thể dùng đơn chất là một thuốc hoặc phối hợp nhiều thuốc. Các thuốc được sử dụng theo một thời gian biểu nhất định đã được bác sĩ tính toán trước gọi là phác đồ.
Tùy theo loại và giai đoạn bệnh, mục đích điều trị ung thư bằng hóa trị là để:
- Trị khỏi ung thư.
- Ngăn chặn bệnh lan rộng tức di căn.
- Ngăn chặn bệnh tiến triển.
- Làm giảm những triệu chứng ung thư gây ra.
Trong quá trình hóa trị, có thể bạn hoặc người nhà của bạn sẽ gặp một số tác dụng ngoại ý. Các tác dụng phụ có thể bao gồm rụng tóc, buồn nôn, mệt mỏi, các vấn đề về da, viêm miệng… và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nhưng hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị đều có thể kiểm soát được. Điều quan trọng bạn cần chú ý là biết cách tự chăm sóc cho bản thân khỏe mạnh hơn để vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng.
Ba tôi bị ung thư vòm họng đang trong quá trình hóa trị. Cứ sau mỗi lần hóa trị ba tôi lại không ăn uống gì được và phải truyền nước biển. Mong bác sĩ hướng dẫn tôi cách chăm sóc trong quá trình này chế độ ăn uống để khỏe hơn.
Dam thi Bích nga, 28 tuổi
Việc chăm sóc răng miệng cũng rất quan trọng trong thời gian hóa trị. Các thuốc trị ung thư thường gây ra các triệu chứng về miệng và vùng họng, làm cho các niêm mạc bị khô và viêm tấy, hoăc gây chảy máu. có thể gây đau, viêm miệng tao diều kiện chọ nhiễm trùng do có nhiều mầm bệnh “định cư” ở trong miệng. Nhiễm trùng thường khó đối phó trong thời gian hóa trị và có thể dẩn đến các vấn đề nghiêm trọng. Sau đây là một vài đề nghị để chăm sóc răng miệng nhằm phòng tránh nhiễm trùng :
- Nên chải răng sau mỗi bửa ăn. Sử dụng bàn chải mềm và chà thật nhẹ để tránh làm tổn thương lợi, yêu cầu nha sĩ cho lời khuyên về loại bàn chải hoặc loại kem có thể dùng nếu răng, lợi của bạn có tính nhạy cảm.
- Nên rửa bàn chải đánh răng thật kỹ sau mỗi lần sử dụng và để ở những nơi khô ráo.
- Tránh dùng các chất tẩy rửa, nước súc miệng hoặc kem đánh răng có nhứa số lượng lớn muối và alcohol. Hãy hỏi bác sĩ về những loại nước súc miệng nhẹ có thể dùng.
Nếu răng miệng bị viêm, phải báo với bác sĩ, vì bạn có thể cần được điều trị bằng thuốc. Nếu viêm kèm theo đau và gặp khó khăn trong ăn uống, Bạn có thể cần đến một vài lời khuyên khác sau đây:
- Hỏi bác sĩ những gì có thể dùng trực tiếp, chẳng hạn súc miệng bằng nước muối sinh lý. Có thể yêu cầu bác sĩ chỉ định vài loại thuốc giảm đau.
- Chọn các loại thức ăn mềm, để nuốt.
- Tránh các thực thẩm có tính kích thích, thực phẩm có tính acid như : cam tắc, chanh, ớt, các thức ăn chiên xào, nhiều dầu và muối, các thức ăn cứng như rau,…
Ngoài ra, nếu bị khô miệng làm cho bạn khó ăn, hãy làm theo vài lời khuyên sau :
- Có thể yêu cầu với bác sĩ về việc đắp nước bọt nhân tạo.
- Uống nhiều nước và các chất lỏng khác.
- Có thể ngậm nước đá, kẹo không đường, ngoài ra còn có thể nhai chewing gum không đường.
- Sử dụng các loại kem làm ẩm để tô lên môi nếu môi bị khô.
Thưa bác sĩ, sau khi hóa trị, cơ thể tôi bị nổi nhiều mẩn đỏ ở tay chân, sưng to như trứng cút ở tay và chân gây ngứa ngáy, khó chịu. Vài ngày sau mẩn đỏ xẹp để lại thẹo. Quy trình đó kéo dài hàng tháng. Bác sĩ ung bướu cho uống các loại thuốc dị ứng từ nhẹ đến nặng đều không cải thiện tình hình, rồi khuyên bệnh nhân chịu đựng một thời gian sẽ hết vì đó là tác dụng phụ của hóa trị. Kết quả xét nghiệm men gan vẫn nằm trong chỉ số cho phép. Bác sĩ cho tôi lời khuyên phải làm gì trong trường hợp này. Tôi bị ngứa dữ dội làm ảnh hưởng tới cuộc sống, mất ngủ, mệt mỏi. Xin cám ơn bác sĩ.
Nguyen An, 31 tuổi
Chào bạn, trường hợp của bạn cũng cần phải khám lại cụ thể mới rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng kể trên. Nếu đã hoàn tất hóa trị mà vẫn còn triệu chứng như vậy thì phải khám thêm chuyên khoa về da. Chúc bạn mau hết các triệu chứng khó chịu này.
Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Xin cám ơn và xin chào độc giả.
Sức Khỏe