Khi say tôi cảm thấy người khó chịu, mệt mỏi, nhiều lúc choáng váng, đau đầu. Xin phó giáo sư tư vấn và cho tôi lời khuyên.
congdinh, 57 tuổi, HS-LG-BG
Chào bạn, chào độc giả VnExpress.net,
Trước tiên, tôi xin làm rõ cơ chế tác động của rượu đối với cơ thể con người chúng ta như sau:
Khi uống vào, rượu được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Khoảng 30 phút, rượu đạt nồng độ tối đa trong máu. Sau khi hấp thu, sẽ được phân phối nhanh vào các tổ chức và dịch của cơ thể. Trên 90% rượu được ôxy hóa ở gan, phần còn lại được thải trừ nguyên vẹn qua phổi và thận.
Rượu là có khả năng làm cho cơ thể mất nước do nó ức chế sự hình thành vasopressin - một hormone chống bài niệu giúp cơ thể ngăn chặn việc đi tiểu nhiều lần. Đó là nguyên vì sao khi uống bia rượu, chúng ta thường có xu hướng đi tiểu nhiều hơn so với bình thường.
Nói cách khác, khi đó nước tiểu sẽ được sản xuất nhiều hơn và hệ quả tất nhiên là cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Điều này dẫn đến các phản ứng của cơ thể như đau đầu, khô miệng và đưa con người vào trạng thái mệt mỏi, choáng váng, hôn mê, ngủ lịm sau khi say xỉn.
Sau khi đi vào cơ thể, rượu sẽ được một enzyme tên là Dehydrogenase chuyển hóa thành acetaldehyde. Đây là một chất gây ung thư ở người và đã được chứng minh là có khả năng gây tổn hại đến ADN. Khi nó liên kết với các protein, tổ hợp tạo thành khiến cơ bắp phát triển bất thường và tạo nên nhiều tác dụng xấu đối với cơ thể. Hậu quả có thể đưa đến có xu hướng mắc bệnh Alzheimer, các vấn đề về nội tạng, ung thư gan hoặc ung thư đường tiêu hóa trên.
Rượu có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Tác dụng trên thần kinh trung ương phụ thuộc vào nồng độ rượu trong máu. Ở nồng độ thấp rượu có tác dụng an thần, làm giảm lo âu. Với nồng độ cao hơn có thể gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động và có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng khi nồng độ rượu trong máu quá cao.
Để giảm tác hại của rượu, tốt nhất nên hạn chế uống. Trong trường hợp không "né" được, trước khi uống cần lưu ý:
- Không uống rượu trong lúc bụng đói.
- Uống một ly sữa.
- Ăn một chút trái cây.
- Uống một muỗng canh dầu ô liu
Trước khi uống rượu, nên uống 2 viên 50 mg vitamin B6, kèm theo một viên vitamin B1 để làm bớt say hơn một nửa. Lưu ý vitamin B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt.
Khi đang uống rượu:
- Hãy uống thật chậm.
- Uống nước thật nhiều.
- Không nên uống các loại rượu pha với nước có gas như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có gas khác.
- Không nên uống rượu chung với nước ngọt.
Tôi thỉnh thoảng uống rượu với bạn bè đồng nghiệp, vì quá vui nên quá chén. Sau khi quá chén tôi bị say, đầu óc lâng lâng. Vậy nhờ chuyên gia tư vấn cách phòng và giải say rượu. Cảm ơn.
mạnh quang, 42 tuổi
Để giải rượu, bạn có thể tham khảo những cách sau:
- Lấy một nắm rau cần, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.
- Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống.
- Trà búp 5 g, 16 g quất khô thái vụn (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được). Hai thứ hãm với nước sôi uống.
- Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng giúp gan đào thải độc tố.
- Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.
- Ăn các sản phẩm từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.
- Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.
- Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng, ăn cả quả càng tốt.
- Dùng 30 g vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) có thể sao thơm, thêm mơ chua 2 quả, cho vào khoảng 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống. Cho thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.
Các biện pháp trên phần nào có tác dụng giải rượu, làm giảm bớt phần nào tác hại của rượu. Bạn có thể chọn biện pháp nào thuận lợi hoặc có sẵn trong gia đình. Điều quan trọng nhất là cần biết làm chủ bản thân để không uống quá nhiều.
Để phòng say rượu, bạn nên lưu ý: Không uống rượu trong lúc bụng đói. Trước đi "vào tiệc" hãy uống một ly sữa. Ăn một chút trái cây. Uống một muỗng canh dầu ô liu. Nên uống 2 viên 50 mg vitamin B6, kèm theo một viên vitamin B1 để làm bớt say hơn một nửa. Lưu ý: vitamin B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt.
Khi đang uống rượu: Hãy uống thật chậm. Uống nước thật nhiều. Không nên uống các loại rượu pha với nước có gas như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có gas khác.
Xin hỏi uống bia rượu như thế nào là tốt nhất?
Hoàng Đình Lộc, 35 tuổi, 67/50 đường 38 - Thủ Đức - TPHCM
- Hãy luôn tôn trọng những tín hiệu của cơ thể, nếu cảm thấy đã đủ, cần ngừng uống ngay.
- Nên ăn một chút thực phẩm giúp cồn không bị hấp thụ nhanh, đồng thời làm giảm acetaldehyde.
- Ăn thực phẩm rán, chiên giúp bề mặt dạ dày và ruột được tráng một lớp dầu, nhằm giảm lượng cồn hấp thu vào máu qua niêm mạc.
- Ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt: Chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa cồn trong rượu, giảm lượng cồn hấp thu vào máu, bảo vệ niêm mạc dạ dày trước tác động kích thích, xung huyết, loét… của lượng cồn có trong rượu.
- Không uống rượu với nước ngọt: Rượu có độ cồn khi gặp gas của nước ngọt, khi rượu và khí gas gặp nhau trong cơ thể thì sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp toàn thân, đồng thời sản sinh ra đại lượng CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột.
- Uống rượu từ từ: Một lượng cồn lớn bất ngờ "đổ bộ" vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới choáng và nhanh say hơn.
- Nên uống nhiều nước: Nước giúp phá vỡ cấu trúc cồn mà tạo ra axit lactic và các loại hóa chất khác gây cản trở sản xuất đường và chất điện phân (electrolyte) trong cơ thể. Sau khi uống rượu cũng nên tránh các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà). Chúng có thể làm bạn tiêu chảy và ngạt mũi, tăng hiệu ứng say xỉn khi kết hợp với cồn.
- Làm ấm rượu trước khi uống: Đối với các loại rượu, trước khi uống, bạn hãy làm ấm chúng bằng cách ngâm vào nước nóng.
- Không uống nhiều loại rượu, bia cùng lúc.
- Chú ý khi dùng rượu thuốc: Một số loại thực vật và thảo dược trong thành phần của rượu thuốc sẽ kết hợp với thức ăn có nguồn gốc động vật và sản sinh ra các phản ứng hóa học có hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa, đôi khi có thể gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu và ói mửa.
- Trong lúc uống cố gắng nói nhiều và cười vừa tạo không khí vui vẻ, vừa bay bớt hơi rượu.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
- Mở cửa cho thông thoáng: Giúp ôxy hóa cơ thể đồng thời giúp các cơ quan trong cơ thể và tâm hồn hoạt động tốt hơn khi nhậu, từ đó cũng giảm khả năng say xỉn.
- Nghỉ ngơi tốt: Rượu ngấm càng nhanh càng mạnh hơn nếu bạn kiệt sức. Mệt mỏi sẽ dẫn đến lượng cồn trong máu cao hơn bình thường và chức năng gan suy giảm. Hơn nữa, rượu còn gây ra trầm cảm khi sử dụng lúc mệt mỏi.
Bạn tôi mách một loại viên sủi uống giải rượu. Tôi có nên dùng không?
Trân Hoàng, 40 tuổi, 43 Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, TP HCM
Nếu viên sủi có chứa các thành phần vitamin B1, vitamin B6, vitamin C... thì có thể sử dụng được.
Khi tôi say, thường được vợ pha nước chanh đường cho uống. Xin hỏi đó có phải là cách giải rượu tốt không? Có ảnh hưởng gì không?
Trần Tiên, 40 tuổi, Vinh Cuu, Dong Nai
Uống nước chanh là một cách giúp bạn thoát khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu rất nhanh. Nước chanh cung cấp năng lượng và cũng làm giảm tình trạng mất nước do chất cồn.
Nước ép cam quýt rất giàu vitamin C, giúp giải rượu nhanh. Nước cam cũng ngăn tình trạng mất nước và tăng cường hệ miễn dịch.
Tuy nhiên bạn hãy cẩn thận với những người có bệnh lý dạ dày, tá tràng (viêm loét dạ dày, tá tràng). Bạn hãy tham khảo các cách tôi đã tư vấn ở câu hỏi trên để chọn một biện pháp phù hợp với từng người.
Tôi hay uống rượu và mật mọi, chân tay run, nước tiểu đỏ.
Bùi Hữu Nhở, 60 tuổi, 251 đường Mặc Đỉnh Chi P4 Tp Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng
Tôi chưa rõ mật mọi anh uống là mật gì. Về thành phần một số loại mật có khác nhau, tác dụng do vậy cũng khác nhau nên cần phải biết là gì mới trả lời đúng dược. Tuy nhiên đã là rượu khi vào cơ thể sẽ có cùng cơ chế tác dụng:
Sau khi vào cơ thể, rượu được hấp thu ngay ở dạ dày, được chuyển đến gan và chuyển hóa thành hợp chất acetaldehyde. Chất này là một chất độc đối với cơ thể, và sẽ được chuyển thành acetone (ít độc hơn) và thải ra ngoài theo nước tiểu.
Tuy nhiên không phải cơ thể ai cũng có đủ khả năng chuyển toàn bộ acetaldehyde thành acetone. Vì vậy, acetaldehyde còn tồn tại trong cơ thể sẽ gây các triệu chứng cấp tính như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, đi tiểu nhiều và có thể gây ngộ độc hệ thần kinh gây ra mất kiểm soát, mất tri giác thậm chí hôn mê. Đồng thời chất acetaldehyde tích tụ nhiều và lâu năm ở những người nghiện rượu có thể gây biến đổi DNA, ung thư, xơ gan….
Khi dùng các loại mật động vật như mật gấu, mật chó mực, mật vịt… cần phải hiểu tác dụng của nó. Ví dụ chỉ riêng mật gấu cũng tác dụng khác nhau trên mỗi loại gấu, đơn cử mật gấu ngựa và mật gấu chó dưới đây:
Theo y học cổ truyền, mật gấu có tính lạnh, vị đắng, công dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ kích (chống co giật) và minh mục (làm sáng mắt). Nhưng mật gấu là thuốc để trị bệnh chứ không phải là thuốc bổ theo quan niệm Đông y. Mật gấu thường được dùng để chữa các chứng bệnh có liên quan đến gan, sốt cao, co giật, chấn thương, bầm dập, bong gân, gãy xương... Rượu mật gấu bôi ngoài da có tác dụng giảm đau, tan vết bầm rất tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng đường uống cần hết sức thận trọng vì có thể gây nhiều tai biến cho người sử dụng.
Các chuyên gia nghiên cứu về mật gấu cho biết, mật gấu ngựa có chứa nhiều axit ursodeoxycholic là một chất có tác dụng điều trị xơ gan. Trong khi đó, mật gấu chó chứa chủ yếu là chất axit chenodeoxycholic. Chất này ngược lại với axit ursodeoxycholic, có thể gây ra viêm gan và xơ gan nếu uống kéo dài.
Như vậy, việc uống mật gấu chó cho dù là loại đảm bảo chất lượng cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm gan và xơ gan, lợi bất cập hại. Ngoài ra, giống như các loại mật động vật khác, mật gấu cũng có chứa các loại độc tố và nhiều thành phần xa lạ với cơ thể con người, từ đó có thể gây các phản ứng dị ứng hoặc nhiễm độc cho người sử dụng.
Thưa bác sĩ, giải say đối với người uống bia và uống rượu có khác gì nhau? Cách tốt nhất để giải say sau khi uống bia và rượu là gì? Có thể ăn gì hoặc uống gì trước khi bắt đầu uống bia quá chén mà không bị say (dùng để đối phó với một số tiệc không thể tránh khỏi). Cám ơn bác sĩ rất nhiều.
Nguyễn Võ Minh Khoa, 23 tuổi, Phạm Hùng, Bình Chánh
Về bản chất bia và rượu không khác nhau, cùng đều được lên men từ đường (tinh bột hoặc trái cây) và có bản chất là ethanol. Thành phần chính của bia là nước, lúa mạch đã mạch nha hóa (các loại ngũ cốc, lúa mì, lúa mạch, lúa gạo, yến mạch được cho nảy mầm ở điều kiện nhân tạo), hoa bia và men bia. Vì vậy cách giải say đối với người uống rượu và bia không có gì khác nhau.
Cách giải rượu, bia; ăn uống gì: bạn có thể tham khảo những câu trả lời trên.
Em thường dùng cà gai leo (khô) đun nước uống để giải rượu, xin hỏi phó giáo sư là cách giải rượu này có đúng không?
Lu, 24 tuổi, Huynh Van Banh, Phu Nhuan
Cà gai leo còn có tên khác là cà gai dây. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, than, cành thu hái quanh năm. Rễ rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Theo nghiên cứu, toàn cây nhất là rễ, chứa saponin steroid. Khi thủy phân cho diosgenin, solasodinon, solasodin, flavonoid có tác dụng chống viêm và chống xơ hóa rất tốt.
Còn theo Đông y, cà gai leo hơi the, tính ấm, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu. Dùng giải rượu, chữa viêm lợi, viêm quanh răng, thấp khớp, làm mát gan...
Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo dùng chữa ngộ độc rượu rất tốt. 100 g cà gai leo khô sắc với 400 ml nước còn 150 ml, uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Hoặc 50 g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước. Dùng đến khi tỉnh rượu. Các bài thuốc trên sẽ nhanh chóng giúp tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan.
Tôi thường xuyên tiếp khách và uống rượu bia. Xin hỏi cách nào để giải rượu và bảo vệ gan?
huypham, 51 tuổi
Để bảo vệ cơ thể, tốt nhất quý ông nên thay đổi thói quen uống rượu. Để bảo vệ gan và dạ dày của mình bạn cần hạn chế sử dụng rượu hằng ngày hoặc trong các bữa tiệc, liên hoan. Đặc biệt không nên sử dụng các loại rượu ngoại nặng. Chẳng hạn bình thường bạn uống khoảng 10 ly thì bây giờ cố gắng giảm một nửa số lượng ấy. Nên đặt áp lực cho bản thân trong tuần ít nhất phải có 4 ngày không uống rượu rồi từ từ dừng hẳn.
Sử dụng rượu có nồng độ cồn thấp. Lựa chọn những loại rượu có nồng độ cồn thấp như rượu vang… Đây là loại rượu có nồng độ cồn thấp 4-5 lần so với những loại rượu mạnh. Nó làm bạn hạn chế say và làm giảm bớt độc tố trong cơ thể.
Nên coi rượu là một đồ uống để thưởng thức. Thay vì việc uống cạn chén rượu sau mỗi lần rót, bạn hãy lựa chọn cách nhâm nhi từng ngụm một để thưởng thức và cũng để làm giảm lượng rượu đưa vào cơ thể. Theo các bác sĩ, cơ thể của bạn có thể tiêu hóa chừng 35-40 ml rượu trong vòng một giờ. Vì vậy chọn cách thưởng thức từ từ, chậm rãi không làm bạn khó xử với bạn bè mà lại bị say.
Không tham gia vào các cuộc "trà tửu". Đôi khi vì nể bạn bè, đối tác mà bạn tham gia vào bữa nhậu. Tuy nhiên bạn có thể từ chối nếu nó không quá quan trọng hoặc hãy uống phù hợp với tửu lượng của bạn. Nếu bạn là chủ nhân của bữa tiệc nào đó, thì chính bạn hãy là người sử dụng đồ uống không có chất cồn. Từ những hành động nhỏ có thể dẫn đến thay đổi thói quen sử dụng rượu của bạn.
Hãy lựa chọn thông minh. Trong các bữa tiệc rượu, ngoài những bàn ăn với đồ uống là rượu bia, còn rất nhiều trò chơi giải trí khác như nhảy, khiêu vũ… Thay vì cầm trên tay ly rượu uống và ngắm nhìn mọi người thì bạn hoàn toàn có thể hòa mình vào những điệu nhảy. Cảm giác đông vui hòa cùng mọi người sẽ làm bạn quên đi ly rượu vẫn còn dang dở trên bàn.
Một số phương pháp cai rượu dân gian:
- Dùng đậu nành nấu với nước và sử dụng nó như một đồ uống giải khát. Hoặc bỏ đậu nành vào trái dừa rồi hấp cách thủy, lấy nước cốt để uống.
- Sử dụng các loại thảo dược như cam thảo, chè dây, mật ong, bột nghệ tinh để pha nước uống cũng là một phương pháp để bảo vệ gan và dạ dày khỏi sự tấn công của bia, rượu.
- Pha đường vào dấm rồi đổ nước nóng vào, dùng nước này để uống hàng ngày cũng là phương pháp cai rượu tốt.
Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Những câu hỏi còn lại tôi sẽ tiếp tục trả lời trên suckhoe.vnexpress.net, mời các bạn theo dõi. Cảm ơn và xin chào.
Sức Khỏe