Oanh tạc cơ B-1B của không quân Mỹ
Để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, không quân Mỹ (USAF) phải duy trì lực lượng máy bay sẵn sàng chiến đấu ngay khi có lệnh. Tuy nhiên, hiện chỉ có 70% số phi cơ của USAF có thể đáp ứng yêu cầu này, Sputnik ngày 5/4 đưa tin.
Minh chứng cho tình trạng này, Air Force Times dẫn lời nghị sĩ Mỹ Joe Wilson kể rằng trong một nhiệm vụ tuần tra để răn đe, ngăn chặn "mối đe dọa rõ ràng từ Triều Tiên" gần đây, một máy bay ném bom hạt nhân B-1B Lancer trong phi đội hai chiếc của Mỹ đã phải đắp chiếu để sửa chữa.
Phi đội B-1B Lancer được mô tả là có khả năng triển khai vũ khí tới mọi nơi trên thế giới vào mọi thời điểm. Tuy nhiên, nhiều phi cơ đã phải hủy nhiệm vụ vào phút chót do lý do kỹ thuật. Nguy cơ này cũng xảy ra với nhiều loại máy bay khác trong biên chế USAF.
Việc quân đội Mỹ liên tục bị cắt giảm ngân sách được cho là nguyên nhân khiến các lực lượng không có đủ chi phí và nhân lực để bảo dưỡng, sửa chữa các máy bay, tàu chiến nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Tổ chức Heritage cho biết khả năng sẵn sàng chiến đấu của USAF đã suy giảm liên tục từ năm 2003. Hồi năm ngoái, Phó tham mưu trưởng không quân Larry Spencer cho biết chưa tới 50% máy bay chiến đấu của lực lượng này đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng lớn tới bộ ba răn đe hạt nhân Mỹ, bao gồm tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và oanh tạc cơ.
Tử Quỳnh