Phi công F-18 Mỹ phải đối mặt với nguy cơ ngạt thở khi bay
Vấn đề thiếu oxy huyết (hypoxia) có thể xảy ra với phi công trên tất cả phiên bản tiêm kích F/A-18, bao gồm F/A-18A/B/C/D Hornet, F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G Growler. Số sự cố liên quan tới thiếu oxy huyết và giảm áp buồng lái đột ngột ngày càng gia tăng trong lực lượng F/A-18 Mỹ từ ngày 1/5/2010, theo Aviationist.
Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, quan chức hải quân nước này tuyên bố đây là "vấn đề số một ảnh hưởng tới an toàn bay". Một nhóm điều tra hải quân phát hiện 114 sự cố do hệ thống kiểm soát môi trường buồng lái bị hư hỏng, 91 vụ do lỗi phi công và 50 vụ hỏng hóc hệ thống tạo oxy trên máy bay. Điều đáng lo ngại là nhóm điều tra không thể tìm ra nguyên nhân của các sự cố này.
Các phiên bản Hornet cũ thường xảy ra sự cố giảm áp buồng lái đột ngột, trong khi Super Hornet và Growler lại đối mặt với lỗi ở hệ thống tạo oxy. Hải quân Mỹ đã phải áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để xử lý tình trạng này.
Hải quân Mỹ đã cải tiến chương trình huấn luyện trong điều kiện thiếu oxy, giúp phi công nhanh chóng xác định triệu chứng thiếu oxy huyết và đưa ra phương án khắc phục. Hai tàu sân bay đã trang bị buồng giảm áp để giúp phi công làm quen với vấn đề này.
Đây không phải lần đầu tiên máy bay Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu oxy dẫn tới phi công bị ngạt thở. Nó từng xảy ra với lực lượng tiêm kích F-22, nghiêm trọng tới mức không quân Mỹ phải cấm bay toàn bộ các phi đội hồi năm 2011, sau khi một phi công thiệt mạng tại bang Alaska.
Vào thời điểm đó, F-22 có tỷ lệ gây ngạt thở là 26,43 vụ/100.000 giờ bay, so với mức 2,34 của tiêm kích F-15E và 2,96 của phiên bản F-16 mới nhất. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bay, Lầu Năm Góc chỉ cho phép F-22 bay gần các sân bay để bảo đảm phi công có thể nhanh chóng hạ cánh khi hệ thống tạo oxy (OBOGS) gặp lỗi.
Tử Quỳnh