Quy luật sinh trưởng của nấm
2009 được coi là năm thành công vang dội của vũ công, diễn viên Mỹ Rachele Smith. Cô nhận được nhiều lời mời biểu diễn đến mức phải thốt lên: "Nằm mơ cũng chẳng thấy". Vài tháng trước, Rachele vẫn là một diễn viên vô danh.
Trong lĩnh vực sân khấu, cô ít khi có vai, phải làm việc lặt vặt, thường xuyên bị bắt nạt, chèn ép. Nhưng cô vẫn kiên trì, âm thầm tập luyện. Mọi thứ thay đổi sau một buổi biểu diễn lớn. Hôm đó, do diễn viên chính ốm, Rachele trở thành diễn viên chính của vở nhạc kịch "The Doll Song". Cô chỉ có 4 tiếng chuẩn bị cho vở diễn rất khó này. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Rachele không những hát rất hay mà còn tăng độ khó, trực tiếp làm mới bản thu âm bằng giọng ca cao vút của mình. Khán giả và đồng nghiệp vỗ tay như sấm sau khi vở nhạc kịch kết thúc.
Từ đêm đó, cô bắt đầu trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Có người mong Rachele chia sẻ bí quyết thành công, cô chỉ nói: "Tôi rất biết ơn bản thân. Trong những ngày không thấy hy vọng, tôi vẫn cố gắng tập luyện. Nếu không, dù cơ hội đến thật, tôi cũng không nắm bắt được".
Trong tâm lý học, có khái niệm "Quy luật của nấm". Nấm mọc ở những góc tối, ẩm ướt. Chúng không có ánh sáng mặt trời hay sự nuôi dưỡng của phân bón, vì vậy chỉ có thể tự lo cho mình. Trong giai đoạn này, nếu từ bỏ sự trưởng thành, nó sẽ chỉ là cây nấm thấp lùn, cả đời chìm trong bóng tối. Nhưng nếu kiên trì, đến khi đủ cao lớn, vươn lên, mới trở thành sản vật quý.
Thực ra cuộc đời cũng vậy, ai cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn. Chỉ bằng cách nuôi hy vọng và vượt qua thời kỳ đầu tự tu dưỡng, chúng ta mới có thể nhìn thấy ánh sáng ở tương lai.
Quy luật bánh đà
Khi đi xe đạp, bạn sẽ gặp hiện tượng khi mới khởi hành, phải đạp thật mạnh, sau một vài vòng, mọi thứ dễ dàng hơn nhiều. Sau đó, dù bạn chỉ đặt chân lên bàn đạp mà không cần nhiều lực, bánh xe vẫn lăn nhanh. Đây chính là quy luật bánh đà. Khi đạt đến một điểm tới hạn nào đó, trọng lực và xung lực của chính nó sẽ trở thành một phần của động lực.
Năm 1955, một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học xin vào làm việc cho công ty gốm sứ cách điện. Việc chính là nghiên cứu các vật liệu gốm thế hệ mới. Người này chuyển hẳn vào sống trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu suốt ngày đêm.
Dù công ty khi đó rất nghèo, không có nhiều thiết bị hiện đại, cũng chẳng có ai dẫn dắt, chàng trai thường xuyên bị lãnh đạo trách mắng, đồng nghiệp cô lập, nhưng vẫn kiên trì trạng thái làm việc như vậy trong một năm. Sau đó, anh đã nghiên cứu thành công vật liệu để sản xuất ống tia âm cực trong TV, thứ mà chưa ai làm được. Sản phẩm mới giúp công ty nhận được đơn đặt hàng của Panasonic và khiến anh trở nên nổi tiếng.
Thanh niên đó là Kazuo Inamori, một huyền thoại kinh doanh của Nhật Bản. Ở tuổi 25, Kazuo Inamori đã tạo ra một phát minh mang tính thời đại trong lĩnh vực gốm kỹ thuật. Ở tuổi 27, ông bắt đầu khởi nghiệp. Bốn mươi năm sau đó, ông đã gầy dựng được hai công ty lọt top Fortune 500, là Kyocera và KDDI. Ở tuổi 78, ông được chính phủ mời làm chủ tịch của Japan Airlines. Trong vòng một năm, ông đã hồi phục Japan Airlines từ chỗ đang bên bờ vực phá sản trở thành năm có lợi nhuận cao nhất lịch sử của hãng.
Nhà kinh doanh này thường nói: "Dù khởi nghiệp vô cùng khó khăn, tôi đã không từ bỏ. Đó là điều đúng đắn nhất mà tôi làm trong cuộc đời mình". Kazuo Inamori cũng từng chia sẻ, phần khó nhất của một bài luận là phần khởi đầu, phần khó nhất của việc xây nhà là phần móng. "Nhiều thứ đòi hỏi phải đầu tư sức lực ngay từ đầu. Chỉ có vượt qua được giai đoạn đó và tích lũy kiến thức đến một mức độ nhất định, chúng ta sẽ đạt được thành công", ông chia sẻ.
Quy luật cỏ voi
Cỏ voi được mệnh danh là vua đồng cỏ ở châu Phi, bởi quá trình sinh trưởng khác thường. Sáu tháng đầu đời, nó mọc rất chậm, chỉ khoảng một tấc và bị phủ kín bởi những loại cỏ khác. Nhưng nửa năm sau, khi mùa mưa đến, cỏ voi lớn nhanh đến kinh ngạc. Chỉ sau vài ngày mưa, nó có thể đạt tới độ cao 2 m, tạo thành một bức tường xanh. Đến khi đào rễ lên, người ta mới phát hiện bộ rễ của nó dài tới 28 m. Hóa ra trong 6 tháng đầu, cỏ voi vẫn không ngừng phát triển và chăm chỉ bén rẽ vào lòng đất. Nó lặng lẽ tích lũy sức lực cho mình, chỉ chờ một cơn mưa lớn.
Năm năm trước, nhà nghiên cứu Trung Quốc Đồ U U ở tuổi 85 đã giành giải Nobel Sinh lý học và Y khoa nhờ công trình chiết xuất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng làm thuốc chữa sốt rét. Tuy nhiên trước khi được vinh danh, bà chỉ là nhà khoa học 3 không: không học vị tiến sĩ, không tốt nghiệp ở nước ngoài, cũng không có học hàm giáo sư. Công trình hơn 50 năm nghiên cứu của bà cũng chẳng mấy ai quan tâm trước đó.
"Người thành công không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc không bao giờ thành công. Tất nhiên là bạn có tạm dừng để nghỉ ngơi, chuyển hướng... nhưng không được từ bỏ", Đồ U U từng nói.
Trên đời không cái gì là tự nhiên có được. Không có con đường tắt nào để đi đến đích. Chỉ có âm thầm học hỏi, âm thầm tích lũy kiến thức, vốn liếng, chờ cơ hội để làm giàu... mới có thể thành công. Chỉ trong hoàn cảnh đó, bạn mới hiểu một điều: cái gọi là may mắn, phép màu, gốc rễ chính là từ nỗ lực mà ra.
Từng có câu hỏi thế này trên mạng xã hội hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu: "Làm thế nào tôi có thể thoát ra khỏi làn sương mù của cuộc sống?". Câu trả lời được tán thành nhiều nhất là: "Đi thêm vài bước nữa".
Có quá nhiều khoảnh khắc đen tối trên đường đời, khiến chúng ta bị coi thường, thất vọng hay ức chế. Lúc này mọi sự trì trệ và hèn nhát sẽ chỉ kéo dài giai đoạn u tối, mù mịt. Ngược lại, chỉ cần nuốt nỗi đau vào trong và tiếp tục vươn lên, chắc chắn tương lai với ánh sáng rạng rỡ sẽ chờ đón phía trước.
Vy Trang (Theo sohu)