Dưới đây là 4 định luật trong cuộc sống cần ghi nhớ để vượt qua khó khăn, đạt được thành công như mong muốn.
1. Định luật cân bằng
Thế giới luôn duy trì sự cân bằng theo cách tinh tế và độc đáo của nó, ví dụ như "Bảo tồn khó khăn". Những khó khăn của mọi người sẽ không tự nhiên biến mất cũng như không vô cớ phát sinh. Càng trốn tránh ở hiện tại, tương lai bạn càng phải trả giá đắt hơn để đối phó với nó.
Luật cân bằng còn có một biểu hiện khác: Khi bạn cảm thấy thiếu ở một mặt nào đó, mặt tương ứng ắt sẽ dư thừa. Ví dụ, "nếu kiến thức không đủ, ắt sẽ nảy sinh nhiều lo lắng". Thứ thiếu ở đây chính là kiến thức, còn sự dưa thừa chính là sự lo lắng, cảm giác không an toàn.
Có một cách diễn giải khác: Trí thông minh không đủ ắt sinh ra tính hoài nghi. Khi nhận thức chưa đủ tầm, bạn sẽ nghi ngờ với những điều mới mẻ, những thứ mình chưa thấy bao giờ. Từ đó bạn sẽ sống trong trạng thái lưỡng lự, không dám bước lên phía trước. Cuộc sống chính là một cán cân, mỗi một thứ đang sở hữu, bạn đều phải trả một cái giá cho nó.
Luật "Ngựa chậm"
Có một câu chuyện ngụ ngôn về hai con ngựa, mỗi con kéo một xe hàng. Một con đi nhanh, một con vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ, mặc kệ xe hàng nên đã làm rơi mất mấy kiện hàng. Người chủ hàng rất bực tức nhưng chặng đường còn xa và trời đã tối nên mang toàn bộ hàng trên xe con ngựa chậm chạp chuyển lên xe con ngựa đi nhanh. Con ngựa lười biếng thấy vậy cười khoái chí và nghĩ: "Hà hà! Càng nỗ lực thì lại càng bị đày đọa!".
Về đến nhà, chủ hàng nghĩ: "Một con ngựa đủ để kéo xe rồi, tại sao lại phải nuôi hai con?". Ông ta nghĩ, sẽ cho con ngựa lười biếng một lần kéo hàng nữa, nhưng nếu vẫn chứng nào tật nấy thì sẽ mang đi bán hoặc xẻ thịt. Nhưng không cần đến việc đó, trên đường kéo xe về chúng gặp một toán cướp đuổi theo, con ngựa siêng năng có người nài ngựa ở trên hướng dẫn và nó rất khỏe nên đã chạy thoát. Kết cục con ngựa lười do không quen chạy nhanh sau đó đã bị toán cướp bắt được và mang ra làm thịt.
Câu chuyện về hai chú ngựa trên cho thấy bài học trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Trong một tập thể, nếu để người khác cảm thấy dù bạn tồn tại cũng được mà không có cũng không sao, ngày bạn phải ra đi không còn xa. Hoặc chính bạn sẽ tự bị đào thải do chính năng lực yếu kém của mình. Những cá nhân luôn cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ sẽ được trọng dụng và họ luôn nhận về thành quả xứng đáng. Ngược lại, những người lười biếng, vô trách nhiệm, thích sự an nhàn sẽ nhận về kết cục thảm hại.
Chiết khấu hình Hyperbolic
Thức ăn ưa thích của tinh tinh là chuối. Trong một nghiên cứu, người ta đã phát cho mỗi con tinh tinh một loại quả khô. Nếu một con tinh tinh có thể nhịn được 20 phút mà không ăn quả khô trên tay, nó có thể đổi quả khô lấy quả chuối. Hầu hết nhóm tinh tinh này đều thiếu kiên nhẫn và ăn trái cây khô mà chúng có. Chỉ vài con có khả năng kiềm chế tốt đã được thưởng chuối.
Đây được gọi là chiết khấu hình Hyperbol, khi người ta chọn cách nhận những phần quà ngay lập tức thay vì những thành quả khác lớn hơn sau đó. Điều này thường xảy ra khi sự trì hoãn gần với hiện tại hơn là tương lai.
Những người thành công có thể làm chủ và đấu tranh chống lại xu hướng chiết khấu hình Hypebol của chính họ. Họ có thể quản lý những ham muốn thái quá và bỏ qua sự thoải mái trước mắt để kiên nhẫn đạt được cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Luật dự phòng
Khi bạn tạo ra những tập tin, luôn phải nhớ lưu lại bản sao, đặc biệt là những tài liệu quan trọng. Trong trường hợp ổ cứng bị hỏng hoặc mất mã, nếu không có bản sao lưu, tổn thất rất nặng nề. Bởi vậy, dự phòng là một khả năng.
Một triết gia phương Tây từng nói: "Hãy học cách cắt móng tay bằng tay trái, vì tay phải không phải lúc nào cũng có thể hoạt động được". Đời người cũng vậy, khi bạn chỉ cho bản thân một lựa chọn, nếu cánh cửa ấy đóng lại, bạn chỉ có thể làm một con thú bị mắc kẹt cố gắng vùng vẫy để thoát ra.
Điều đáng sợ trong cuộc đời không phải là sự thay đổi đột ngột mà là sau khi thay đổi, không còn chỗ cho sự lựa chọn. Chuẩn bị thêm cho mình một phần dự phòng, chính là cho bản thân thêm một khả năng.
Vy Trang (Theo aboluowang)