Ngày 8/12, đại diện Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết 3 người có triệu chứng ngộ độc, đang được thở máy, lọc máu, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa Kon Tum.
Ba bệnh nhân A Gen (17 tuổi), A Kiên (34 tuổi), A Kiên sáng 6/12 vào Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cấp cứu, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng đau bụng, nôn kèm đau đầu, chóng mặt, mệt nhiều, da môi nhợt, khó thở, phổi thông khí kém, suy hô hấp. Các bác sĩ nghi ngờ đây là chùm ca bị ngộ độc do độc tố botulinum sau khi ăn thịt chuột.
Hồi tháng 3, 6 người ở huyện Kon Plông (giáp ranh huyện Kon Rẫy) nhập viện sau lễ tiệc "tết chuồng trâu", được xác định ngộ độc vi khuẩn clostridium botulinum. Trong đó hai người tử vong.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Cơ chế gây độc botulinum là độc tố di chuyển trong máu, tấn công thần kinh ngoại biên, làm liệt các cơ đối xứng hai bên. Người bệnh bị liệt dần từ trên xuống dưới, bắt đầu từ cơ mi mắt gây sụp mi, tới cứng miệng, ăn, nuốt khó, rồi lan dần xuống tay, chân. Cuối cùng, cơ hô hấp mất chức năng, người bệnh không thể tự thở dù đầu óc minh mẫn, tỉnh táo.
Ngộ độc botulinum được xếp vào bệnh hiếm vì khoảng 30-40 năm nay không xuất hiện tại Việt Nam. Việt Nam không sản xuất cũng như không tích trữ sẵn loại huyết thanh giải độc tố đã sử dụng trên thế giới là Botulism Antitoxin Heptavalent. Năm ngoái xuất hiện hàng chục ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tài trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc về Việt Nam. Mỗi lọ thuốc có giá khoảng 8.000 USD.
Trần Hóa