Ngày 31/3, bác sĩ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết bà Y Xuân, 65 tuổi, nhập viện tuần trước trong tình trạng bị tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, có biểu hiện nhiễm trùng, theo dõi ngộ độc.
Bà Xuân tử vong sáng 30/3, do bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sau khi đã thay huyết tương 3 lần.
Ba bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại khoa hồi sức tích cực và chống độc. Cả ba đã được lọc máu ít nhất 3 lần, phải thở bằng máy, sức khỏe tiến triển tốt song việc điều trị kéo dài nhiều tháng.
Bốn người này, từ 10 đến 65 tuổi, ở thôn Kon Du, xã Măng Cành, lần lượt ngày 25-27/3 được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi ngộ độc thực phẩm. Sau đó, họ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Qua điều tra ban đầu cho thấy một điểm chung giữa các bệnh nhân là đều có ăn cơm, rau mì và mắm cá tự làm. Tất cả họ được chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc clostridium botulinum.
"Những bệnh nhân này có các triệu chứng sốt, nôn ói, đau bụng..., như những ca trước đó ở làng Kon Kum, nên nghi ngờ họ bị ngộ độc botulinum", ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết.
Ngành y tế đã lấy mẫu thức ăn hằng ngày của các bệnh nhân, truy xuất nguồn nhiễm khuẩn, tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tại thôn Kon Du. Sở Y tế vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi, hướng dẫn xử lý, hủy, đổ bỏ các thực phẩm ủ chua bị hư hỏng, hôi thối (cá, thịt, măng, nấm...).
Hồi đầu tháng 3, làng Kon Kum, xã Măng Cành, xuất hiện chùm ca bệnh làm 2 người chết, nhiều người nhập viện do vi khuẩn clostridium botulinum sinh độc tố type E.
Trần Hóa