Từ những năm 1960, bên cạnh việc tiếp nhận vaccine từ các nước, Việt Nam đã nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến để trực tiếp triển khai sản xuất. Cho đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại mũi tiêm được đưa vào sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
3 vaccine được xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe của người dân và được bạn bè quốc tế tin dùng. Từ năm 2015, Việt Nam là một trong gần 40 nước nhận được Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vaccine ra thế giới.
Viêm não Nhật Bản
Jevax ngừa viêm não Nhật Bản của Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu năm 2014, được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Vaccine được xuất khẩu hơn 4,5 triệu liều đến Ấn Độ và một số nước khác như Đông Timor, Hàn Quốc, Myanmar.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do virus lây qua vật trung gian là muỗi Culex có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Vào thời điểm vaccine được xuất khẩu, viêm não Nhật Bản đang chiếm 60% các nguyên nhân gây viêm não ở trẻ em nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng trồng trọt, chăn nuôi phía Bắc, đặc biệt là vào mùa mưa - mùa sinh sản của muỗi.
Hiện vaccine được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, chỉ định tiêm cho trẻ em từ 1 tuổi đến người lớn với phác đồ tiêm 3 mũi, tiêm nhắc sau mỗi 3 năm.
Sởi
Trong năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế thông tin đã xuất khẩu thành công 1 triệu liều vaccine sởi MVVac đi Ấn Độ. Trước đó, vaccine được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2009.
Hiện, Mvvac đang được sử dụng cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn chương trình dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm, lây nhanh qua đường hô hấp và dễ tạo thành dịch. Mỗi năm ước tính có hàng triệu ca mắc sởi mỗi năm trên toàn cầu. Thống kê cho thấy hầu hết các ca tử vong và nhập viện là người chưa được tiêm ngừa vaccine trước đó.
Theo WHO, sởi vẫn còn là một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao (khoảng 95%) trên tổng dân số là cách giúp tăng miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa sởi lây lan thành dịch.
Tả lợn châu Phi
Ngoài các mũi tiêm cho người, nước ta cũng tham gia sản xuất và xuất khẩu vaccine cho động vật. Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu và phát triển thành công 2 loại phòng dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE. Bên cạnh đó, Việt Nam chuẩn bị 2 triệu liều vaccine AVAC ASF LIVE cho Philippines và Indonesia. Trong cùng thời điểm đó, 3 nước khác cũng ký kết tham gia nhập vaccine gồm Malaysia, Ấn Độ, Myanmar.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thương mại hóa thành công vaccine này. Trong bối cảnh nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trong và ngoài nước, mũi tiêm ngừa tả lợn châu Phi được kỳ vọng giúp giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC đánh giá cao việc chuyển giao công nghệ, chủ động sản xuất trong nước. Việc này phần nào giúp Việt Nam tự chủ để phục vụ người dân, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine. Khi xuất khẩu thành công ra thị trường thế giới, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình, ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp dược phẩm và sinh học toàn cầu.
"Chủ động sản xuất và xuất khẩu vaccine mở ra thêm cơ hội phòng bệnh chủ động cho người dân, giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình tiêm chủng dịch vụ tạo thành thế trận vững chắc, giúp người dân tiếp cận vaccine dễ dàng, tăng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng", bác sĩ Chính nói.
Nhật Linh