Cải bắp
Trong cuốn Thảo mộc quanh nhà, thực dưỡng và làm thuốc của lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cải bắp rất giàu vitamin C. Lượng vitamin C trong cải bắp chỉ kém cà chua nhưng lại gấp 4,5 lần cà rốt và 3,6 lần khoai tây, hành tây.
Vitamin C còn được gọi là acid ascorbic - một vi chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch tốt nhất và cũng tham gia nhiều chức năng bình thường của cơ thể. Vitamin C hỗ trợ đề kháng, chống nhiễm trùng như cảm cúm, mau lành vết thương. Vitamin C cũng được biết là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương từ gốc tự do. Tổn thương tế bào của gốc tự do gây ra các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh mạn tính khác.
Ở châu Âu, từ thời thượng cổ, người dân đã biết dùng cải bắp làm thuốc và mệnh danh nó là "thầy thuốc của người nghèo". Trong Đông y, cải bắp vị ngọt, nhạt, tính lạnh, tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, giải độc, trị đau dạ dày, ho viêm họng khản tiếng, đau thần kinh, mụn nhọt... Loại rau này có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nấu, xào, ăn kèm cũng các món hầm, súp, làm nộm...
Bài thuốc trị đau dạ dày, bệnh đường ruột, viêm họng ho, như sau: cải bắp tươi cùng đường và muối, ép lấy nước uống trong hai tháng. Thông thường một kg bắp cải cho 500-700 ml nước ép. Trong cải bắp có chất chống viêm loét vitamin U rất dễ phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó phải ép lấy nước dùng.
Bí ngô
Lương y Sáng cho biết, bí ngô vừa là thực phẩm nhiều dinh dưỡng vừa là cây thuốc quý. Ba dưỡng chất chính trong bí ngô là chất xơ, vitamin A và vitamin C. Vitamin C tăng cường miễn dịch, chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, các đốm nâu, bảo vệ làn da chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa tình trạng mất nước, khô da.
Ngoài ra, bí ngô chứa một số chất khoáng và canxi, natri, kali. Với người già và người bệnh huyết áp, những chất này giúp ngăn ngừa loãng xương và tăng huyết áp. Bên cạnh đó, bí ngô còn chứa magie, phốtpho, sắt, đồng, mangan, crôm và nhiều yếu tố khác giúp xương phát triển. Một số công dụng khác kể đến như tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho sự phát triển của thai nhi, chữa hen suyễn, ngăn ngừa tiểu đường, phòng ung thư do chứa nhiều chất chống oxy hóa và beta- carotene.
Hạt bí ngô rất giàu chất physterol và những axit béo omega 3, omega 6, tác dụng giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch và huyết áp. Chất axit glutamine cần thiết cho hoạt động não bộ, có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não, bồi dưỡng não.
Phụ nữ thiếu sữa sau sinh, lấy 20 g hạt bí tươi, bóc bỏ vỏ lấy nhân, giã nhuyễn, thêm đường trắng pha với nước nóng uống vào buổi sáng và tối khi bụng đói, liên tục trong 3-5 ngày. Phụ nữ bị tụt đầu vú, đau nhói, lấy tua cuốn của dây bí và một chút muối ăn, tất cả giã nát, hãm nước sôi, vắt nước cốt để uống.
Bí đỏ hầm đậu phụng hạt sen chữa tiểu đường, bí đỏ 200 g, đậu xanh 100 g, xương heo 100 g hầm ăn cho thêm gia vị vừa đủ, chữa mất ngủ.
Bí ngô hầm đậu phụng hoặc hầm xương thịt gà, vịt, ngừa đau đầu chóng mặt.
Bí ngô 200 g, đậu xanh 100 g, xương heo 100 g, hầm ăn chữa đái tháo đường.
Quả bí xanh 50-100 g hầm với thịt vịt 50 g và gia vị vừa đủ ăn trong nhiều ngày ngừa tiểu đường.
Cải soong
Cải soong gốc châu Âu, nhập về miền Nam từ cuối thế kỷ 19, sau đó lan dần ra phía Bắc và các địa phương khác. Loài cây này trồng ở những nơi có dòng nước chảy, rãnh nước, ven bờ suối, ao, giếng đất... Trong 100g cải soong chứa 40 mg vitamin C, bên cạnh các dưỡng chất khác như vitamin A, B và muối khoáng...
Trong Đông y, cây vị hơi cay, tính mát, tác dụng kích thích tiêu hóa (nhờ chất dầu sulfonito), cung cấp chất khoáng, chống thiếu máu, lợi tiểu, giảm đường huyết, giải độc, chủ trị tiểu đường, trị ho, suy nhược cơ thể, kém ăn, mất ngủ, các bệnh về ung nhọt, bệnh đường tiết niệu...
Cải soong có thể làm thành món ăn vị thuốc. Ví dụ, chữa bệnh scorbut (tình trạng thiếu hụt vitamin C), giã 100 g cải soong vắt lấy nướt cốt uống. Cải soong nhai, ngậm chữa viêm răng lợi. Loại rau này giã, đắp chữa lở loét, hắc lào hoặc giã lấy nước cốt uống chữa bệnh đái tháo đường.