Chôm chôm
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, tác dụng nổi bật của chôm chôm là cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa nhờ hàm lượng chất xơ dinh dưỡng. Đồng thời, chôm chôm ngăn ngừa một số vấn đề như chứng táo bón hoặc tiêu chảy. Loại trái cây này còn mang đặc tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt các loại ký sinh trùng trong đường ruột, thích hợp ăn trong ngày Tết.
Trong Đông y, chôm chôm xanh và vỏ quả được dùng làm thuốc. Quả có tính vị chát, chủ trị tiêu chảy, kiết lỵ. Bài thuốc gồm quả chôm chôm xanh 20-30 g kết hợp cùng vỏ quả 20-30 g sắc uống. Hạt có vị đắng, có dầu béo, dùng làm xà phòng, nến.
Bưởi
Bưởi được trồng khắp nơi trên đất nước ta, nổi tiếng nhất là loại bưởi ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) và một loại đặc biệt thơm, ngon, ngọt và quý đó là bưởi Diễn (Hà Nội). Bưởi trồng bằng hạt để lấy quả ăn.
Quả bưởi vị chua, tính mát, tác dụng giải khát, chủ trị đau bụng, tích rượu, ăn không tiêu, rất thích hợp cho ngày Tết. Trong bưởi có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin C, kali, canxi, natri giúp phòng ngừa cảm cúm, thúc đẩy tiêu hóa. Cùng với đó, bưởi chứa ít calo, chứa một loại enzyme - carnitine palmitoyltransferase,loại bỏ chất béo nên đây cũng là loại thực phẩm giảm cân hiệu quả.
Bưởi còn chứa rất nhiều Vitamin C nên có tác dụng làm đẹp da, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, tránh được cảm lạnh, sốt, nhiễm trùng và các chứng bệnh khác. Nếu ngày Tết bạn cảm thấy mệt mỏi, ăn bưởi sẽ giúp sảng khoái hơn bởi khi đó cơ thể sẽ được cung cấp nước, vitamin. Nước bưởi tươi còn có tác dụng hạ đường huyết, thích hợp với những người mắc bệnh tiểu đường.
Các bộ phận khác cũng có tác dụng, như lá bưởi dùng với lá cúc tần, cỏ sả, lá bạch đàn... nấu nước xông giải cảm, dùng để cất tinh dầu (với những cây bưởi đắng không có nhu cầu lấy quả). Hạt bưởi cũng được thu nhập để ép lấy dầu thắp đèn hoặc nấu cao dán nhọt hay bôi vết bỏng.
Cam
Cam cung cấp lượng vitamin C dồi dào, cũng là loại quả được chuyên gia khuyên nên ăn nhiều trong ngày Tết. Vitamin C bảo vệ da khỏi tác hại từ tia UVA và UVB, kích thích sản xuất collagen, ngăn ngừa nám và tình trạng viêm da, tăng cường hệ miễn dịch. Cam rất giàu chất xơ, có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa viêm loét dạ dày, trào ngược axit.
Trong Đông y, cam vị ngọt chua, tính mát, tác dụng giải khát, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Lá cũng có tác dụng thanh nhiệt.
Tình trạng đầy bụng, khó tiêu là một trong những vấn đề sức khỏe mà mọi ngươi dễ mắc phải ngày Tết do nạp nhiều thực phẩm. Ăn cam hoặc uống nước cam thường xuyên sẽ cải thiện hệ thống tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Bài thuốc quả cam vắt lấy nước uống, hoặc vỏ cam lượng tùy dùng sắc uống trị tiêu hóa kém.
Thúy Quỳnh