Cả tuần trước đó, anh Hùng nằm điều trị tại Viện Phổi Hà Nội, nơi từng là ổ dịch của thủ đô hồi tháng 7. Người đàn ông 47 tuổi, sống ở quận Long Biên, đã mất một lá phổi vì bệnh tắc nghẽn mạn tính từ năm 2009.
"Giờ lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì. Lạc quan chiến đấu may ra còn cơ hội sống sót", anh trấn an vợ qua điện thoại khi nhận kết quả dương tính, do liên quan đến một bệnh nhân từng điều trị ở Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Hôm sau, khi được chuyển tới Viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, anh mới mở điện thoại trả lời bạn bè chúc mừng sinh nhật. Anh viết lời cảm ơn, thỉnh thoảng còn đùa vui. "Điều này để mọi người nghĩ tôi vẫn khỏe và tôi cũng phải giữ tinh thần còn chiến đấu với virus", anh giải thích.
Ngày thứ hai, anh sốt cao. Theo chỉ định của bác sĩ, anh bắt đầu uống thuốc. Do đang điều trị bệnh nền viêm phổi, anh được truyền thêm kháng sinh. Những triệu chứng của Covid-19 ngày càng rõ rệt như mệt mỏi, đau họng, miệng đắng nghét. Tuy vậy, anh không dám bỏ bất kỳ bữa cơm nào vì hiểu rằng, vũ khí lớn nhất trong trận chiến này là sức đề kháng của chính mình.
Mỗi ngày, anh duy trì thói quen đi bộ dọc hành lang ít nhất hai lần, tập hít thở bụng hai cữ, mỗi cữ 30 phút và giữ ấm cơ thể bằng cách đi tất. Virus tấn công ngày càng mạnh khiến anh đau nhức toàn thân, suy nhược cơ thể, miệng và lưỡi khô, mất khứu giác. Mỗi lần bước ra cửa đi bộ, anh lại ho dữ dội. May mắn, lá phổi còn lại không có biểu hiện bị tổn thương.
Trong bệnh viện, anh Hùng phải chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Người đàn ông hơn 80 tuổi cùng phòng phải thở oxy nhưng vẫn tự đi lại được nhưng đột nhiên ngã trong nhà tắm. Ông ra đi sau vài ngày. Đêm đó, anh trằn trọc không ngủ được.
Những ngày tiếp theo, họ hàng liên tục hỏi thăm, có người khóc luôn trên điện thoại khiến anh Hùng phải động viên ngược. Có lẽ, vì tính cách lạc quan nên anh dần điều chỉnh tâm lý, học cách vui vẻ thay vì buồn bã. Anh tâm niệm, sợ hãi chỉ làm tăng thêm lo lắng.
Sau 10 ngày nằm viện anh Hùng mới cắt sốt, nhưng vẫn ho nhiều và đau đầu. Điều kỳ lạ là kết quả chụp CT cho thấy, lá phổi còn lại vẫn không bị tổn thương. Anh thừa nhận đó là một sự may mắn.
Những ngày tiếp theo nằm chờ âm tính, anh Hùng vẫn duy trì thói quen đi ngủ sớm và cố gắng tập thở bụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngày thứ 22 ở bệnh viện, anh có kết quả âm tính lần một. Trong trận chiến vô hình này, anh ngày càng tiến gần hơn đến chiến thắng. Đêm đó, anh tóm tắt trải nghiệm của mình trên trang cá nhân: "Virus không quá khủng khiếp với hầu hết những người khỏe mạnh. Cơ thể sẽ ổn trong vài ngày. Với tôi, 99,99% nguy cơ tử vong nhưng rồi mọi việc đều tốt đẹp, miễn thực hiện đầy đủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ". Ngày thứ 28, khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần ba, anh xuất viện.
Việc anh Hùng vượt qua được Covid-19 là một phép màu bởi, Bộ Y tế từng cảnh báo, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong 20 bệnh nền có nguy cơ biến chứng nặng khi bị nCoV tấn công. Bác sĩ Phạm Văn Thọ, thành viên của nhóm "Tư vấn hỗ trợ F0" cho rằng, với một người chỉ còn một lá phổi lại đang điều trị viêm như anh Hùng, nếu chẳng may virus tấn công vào phổi, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Bác sĩ Khổng Minh Quang, người trực tiếp điều trị cho anh Hùng tại Viện Nhiệt đới Trung ương cho biết khi "một lá phổi bị cắt, lá còn lại bị viêm, việc tuân thủ chuẩn chỉnh quy trình điều trị Covid -19 như uống thuốc đầy đủ, đúng giờ thì tinh thần lạc quan, thoải mái đặc biệt quan trọng để chiến thắng bệnh tật".
Trong 14 ngày tự cách ly tại nhà, nhiều lúc mở cửa sổ, anh vẫn có cảm giác ớn lạnh do di chứng virus. Nơi anh sống là một ngõ nhỏ yên bình, mùa thu nhiều lá vàng rụng, trơ trọi những cành cây khẳng khiu. "Trước đây, tôi không để ý lắm nhưng giờ nhìn lại cảm thấy mọi thứ bỗng đẹp lạ và điều tuyệt vời nhất là vẫn được sống để thưởng thức", anh Hùng nói.
Khi rảnh rỗi, anh cố trả lời hết những câu hỏi liên quan tới dịch bệnh, dựa vào kinh nghiệm của mình để động viên, giảm bớt sự âu lo của người bệnh. Anh cho rằng phòng ngừa và điều trị khoa học là phương án quan trọng nhất đối phó với Covid-19. Tâm lý lạc quan và tích cực cũng là yếu tố không thể thiếu. Gần một tháng nằm viện, sự động viên, thăm hỏi, tận tình của người thân, bác sĩ, cũng khiến anh cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến này.
Mấy ngày nay, anh Hùng đã quay lại công việc. Anh mua đủ bộ truyện tranh cho cậu con trai duy nhất, như lời hứa trước đó. Trong một cuốn truyện, anh viết lời tựa cho con, như lời nhắn nhủ chính mình: "Không phải vì có hy vọng con người mới kiên trì chiến đấu, mà bởi đã kiên trì họ mới nhìn thấy hy vọng".
Hải Hiền