"Ngày 28/7, cả nhà nhận kết quả xét nghiệm PCR- chính thức mắc bệnh. Gia đình 5 người gồm tôi, vợ, hai con trai và bố chính thức nếm mùi đối diện với hung thần Covid-19", anh Hoàng Thân Hữu Phước nhớ lại thời điểm virus chết người gõ cửa nhà mình.
Trước đó vài ngày, anh Phước đứng ngồi không yên khi nghe tin cả con xóm nhỏ hơn 200 người, hầu như gia đình nào cũng có người mắc Covid. Do số lượng người nhiễm quá lớn và hệ thống y tế của Sài Gòn cũng đã quá tải, tất cả mọi người ở xóm đều tự chữa bệnh tại nhà.
"Bế tắc là cảm giác của tôi khi đó. Gia đình nằm trong ổ dịch, xung quanh nhà đều là F0, thậm chí hàng xóm đã có ca tử vong khiến các thành viên lúc nào cũng trong trạng thái hoang mang", anh kể.
Chưa kịp hoàn hồn vì tình trạng xung quanh, bà xã bất ngờ sốt cao. Vợ anh có tiền sử dị ứng với Panadol do đó, khi chị bị sốt, anh tìm cách hạ bằng việc chườm mát. Chỉ khi nhiệt độ lên cao quá, anh mới để chị dùng thuốc. Ngay khi vợ sốt, anh Phước chủ động liên hệ y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm. Đó là ngày 26/7. Hai ngày sau cả nhà nhận kết quả xét nghiệm.
Anh Phước đã chuẩn bị đồ đạc với suy nghĩ sẽ tới bệnh viện chữa trị tuy nhiên, khi được thông báo về tình trạng quá tải ở bệnh viện và tư vấn của bác sĩ về việc có thể cách ly điều trị tại nhà trước, anh Phước quyết định cùng vợ sẽ tự đối mặt với "tử thần Covid-19".
Anh chủ động liên hệ với công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential- nơi mình làm việc và được công ty tư vấn sử dụng eDoctor cũng như hỗ trợ kết nối với bác sĩ khám, theo dõi online cho cả gia đình.
Gia đình được gửi một máy đo nồng độ oxy tại nhà. Bác sĩ dặn khi nồng độ oxy giảm xuống dưới 93%, phải lập tức nhập viện. Dù hoang mang nhưng anh Phước tự động viên mình và mọi người, "còn nước còn tát", không được bỏ cuộc. Anh cũng chủ động liên hệ với công ty, được phía công ty hỗ trợ, tư vấn sử dụng edoctor để được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà.
Trước hết, vợ chồng anh tự tách ra một phòng riêng để hạn chế tiếp xúc với bố và hai con. Hai đứa trẻ, đứa lớn 7 tuổi, đứa bé gần 3 tuổi khá ngoan ngoãn nghe theo chỉ dẫn, chỉ ở trong phòng. Anh, chị thay phiên nhau nấu ăn đưa đến trước phòng cho các con và ông nội bọn trẻ. "Gọi là nấu ăn nhưng hết sức đơn giản, có khi một món mặn với cơm, có khi là cháo, mì pha sẵn. Ai cũng mệt nên ai đỡ hơn thì sẽ gắng nấu", anh kể.
Khi bị bệnh, dù không ăn uống nổi, nhưng gia đình anh hiểu rằng dinh dưỡng rất quan trọng. Cả nhà "bị so le", nên người nào khỏe sẽ gắng gượng nấu ăn và chăm sóc cho những người còn lại.
2 ngày sau sốt cao, chị nhà có dấu hiệu hạ, anh Phước bắt đầu có triệu chứng lây nhiễm từ vợ. Ngày đầu tiên nhiễm virus, anh Phước sốt cao, đau nhức khắp người, khó thở. Có thời điểm, anh sốt tới 40 độ, liên tục ho khan, ớn lạnh. Nằm trên giường, điều anh lo lắng nhất là trường hợp bố anh và bọn trẻ bị nhiễm bệnh. Bản thân anh, là thanh niên khoẻ mạnh còn mất sức, khó thở, nói gì đến người già tuổi cao sức yếu, bọn trẻ sức đề kháng kém.
Đến ngày 30/7, vợ chồng anh Phước bắt đầu hạ sốt, test nhanh vẫn cho kết quả dương tính nhưng cả hai thấy dễ chịu hơn nhiều. Song, hai đứa nhỏ lại bắt đầu sốt, cao nhất là 39.5 độ. Bà xã anh nhiều lần bật khóc khi nhìn các con. Bản thân chị từng trải qua nên luôn lo sợ các bé yếu hơn người lớn sẽ không thể chịu đựng được những cơn đau hành hạ. Những lúc đó, anh Phước với vai trò là trụ cột gia đình- bình tĩnh khuyên nhủ vợ rằng bác sĩ đều nói trường hợp của trẻ nhỏ thường không nặng như người lớn và cũng tự khỏi nếu điều trị đúng cách. Nhờ vậy, vợ anh cũng yên tâm phần nào
"Hai con sốt cũng bỏ ăn, tôi xót xa lắm. Tôi tìm cách chơi với con, bón cho con ăn từng chút để có sức, mau khoẻ, sớm đạp được xe đạp. Sau nhiều lần bố động viên, các bé cũng nghe lời và hợp tác hơn", anh chia sẻ.
Về phía bản thân, qua giai đoạn sốt kéo dài khoảng 2-3 ngày, anh Phước bắt đầu thấy cơ thể khoẻ hơn, tinh thần thoải mái hơn. Sau sốt, anh chuyển qua họng, không thể ăn uống nổi mặc dù rất đói. Từ hôm mắc bệnh đến nay, song song với phác đồ điều trị bác sĩ kê, anh vẫn cố gắng nấu nước gừng xả để uống theo hướng dẫn của y tế phường và xông mỗi ngày. Anh kể, khi đã mắc bệnh, bản thân chỉ nghĩ: thuốc tây, bài thuốc dân gian, cái gì cũng phải thử cho mau khỏi bệnh.
Hai tuần sau, dù sụt 4-5kg, anh Phước đã phục hồi được 90-95%. "Sau quá trình tự chữa bệnh, tôi nghiệm ra để thắng được virus, bạn cần sức đề kháng tốt, nhưng để bình phục và cùng cả gia đình vượt qua những giây phút khó khăn nhất, tinh thần không bỏ cuộc mới là điều quan trọng hơn cả", anh cho biết.
Về phần bố ruột anh Phước, bác cũng có biểu hiện ốm sốt như anh và bà xã. Nhưng may mắn là triệu chứng không bị nặng và không biến chứng như nhiều trường hợp người già anh từng nghe kể. Do đó, anh Phước áp dụng phương pháp điều trị như bác sĩ đã tư vấn cho hai vợ chồng.
Trong suốt thời gian bị bệnh, anh Phước liên tục cập nhật tình hình mỗi ngày với bác sĩ qua eDoctor để được hướng dẫn từng bước điều trị, từ cách chườm khăn, xông, đun nước uống đến toa thuốc gửi tận nhà. Anh kể, mỗi sáng, gia đình đều gọi điện cho bác sĩ, gửi hình ảnh đo nhiệt độ, hình kết quả từ máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2, hình chụp vòm họng... qua Zalo cho bác sĩ kiểm tra. Bên cạnh đó, anh và gia đình cũng luôn nhận sự quan tâm, hỏi thăm tình hình từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Sau hai tuần kiên trì, cả gia đình anh đã bình phục, thoát khỏi tử thần Covid-19.
Về nguyên nhân lây nhiễm, dù cả nhà không ra ngoài suốt 2 tháng nay, anh Phước cho biết, nguồn lây có thể xuất phát từ những ca dương tính trong khu ở sau một lần xét nghiệm tập trung. Theo anh, một số người dân vẫn khá chủ quan với dịch bệnh, mang khẩu trang hời hợt, vẫn đứng gần nhau, nói chuyện.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng và chống dịch, anh Hữu Phước khẳng định, mọi người cố gắng tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Bản thân anh đã trải qua và cập nhật tình hình từ những người xung quanh đều nhận thấy, những người tiêm vaccine nếu không may nhiễm bệnh cũng có triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người chưa được tiêm. Bên cạnh đó, mọi người nên chủ động chuẩn bị lương thực, thuốc men, nghiêm chỉnh tuân thủ 5K và chú ý hơn tới sức khoẻ của bản thân.
"Thật may mắn vì giờ đây cả nhà bình an vô sự. Cuộc chiến Covid-19 còn dài. Mọi người hãy luôn can đảm vượt qua những giây phút khó khăn, giữ tinh thần vững vàng, và đừng chủ quan trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Nếu có điều kiện, hãy tiêm vaccine sớm nhất có thể", anh Hữu Phước nhắn nhủ.
An Nhiên
Ảnh: NVCC
Tham khảo về chương trình hỗ trợ dịch vụ tư vấn y tế từ xa miễn phí dành cho cho các trường hợp F0 (là khách hàng, nhân viên, đối tác) do Prudential phối hợp cùng eDoctor tại "Kết chân tình, nối yêu thương