Cuộc gọi từ số lạ đổ đến điện thoại của thiếu tá Trần Đức Hưng, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Lũng Cú, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, lúc hơn 10h ngày 27/2. Người đàn ông Nam Bộ giọng run run, tự giới thiệu mình quê ở Sóc Trăng, có người thân làm thuê bên Trung Quốc đang nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Sáu người bị lạc ở biên giới Việt - Trung gần ba ngày và tách ra làm hai nhóm. Thức ăn, nước uống đều không còn. Trong đó có một đứa trẻ 6 tuổi, sức khỏe suy kiệt và người mẹ 24 tuổi đang hôn mê. "Bộ đội biên phòng giúp với", người đàn ông khẩn khoản, nói bằng nhiều mối quan hệ, anh ta xin được số của đơn vị quản lý khu vực biên giới, nơi người thân đang bị lạc.
Anh Hưng nói người đàn ông cung cấp số điện thoại của công dân bị lạc để kết nối. Qua điện thoại sóng bập bõm, anh dặn họ hãy giữ liên lạc, hạn chế di chuyển và gửi vị trí qua mạng xã hội để biên phòng xác định tọa độ tìm kiếm. Hơn một năm bám biên chống dịch, Đồn biên phòng Lũng Cú tiếp nhận hơn 1.000 công dân nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc trở về, đây lần đầu tiên đồn nhận điện thoại cầu cứu trong hoàn cảnh này.
"Thời gian khi ấy là vàng, chậm phút nào thì tính mạng đồng bào nguy hiểm thêm phút ấy", thiếu tá Hưng nhớ lại.
Nhận được tin báo, lãnh đạo Đồn Lũng Cú hội ý chớp nhoáng, xin ý kiến Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Giang. Kế hoạch cứu nạn lập tức được vạch ra, huy động gần trăm người vào cuộc. Chính quyền các xã Má Lé, Lũng Cú của huyện Đồng Văn cùng lúc nhận được thông báo, cử công an viên, dân quân tự vệ, người dân giỏi đi rừng tham gia cứu nạn. Các đồn biên phòng Xín Cái, đồn Đồng Văn lân cận hỗ trợ lực lượng, rà soát khu vực giáp ranh. Lãnh đạo Đồn Lũng Cú điện đàm cho Phân trạm Mã Lâm thuộc Trạm kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Thiên Bảo (Trung Quốc) đề nghị hợp tác kiểm tra vị trí công dân Việt Nam gặp nạn.
Những chiến sĩ khỏe mạnh nhất, thạo đi rừng của đồn được huy động vào tổ tìm kiếm. Bỏ qua bữa cơm trưa, họ nhét vội mấy thanh lương khô, mì tôm, nước uống, bánh ngọt rồi lên đường. Ba tổ tuần tra chia ba hướng, "quét" dọc đường biên, trọng tâm là đoạn biên giới dài 12 km từ cột mốc 428 đến 429 thuộc xã Lũng Cú.
Anh Hưng dẫn đầu tổ số 2 đi ngược sông Nho Quế, lần theo vị trí người gặp nạn gửi qua điện thoại. Hôm ấy miền Bắc chuẩn bị đón đợt rét mới, sương bao, mưa phủ khắp biên cương. Nơi đơn vị đóng quân cao trên 1.400 m so với mực nước biển, nhiệt độ tụt xuống còn 7 độ C. Nhưng vị trí mà người gặp nạn gửi không đúng, khiến cuộc tìm kiếm suốt buổi chiều không có kết quả. Nhìn ánh đèn pin loang loáng trong đêm, anh Hưng sốt ruột. Không thể dừng cuộc tìm kiếm đến sáng mai. Nghĩ đến cậu bé đã lả đi vì kiệt sức, anh nhớ con trai 7 tuổi ở nhà. Nửa năm rồi anh chưa được gặp con. Nhiều cán bộ trong tổ công tác ở hoàn cảnh tương tự, lại động viên nhau tiếp tục tìm kiếm.
22h đêm, tổ công tác "bắt" được vị trí chính xác nơi nhóm người bị lạc. Hóa ra để "hứng" sóng điện thoại, người đàn ông trong đoàn phải tìm nơi cao gửi vị trí cho bộ đội biết, rồi trở về chỗ chũ cách đó vài km tụ họp với ba người còn lại vì sợ lạc nhau. Thiếu phụ 24 tuổi, người Khmer đã hôn mê, nằm trên phiến đá. Họ vẫn ở trên đất Trung Quốc, đối diện thôn Sáy Sà Phìn (xã Lũng Cú), bên kia dòng Nho Quế. Dòng sông tại khu vực này, trở thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước. Theo quy định, bộ đội biên phòng Việt Nam không thể vượt qua đường biên.
Đêm ấy nước sông Nho Quế dâng cao, chảy xiết khi thủy điện Trung Quốc ở đầu nguồn xả lũ. Cả tổ chia nhau tìm dọc bờ sông đoạn hẹp nhất, rộng khoảng chục mét, cách nhóm người bị lạc hơn một km làm nơi tiếp tế lương thực. Quân y nhét vào túi mấy hộp sữa, bánh, vitamin phục hồi rồi giao cho chiến sĩ người Mông tên Giàng Mí Lềnh, người khỏe nhất trong tổ công tác. Trung úy cao trên 1,8 m chạy lấy đà, quăng chiếc túi sang bên kia sông để nhóm người bị lạc đến lấy. Bên này sông, bộ đội đốt lửa, chờ nước rút để bắt đầu cứu nạn.
1h sáng hôm sau, khi bốn người đi lạc hồi sức cũng là lúc nước sông Nho Quế rút dần bởi thủy điện Trung Quốc đóng cửa xả. Bộ đội buộc dây thừng, nối nhau lội ra giữa sông, tại ranh giới đường biên liền dừng lại chờ đoàn người dìu nhau xuống. Nước sông Nho Quế dù cạn vẫn dềnh đến ngang ngực người lớn. Qua một tiếng đồng hồ, các chiến sĩ đỡ được cháu bé, dìu người lớn quay lại bờ thuộc lãnh thổ Việt Nam.
2h sáng, đoàn người "hành quân" về sau một lúc nghỉ ngơi, tiếp thêm đồ ăn, quân y kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe cho bốn công dân. Quãng đường trở về là một thử thách khi từ dưới sông Nho Quế lên đến mặt đường gần chục km, chủ yếu là đường rừng, vách núi cao, nhiều đoạn dốc đứng đến "tức mắt". Một người thạo đường soi đèn pin phía trước, tay cầm rựa phát cỏ gianh chắn lối đi. Bộ đội thay nhau cõng em bé, dìu người lớn. Người đỡ đằng sau, người kéo phía trước, vừa đi vừa thở, có đoạn phải bò bằng hai tay, trượt chân ngã dúi dụi. Rừng khuya, sương mù dày đặc, quân phục ướt đầm, nước sông, nước mưa lẫn mồ hôi thấm vào thân, lạnh buốt.
"Lúc ấy dù có khẩu trang và đồ bảo hộ, nhưng anh em không thể giữ khoảng cách 2 m giữa người với người khi bà con đã kiệt sức", thiếu tá Hưng lý giải, nói "tính mạng đồng bào khi ấy quan trọng hơn nỗi sợ nhiễm nCov".
5h sáng, cả đoàn dừng chân bên chiếc lán bỏ hoang của người dân đi rừng. Bắt được sóng điện thoại, anh Hưng điện về ban lãnh đạo báo tin đã tìm thấy người. Nhưng đường núi, xe máy không xuống được tới triền sông. Cả đoàn đi bộ thêm vài km lên tới mép đường mòn, nơi những tay lái "cứng" nhất của bản, với chiếc xe máy đã quấn xích vào lốp đứng chờ, "tăng bo" đưa người về chốt kiểm soát.
8h30 sáng 28/2, cả đoàn về tới chốt sau một ngày lặn lội rừng sâu, khi đôi chân căng cơ, trắng bợt vì ngâm nước trong đôi giày quân nhu vải bố ướt đẫm. Bốn công dân, sau khi lót dạ bằng mì tôm, sữa hộp, được kiểm tra y tế và về cách ly tại trung tâm cách đó hơn 3 km.
Trong nhóm sáu người còn một đôi nam nữ quê Vĩnh Long đang đi lạc sâu hơn vào nội địa Trung Quốc. 11h30, tổ công tác số 3 xác định được vị trí và ba tiếng sau tìm thấy hai người còn lại trong tình trạng suy kiệt sức khỏe. Bản báo cáo viết tay khi mất điện, được đánh chuyển về Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Giang ngay chiều hôm ấy, nội dung báo cáo cuộc cứu nạn sáu công dân thành công. Họ đều an toàn, sức khỏe ổn định, được đưa đi cách ly tập trung.
Lãnh đạo Đồn biên phòng Lũng Cú đồng thời báo cho lực lượng chức năng phía Trung Quốc để họ dừng cuộc tìm kiếm.
Qua khai thác thông tin, các công dân đều là lao động trái phép làm việc ở Hà Nam, Phúc Kiến, Quảng Tây (Trung Quốc). Hết việc vì dịch, họ thuê người dẫn đường tới biên giới để tìm về Việt Nam qua đường mòn lối mở, với ý định sẽ khai báo đầy đủ và chấp hành cách ly. Song người dẫn đường vì muốn tránh sự truy quét của lực lượng chức năng Trung Quốc, đã để nhóm người Việt ở thị trấn cách xa biên giới và nói "đi mười phút nữa sẽ về tới Việt Nam". Những lao động Việt vì chủ quan không chuẩn bị nhiều đồ ăn, càng đi càng lạc sâu ở khu vực biên giới, cuối cùng phải cầu cứu bộ đội biên phòng.
Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú, thiếu tá Hà Văn Đô cho biết đơn vị quản lý 26,343 km đường biên gồm 26 cột mốc, trong đó có 18 mốc chính và 8 mốc phụ. Địa bàn trải rộng trên địa hình đồi núi nhiều đường mòn, lối mở, sông suối phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Đơn vị duy trì 6 chốt kiểm soát, một tổ tuần tra lưu động nhằm phòng, chống Covid-19 và ngăn người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Anh Hưng chiều cùng ngày nhận được điện thoại của gia đình những lao động vượt biên, muốn tặng quà cảm ơn đồn. Các công dân cũng hẹn khi cách ly xong sẽ tới thăm bộ đội trước khi trở về quê nhà. Nhưng anh từ chối, nói cuộc cứu nạn là một phần của nhiệm vụ.
Hà Giang, nơi có 277,556 km đường biên giới với Trung Quốc, địa hình núi liền núi, sông liền sông, nhiều người dân hai bên đường biên có mối quan hệ thân tộc lâu đời, đã trở thành điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép trong năm 2020, kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Xác định trên 300 điểm có hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, Bộ đội biên phòng Hà Giang đã lập 63 chốt cố định, duy trì 17 tổ tuần tra kiểm soát lưu động, phát hiện gần 10.000 người, đưa đi cách ly y tế theo quy định.
Hoàng Phương